✴️ Truyền thông y tế để chăm sóc nâng cao sức khỏe cho người dân

Nội dung

Đưa chính sách đến gần dân

Những chính sách về chăm sóc sức khỏe người dân của Đảng, Nhà nước, Chính phủ sẽ không được toàn thể nhân dân biết và không thể phát huy hiệu quả thiết thực nếu không thông qua hoạt động truyền thông. Nhờ làm tốt công tác truyền thông nên những chính sách về BHYT toàn dân, hoặc chính sách chủ trương về nâng cao chất lượng chăm sóc điều trị bệnh nhân tại các cơ sở khám chữa bệnh... được người dân biết đến và thực hiện theo.

Không chỉ dừng lại ở đó, công tác truyền thông y tế trong những năm qua được thực hiện chuyên nghiệp hơn, khi những đầu mối cung cấp thông tin cho báo chí đã được xử lý bài bản và khoa học hơn. Điều này thể hiện ở việc, hàng năm Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn công tác truyền thông y tế cho các địa phương. Các hoạt động truyền thông được triển khai thực hiện rộng khắp và bám sát các hoạt động trọng tâm của ngành trên các lĩnh vực...Từ bản kế hoạch hướng dẫn chung đó các địa phương áp dụng thực hiện phù hợp với điều kiện của mình. Việc này, giúp vấn đề truyền thông y tế được nhất quán, không còn tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.

Bên cạnh đó, một trong những điểm nổi bật và đặc thù của truyền thông y tế là truyền thông phòng chống dịch bệnh. Như chúng ta đã biết, hàng năm các loại dịch bệnh xảy ra có ảnh hưởng đến diện rộng và đa số quần chúng nhân dân. Nếu không có những định hướng, chỉ dẫn của ngành y tế về cách phòng bệnh, cách phát hiện bệnh theo từng mùa và những hướng dẫn cụ thể chi tiết về cách thức phòng bệnh, thì dịch bệnh lây lan nhanh và hậu quả là rất khủng khiếp, có thể làm suy sụp hệ thống y tế, ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước.

Một trong những thành công lớn nhất của công tác truyền thông y tế trong thời gian gần đây là truyền thông về dịch COVID-19. Kết hợp một cách sáng tạo những nguyên tắc lý thuyết về truyền thông nguy cơ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong điều kiện đặc thù của Việt Nam, truyền thông chống dịch COVID-19 đã tạo được niềm tin của người dân và huy động người dân tham gia vào chiến dịch phòng chống COVID-19 cùng với toàn Đảng, Chính phủ và chính quyền các cấp.

Truyền thông phòng chống dịch COVID-19 cho thấy rõ hiệu quả của việc truyền thông chính thống với việc các cơ quan thông tấn, báo chí tạo nên dòng thông tin chủ đạo chính xác, khách quan và minh bạch, giúp người dân hiểu rõ và hưởng ứng cách thức chống dịch của Chính phủ. Bên cạnh đó, dựa vào lợi thế của công nghệ thông tin trong cuộc cách mạng 4.0 mà nhiều doanh nghiệp và chuyên gia của Việt Nam đang làm chủ, chúng ta đã kịp thời tung ra những ứng dụng (app) để cung cấp thông tin, hướng dẫn người dân phòng chống dịch; giúp người dân khai báo y tế và cập nhật tình trạng sức khỏe của mình. Truyền thông chủ động đã tạo được niềm tin của công chúng, mở ra một mặt trận truyền thông toàn dân chống dịch trên mạng xã hội, kêu gọi toàn dân đoàn kết chống dịch, cổ vũ, động viên những lực lượng ở tuyến đầu chống dịch.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới và trong nước, cùng với nguy cơ từ các dịch bệnh đang lưu hành, thì bài học truyền thông từ dịch COVID-19 vẫn còn nguyên tính giá trị. Hoạt động truyền thông phòng chống dịch COVID-19 trở thành mô hình truyền thông có thể ứng dụng hiệu quả trong tương lai khi có các sự kiện y tế công cộng.

 

Cần ưu tiên đối với truyền thông

Từ thực tế công tác truyền thông trong những năm qua cho thấy, truyền thông đi trước một bước, truyền thông định hướng dư luận sẽ tạo thế chủ động, thậm chí “chắc thắng” khi đấu tranh với các thông tin sai trái trong dư luận, giảm những bức xúc không đáng có với ngành y tế. Do đó việc ưu tiên đối với công tác truyền thông là đặc biệt cần thiết, nhất là trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, báo chí chính thống phải cạnh tranh khốc liệt với mạng xã hội.

Công tác truyền thông y tế đến người dân trong những năm qua đã được Bộ Y tế quan tâm, được đầu tư và mở rộng. Mối quan hệ hợp tác giữa Bộ Y tế với các cơ quan báo chí cũng được mở rộng với định hướng rõ ràng vì lợi ích sức khỏe của nhân dân. Nhờ vậy, người dân hiểu biết nhiều hơn về ngành y tế, những khó khăn, thách thức của ngành, từ đó thấu hiểu và cảm thông hơn.

Truyền thông y tế khác với truyền thông doanh nghiệp và các mô hình truyền thông khác. Bởi nó liên quan trực tiếp đến sức khỏe và cuộc sống của người dân. Truyền thông y tế không chỉ là những khuyến cáo phòng chống dịch bệnh, không chỉ là những lời khuyên chăm sóc sức khỏe, tạo ra những thói quen có lợi cho sức khỏe, mà còn góp phần củng cố niềm tin của người dân đối với những chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực y tế. Do vậy rất cần sự ưu tiên về chính sách và nguồn lực để truyền thông y tế song hành và phản ánh những giá trị tốt đẹp của ngành. Đó cũng chính là sự nhấn mạnh và làm tăng thêm những nét đẹp nhân văn của xã hội nói chung và ngành y nói riêng.

 

Quy mô tổ chức truyền thông y tế tại Bệnh viện

Điều 4 Thông tư 07/2011/TT-BYT ban hành ngày 26 tháng 01 năm 2011 hướng dẫn công tác điều dưỡng về chăm sóc người bệnh trong bệnh viện qui định về công tác Tư vấn, hướng dẫn giáo dục sức khỏe, để thực hiện được nhiệm vụ cần có những quy định cụ thể.

 

Đối với Bệnh viện 

Có quy định và tổ chức các hình thức tư vấn, hướng dẫn giáo dục sức khỏe phù hợp.

Người bệnh nằm viện được điều dưỡng viên, hộ sinh viên tư vấn, giáo dục sức khỏe, hướng dẫn tự chăm sóc, theo dõi, phòng bệnh trong thời gian nằm viện và sau khi ra viện.

Có bộ tài liệu GDSK đã được thông qua hội đồng khoa học của bệnh viện để sử dụng cho công tác TT- GDSK trong toàn bệnh viện.

Có chương trình tập huấn cho ĐDV, HSV về TT-GDSK.

Cung cấp đầy đủ các phương tiện phục vụ cho công tác GDSK.

Qui định thời gian thực hiện trong toàn bệnh viện.

Kiểm tra, đánh giá việc thực hiện công tác TT-GDSK.

Có các hình thức khen thưởng đối với các tập thể và cá nhân thực hiện tốt.

 

Đối với Khoa

Thực hiện đầy đủ các qui định của bệnh viện

Có lịch phân công nhân viên thực hiện các buổi TT-GDSK

Cung cấp đầy đủ các phương tiện, tài liệu phục vụ cho công tác TT-GDSK

Tổ chức môi trường thực hiện TT-GDSK hiệu quả

Có bảng kiểm đánh giá nhận thức, kiến thức của người tham dự sau mỗi buổi thực hiện TT-GDSK

Tổng kết đánh giá hàng tháng và đề xuất các hình thức khen thưởng các cá nhân thực hiện tốt

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top