✴️ Vị thuốc Gai kim

Nội dung

1. Mô tả

  • Cây bụi nhỏ, phân cành, có gai, cao 1 – 1,5m. Thân gần bốn cạnh, nhẵn.
  • Lá mọc đối, hình trái xoan, dài 2 – 12 cm, rộng 1 – 6 cm, gốc thắt dần lại, đầu thuôn nhọn, mép nguyên, mặt trên đôi khi có lông, mặt dưới có lông rải rác; gai ở kẽ lá, chẻ làm tư.
  • Cụm hoa mọc ở kẽ lá, đơn độc hoặc 3 cái một; những hoa ở gần ngọn họp thành bông; lá bắc thuôn, không cuống, lá bắc con hình dải hẹp, dạng gai đơn; hoa màu vàng; đài có 2 phiên ngoài hình mác, phiến trong hình dải dạng gai; tràng dài 3 – 4 cm, có ống, chia 2 môi, môi trước một thuỷ, môi sau xẻ 4 thuỳ; bầu nhẵn, mỗi ô chứa 2 noãn.
  • Quả nang, 2 hạt có mỏ.

2. Phân bố, sinh thái

Chi Barleria L. trên thế giới có khoảng 250 loài (có tài liệu ghi gần 300 loài – PROSEA, 12(2) – Med. and poisonous Pls.2, 2001), phân bố rộng rãi ở vùng nhiệt đới, tập trung nhiều ở châu Phi, sau đến vùng Nam Á và Đông Nam Á, ở Trung Mỹ chỉ có 1 loài.

Ở Việt Nam, chi này đã biết 4 loài và 1 thứ (var.), trong đó loài gai kim chi thấy phân bố tự nhiên từ các tỉnh Trung Bộ trở vào; đôi khi cũng được trồng ở bờ rào để làm cảnh vì có hoa màu vàng, đẹp. Vùng phân bố của cây trên thế giới bao gồm suốt châu Phi, về phía Đông bao gồm bán đảo Ả Rập đến các quốc gia ở vùng Nam Á và toàn vùng Đông Nam Á.

Gai kim là cây ưa sáng, ưa ẩm và cũng có khả năng chịu hạn tốt. Cây thường mọc lẫn trong các tràng cỏ cao – cây bụi, hoặc trong các lùm bụi quanh làng cũng như dọc theo các bờ kênh mương. Cây ra hoa quả nhiều hàng năm. Tái sinh tự nhiên tốt từ hạt. Ngoài ra, khi cây chưa ra hoa, nếu bị cắt vẫn có khả năng mọc cây chồi.

Bộ phận dùng:

Lá, vỏ và rễ.

3. Thành phần hóa học

  • Hoa chứa một lượng đường dưới dạng mật khá cao, cả cây chứa alcaloid và nhiều kali.

  • Theo Phạm Hoàng Hộ (2006) trong loài B. uplina lindl, một loại cây trồng có xuất sứ từ Madagasca, thân và lá chứa các eridioid là barlerin, Shanzhisid, betain, ipolamidosid và 4 iridoid glucosid.

Thành phần hóa học

4. Tác dụng dược lý

Tác dụng kháng khuẩn và chống viêm:

Các cao có phổ kháng khuẩn rộng với nồng độ tối thiểu ức chế từ 0,059 – 6,250 mg/ml, có tác dụng ức chế COX – 1 và COX – 2 (Amoo SO. et al., 2003).

Tác dụng kháng nấm của flavonoid gai kim:

Flavonoid được phân lập từ phần trên mặt đất (thân và lá) cây gai kim có tác dụng kháng nấm trên Aspergillus flavus, Candida albicans, Microsporum gypseum và Trichophyton mentagrophytes [Van Valkenburg et al., 2001: 98 – 100].

Tác dụng chống viêm:

Cao có tác dụng chống viêm có ý nghĩa trên các chất gây viêm khác nhau như caragenin, histamin, dextran. Tác dụng chống viêm ở chuột cống trắng đã cắt bỏ tuyến thượng thận vẫn giữ được, chứng tỏ tác dụng chống viêm của cao không thông qua truc tuyến yên – tượng thận.

Tác dụng bảo vệ gan:

Phân đoạn giàu iridoid (IF) được phân lập từ cao ethanol – nước của phần trên mặt đất (thân và lá) cây gai kim đã được đánh giá tác dụng bảo vệ gan trong một số mô hình cấp tính và mạn tính gây độc gan ở động vật thí nghiệm, IF có tác dụng bảo vệ gan có ý nghĩa trên các mô hình gây độc gan bằng carbon tetraclorid, galactosamin và paracetamol. Silymarin được dùng làm thuốc bảo vệ gan đối chiếu.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, IF có tác dụng bảo vệ gan có ý nghĩa và phụ thuộc vào liều dùng. IF làm phục hồi lại hầu hết các thông số thuộc chức năng gan đã bị thay đổi do tổn thương gan.

Tác dụng chống đái tháo đường:

Cao lá chiết bằng ethanol từ lá cây kim gai có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường.

5. Tính vị, công năng

Rễ gai kim sắc lấy nước uống chữa sốt vì tươi giã nát đắp; nếu là rễ khô tán thành bột, chiếc với nước thành bột nhão đắp để làm tan mụn nhọt.

Lá gai kim vị đắng, cay, tính ấm, có công năng làm ra mồ hôi, long đờm, trừ ho, giải độc, tiêu thũng.

6. Công dụng

Lá gai kim được dùng chữa đau răng. Lấy lá, sắc đặc rồi ngậm. Cành cả lá dùng chữa ho, ngày 20 – 30g sắc uống.

  • Ở Ấn Độ, rất hay dùng các bộ phận của cây gai kim. Để chữa phù và phù toàn thân, thường lấy vỏ cây tươi, giã nát, lấy nước thêm sữa uống. Có thể dùng toàn cây, đốt lấy than, trộn mật ong rồi uống [Kirtikar KR. et al., 1998, Ill: 1876].
  • Lá gai kim tươi giã nát, lấy nước, trộn mật ong dùng cho trẻ em để chữa ho, sốt, viêm nhiễm xuất tiết, đau răng, viêm lợi xuất huyết, người lớn còn dùng chữa rối loạn tiết niệu, để lợi tiểu, chữa di mộng tinh, liệt [Chatterfee và Pakrashi; 1997, 9: S8]; còn chữa ngạt mũi, đờm dãi đặc quánh dịch.
  • Ở Trung Quốc, rễ cây gai kim được dùng chữa đau răng, họ và đắp để chữa trĩ. Ở Indonesia, lá được dùng chữa đau bụng, nhức đầu, thấp khớp, khó tiểu tiện, đau răng, ghẻ, ngứa, nấm da; rễ giã nát đắp hoặc sắc bôi lên chỗ viêm da, uống nước sắc chữa sốt [Med. Herb Index, 1995: 248].

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top