✴️ Hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi

Tổng quan

Hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi (HTVKCXĐ) hay còn gọi là hoại tử vô mạch (Avascular Necrosis) chỏm xương đùi là bệnh có tổn thương hoại tử tế bào xương và tủy xương do thiếu máu nuôi trên chỏm xương đùi. Vùng hoại tử lúc đầu tạo ra các vùng thưa xương, các ổ khuyết xương, về sau dẫn đến gãy xương dưới sụn, cuối cùng gây xẹp chỏm xương đùi, thoái hóa thứ phát và mất chức năng của khớp háng, dẫn đến tàn phế.

Hoại tử chỏm xương đùi nguyên phát thường gặp ở trẻ em. Nguyên nhân thường không rõ ràng, có thể có hoặc không có yếu tố chấn thương.

Hoại tử chỏm xương đùi tự phát thường gặp nhất ở độ tuổi trung niên (20-50 tuổi), nam thường gặp nhiều hơn nữ (nam chiếm 80%). Ngoài ra HTVKCXĐ còn xuất hiện thứ phát sau chấn thương và một số nguyên nhân khác và phụ thuộc vào tuổi mắc các bệnh lý nền.

Các yếu tố nguy cơ

- Rượu: Trong nhiều nghiên cứu về HTVKCXĐ trên thế giới và Việt Nam cho thấy nghiện rượu được xem là yếu tố nguy cơ cao gây hoại tử xương. Những người uống từ 400ml rượu mỗi tuần có nguy cơ HTVKCXĐ. Nghiện rượu là yếu tố nguy cơ cao gây hoại tử xương với vòng xoắn bệnh lý: Nghiện rượu - tăng lipoprotein máu – xơ cứng động mạch, hẹp lòng mạch - hoại tử xương.

- Thuốc lá: Theo chuyên gia Primal Kaur – Chuyên gia về bệnh loãng xương thuộc hệ thống các trường Đại học Y tế ở Philadelphia (Mỹ), Nicotine và các độc tố trong thuốc lá làm ảnh hưởng đến sức khỏe xương khớp từ nhiều góc độ.

+ Khói thuốc lá tạo ra một lượng lớn các chất oxy hóa, làm sản sinh ra một chuỗi các phản ứng gây tổn thương trên toàn bộ cơ thể, bao gồm cả các tế bào, cơ quan và hormone liên quan trong việc giữ gìn hệ xương khớp khỏe mạnh.

+ Hút thuốc lá làm giảm lượng calcitonin – là hormone có tác dụng tích cực ngăn ngừa tiêu xương. Vì thế, khi calcitonin giảm thì quá trình hủy xương diễn ra nhanh hơn, làm xương suy yếu.

+ Hút thuốc cũng làm tổn thương mạch máu, khiến nồng độ oxy trong máu giảm, tăng gấp đôi nguy cơ gãy xương.

+ Hút thuốc làm tăng nồng độ carbon monoxide, dẫn đến giảm lượng oxy trong máu từ đó làm cản trở quá trình tự sửa chữa hư tổn của sụn khớp.

- Các nghiên cứu trong nước cho thấy bệnh HTVKCXĐ chủ yếu gặp ở nam giới (80 – 90%), độ tuổi trung bình từ 40 đến 50 tuổi, yếu tố nguy cơ do lạm dụng rượu là 75% đến 85%, trong đó lạm dụng rượu kết hợp với hút thuốc lá, thuốc lào chiếm tỉ lệ từ 65 – 72%. Các yếu tố nguy cơ khác chiếm tỉ lệ thấp.

Như vậy, thủ phạm chủ yếu gây hoại tử chỏm xương đùi ở nước ta là do lạm dụng rượu kết hợp với hút thuốc lá, thuốc lào quá nhiều, đây là yếu tố chính làm tổn thương, viêm mạn tính và làm tắc các mao mạch (mạch máu nhỏ) nuôi chỏm xương đùi, dẫn đến các tế bào xương sụn vùng chỏm bị thiếu máu và hoại tử dần. Bệnh diễn biến ngày càng nặng dẫn đến gãy xương dưới sụn và xẹp chỏm.

Bên cạnh đó, còn do nhiều nguyên nhân khác gây ra bệnh HTVKCXĐ như: Chấn thương tại khớp háng (trật khớp háng, gãy cổ xương đùi), bệnh khí ép (thợ lặn, công nhân làm hầm mỏ), bệnh lí tự miễn (viêm khớp dạng thấp, Lupus ban đỏ,...), ghép tạng, bệnh lí tăng đông và bệnh tắc mạch tự phát, đái tháo đường, lạm dụng thuốc có chứa corticoid...

Xem tiếp: Chẩn đoán hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top