Author: Do Thai Phuong Ngoc1,3
Advisor: Chen, Fang-Pey, M.D1,2
1 Institute of Traditional Medicine, School of Medicine, National Yang-Ming Chiao Tung University
2 Center for Traditional Medicine, Taipei Veterans General Hospital
3 Nguyen Tri Phương General Hospital
TÓM TẮT
Đột quỵ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật trên toàn thế giới, góp phần tăng thêm gánh nặng cho xã hội. Châm cứu là một trong những phương pháp điều trị y học cổ truyền được sử dụng để phục hồi chức năng sau đột quỵ trong hàng ngàn năm và nhiều nghiên cứu lâm sàng đã đề cập đến tính hiệu quả của nó. Câu hỏi đặt ra là thời điểm bắt đầu phục hồi chức năng, một số nghiên cứu cho thấy bệnh nhân đột quỵ nên bắt đầu điều trị phục hồi chức năng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, thời điểm điều trị châm cứu sớm vẫn chưa rõ ràng. Vì vậy, để nghiên cứu hiệu quả của châm cứu sớm đối với bệnh nhân đột quỵ cấp và bán cấp, chúng tôi đã thực hiện nghiên cứu hồi cứu này.
Trong giai đoạn đầu của nghiên cứu này, chúng tôi đã phân tích những bệnh nhân đột quỵ mới được châm cứu tại Trung tâm Y học Cổ truyền, Bệnh viện Đa khoa Cựu chiến binh Đài Bắc từ tháng 2 năm 2020 đến tháng 5 năm 2021. Dựa trên thời gian bắt đầu điều trị bằng châm cứu, bệnh nhân được chia thành hai nhóm: Bệnh nhân nhóm A được điều trị trong vòng hai tháng đầu kể từ khi khởi phát và bệnh nhân Nhóm B được điều trị sau hai tháng đầu kể từ khi khởi phát. Kết quả phục hồi được đánh giá thông qua thang điểm đột quỵ của Viện Y tế Quốc gia (NIHSS) và chỉ số Barther (BI). Trong giai đoạn thứ hai, chúng tôi đã phân tích dữ liệu về các bệnh nhân đột quỵ mới có và không có châm cứu trong năm 2005-2008 từ Cơ sở dữ liệu Nghiên cứu Bảo hiểm Y tế Quốc gia ở Đài Loan (NHIRD). Những người được điều trị bằng châm cứu được chia thành ba nhóm: nhóm (A) châm cứu trong vòng 2 tuần đầu, nhóm (B) châm cứu trong vòng 2 tháng đầu và nhóm (C) châm cứu sau 2 tháng. Tỷ lệ tái nhập viện vì các chẩn đoán liên quan đến đột quỵ trong ba năm liên tiếp được sử dụng làm thước đo kết quả.
Kết quả giai đoạn đầu cho thấy sự phục hồi khả năng vận động của 2 nhóm bệnh nhân được cải thiện. Tuy nhiên, trong cùng 28 ngày nhập viện, số lần châm cứu ở nhóm B cao hơn nhóm A và sự khác biệt có ý nghĩa thống kê. Ở kết quả giai đoạn hai, không có sự khác biệt đáng kể giữa ba nhóm về số lần châm cứu hoặc số lần tái nhập viện đối với từng loại biến chứng (đột quỵ tái phát, bệnh tim mạch, bệnh hô hấp và bệnh tiết niệu). Từ năm 2005-2008 NHIRD không đề cập đến việc điều trị châm cứu trong thời gian nằm viện, dẫn đến hạn chế dữ liệu về thời gian châm cứu trong tình trạng cấp tính nhập viện và kết quả phân tích thống kê không mang lại kết quả như mong đợi.
Vì vậy, mặc dù điều trị châm cứu sớm trong hai tháng đầu sau khi khởi phát đột quỵ được coi là có tác dụng phục hồi chức năng tích cực hơn so với châm cứu muộn, nhưng cần thiết kế các nghiên cứu tiền cứu sâu hơn để đánh giá hiệu quả của châm cứu sớm trong tương lai.
Từ khóa: đột quỵ cấp, châm cứu sớm, y học cổ truyền, nghiên cứu hồi cứu.
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
Tóm lại, chúng tôi đã thực hiện một nghiên cứu hồi cứu gồm hai giai đoạn về việc sử dụng châm cứu sớm ở những bệnh nhân bị đột quỵ cấp và bán cấp. Trong giai đoạn đầu tiên, quan sát hồi cứu cho thấy lợi ích đối với nhóm châm cứu sớm trong hai tháng đầu kể từ khi bắt đầu với số lần châm cứu ít hơn trong cùng thời gian nằm viện và cải thiện đáng kể về mặt thống kê về điểm NIHSS và BI. Hiệu quả và an toàn của châm cứu sớm trong đột quỵ cấp và bán cấp đã được chứng minh bằng quan sát hồi cứu này.
Trong giai đoạn thứ hai, phân tích hồi cứu từ NHIRD không cho thấy lợi ích rõ ràng của châm cứu sớm trong việc phục hồi lâu dài sau đột quỵ. Hạn chế trong việc ghi chép số liệu trong năm 2005-2008 khiến công tác phân tích thống kê chưa đạt được kết quả như mong đợi.
Nghiên cứu này làm sáng tỏ lợi ích của việc bắt đầu điều trị châm cứu sớm trong quá trình phục hồi sau đột quỵ, giúp bệnh nhân nhanh chóng trở lại làm việc và cải thiện chất lượng cuộc sống. Qua đó giảm bớt gánh nặng xã hội do tai biến mạch máu não gây ra. Qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy bác sĩ nên kết hợp châm cứu sớm trong điều trị phục hồi chức năng ở giai đoạn cấp và bán cấp của đột quỵ để giảm thời gian nằm viện của bệnh nhân.
Trong tương lai, các nghiên cứu lâm sàng tiền cứu điều trị phục hồi đột quỵ với châm cứu sớm nên bắt đầu trong vòng ba ngày kể từ khi khởi phát có thể được thiết kế và nên tiến hành theo dõi lâu dài để nghiên cứu lợi ích của châm cứu sớm ở bệnh nhân đột quỵ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO