Gân bánh chè là là phần nối giữa xương bánh chè và xương chày. Do được tạo thành từ các sợi cơ bền và dai nên gân xương bánh chè rất khỏe, giúp duỗi thẳng cơ đùi và bắp chân khi có thể hoạt động.
Trong khi đó, xương bánh chè là đoạn xương nhỏ nằm ở trước khớp gối, có thể chuyển động rất linh hoạt như lên xuống, nghiêng và xoay. Xương bánh chè có giúp cho chân đi lại, đứng thẳng bằng cách làm giảm áp lực lên khớp gối.
Khi khớp gối vận động liên tục và kéo dài khi chơi thể thao thì sẽ dẫn đến gân bánh chè bị sưng tấy, đau nhức do viêm nhiễm, đây gọi là tình trạng viêm gân bánh chè.
Viêm gân xương bánh chè thường gặp ở các vận động viên, người chơi thể thao, người vận động nhiều. Bên cạnh đó, một số yếu tố nguy cơ khác có thể gây bệnh viêm gân bánh chè bao gồm: người bị chấn thương; người mắc các bệnh mãn tính về xương khớp như gút, viêm khớp; người cao tuổi; người có giải phẫu bất thường như xương bánh chè lên cao, chân lệch trục…
Đặc biệt, viêm gân bánh chè có thể gặp ở những người mắc bệnh béo phì, hai chân không bằng nhau khiến một chân chịu quá tải…
Khi bị viêm gân xương bánh chè, người bệnh sẽ có dấu hiệu đau ở vị trí trước gối nơi bị viêm gân:
– Cơn đau tăng dần, âm ỉ và liên tục, sau đó người bệnh đau mạnh, giảm dần rồi lại tăng lên.
– Đau tăng lên khi vận động, khi phải gấp duỗi gối như leo cầu thang, ngồi xổm.
Nếu cơn đau viêm gân bánh chè không thuyên giảm, mức độ đau nặng hơn, xuất hiện tình trạng sưng nề, tấy đỏ thì người bệnh cần đến cơ sở y tế khám để được tư vấn phác đồ điều trị hiệu quả, tránh ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt.
Trong một số trường hợp, viêm gân xương bánh chè sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm mà người bệnh cần lưu ý như:
– Đứt gân xương bánh chè: Với biến chứng này, người bệnh sẽ có cảm giác đau tăng đột ngột khi thực hiện động tác nhảy lên, mất hoàn toàn chức năng vận động của cơ. Đây được coi là biến chứng nặng nề nhất của viêm gân xương bánh chè.
– Yếu cơ chân
– Rách gân
– Đau đầu gối mãn tính
– Đau khớp gối
Xác định vị trí tổn thương thông qua khám lâm sàng.
Chụp X quang: Giúp quan sát rõ vị trí của xương, nhưng thường khó để xác định các mô.
Chụp CT: Giúp xác định các mô và xương, tuy nhiên nhược điểm của phương pháp này là bệnh nhân bị phơi nhiễm phóng xạ nhiều hơn so với phương pháp chụp X – quang.
Chụp MRI cộng hưởng từ
Điều trị viêm gân bánh chè là một quá trình lâu dài và kiên trì. Nếu chấn thương không quá nghiêm trọng thì việc phục hồi có thể mất vài tuần, vài tháng, hoặc kéo dài một năm hoặc nhiều hơn.
Hầu hết bệnh nhân bị viêm gân bánh chè thường điều trị bảo tồn, phẫu thuật viêm gân bánh chè hiếm khi thực hiện. Tuy nhiên, nếu điều trị bảo tồn không có hiệu quả thì bệnh nhân cần áp dụng phương pháp phẫu thuật.
Điều trị bảo tồn
– Nghỉ ngơi, tránh hoạt động mạnh gây áp lực lên gân bánh chè
– Thực hiện các bài tập vật lý trị liệu tăng cường sức mạnh cho gân bánh chè, cơ tứ đầu đùi, cơ vùng cẳng chân, liệu pháp sóng âm …
– Dây ép gân bánh chè: Dây đeo áp lực đến gân bánh chè có thể giúp phân phối lực khỏi gân, tác động trực tiếp lên dây thay thế, giúp bệnh nhân giảm đau.
– Thuốc kháng viêm, giảm đau, tiêm huyết tương giàu tiểu cầu, chườm lạnh, tiêm corticosteroid dưới hướng dẫn của siêu âm.
Phẫu thuật
Xem xét phẫu thuật cho bệnh nhân viêm gân bánh chè trong trường hợp điều trị bảo tồn trên một năm không có kết quả.
Để giảm nguy cơ mắc viêm gân bánh chè, mọi người cần lưu ý:
Không chơi thể thao khi đau gối
Tránh các hoạt động gây đau, chuyển sang các môn thể thao gây áp lực lên gân bánh chè ít hơn
Nếu đau đầu gối khi chơi thể thao cần nghỉ ngơi, chườm đá, giảm đau
Tăng cường các bài tập tăng cường sức mạnh cơ tứ đầu, cơ vùng cẳng chân
Mang giày dép phù hợp với việc phân bố trọng lượng cơ thể.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh