Tất cả những điều cần biết về tai biến mạch máu não

Tai biến mạch máu não hay còn gọi là bệnh đột quỵ. Đây là tình trạng lưu lượng máu đến não giảm đi dẫn đến việc chết tế bào. Bệnh có tỷ lệ ngày càng ra tăng, đặc biệt là độ tuổi mắc tai biến mạch máu não hay đột quỵ ngày càng trẻ hóa. Để có thêm hiểu biết về căn bệnh này và biện pháp phòng tránh tai biến, bạn đọc có thể tham khảo bài viết dưới đây.

 

Nguyên nhân gây tai biến mạch máu não

Tai biến mạch máu não (đột quỵ) là tình trạng lưu lượng máu đến não giảm đi dẫn đến việc chết tế bào. (ảnh minh họa)
 

Tai biến mạch máu não chủ yếu do các nguyên nhân sau đây gây ra:

  • Nghẽn hoặc/ tắc mạch máu não: cục máu đông tại chỗ của động mạch não, thuyên tắc do xơ vữa động mạch (chẳng hạn xuất phát từ động mạch cảnh), huyết tắc do bệnh tim (thí dụ rung nhĩ, nhồi máu cơ tim).
  • Vỡ mạch máu não: tăng huyết áp, chấn thương, vỡ phình động mạch não.

Nguyên nhân khác ít gặp: giảm huyết áp (tụt huyết áp đột ngột hơn 40 mm Hg), viêm động mạch, viêm tắc tĩnh mạch, thuyên tắc xoang tĩnh mạch. Ở người trẻ: bệnh tiểu cầu, chảy máu dưới màng nhện, dị dạng động mạch cảnh.

 

Biểu hiện của tai biến mạch mãu não

Các triệu chứng của tai biến mạch máu não diễn ra rất đột ngột vì vậy người bệnh cần được cấp cứu sớm nhất có thể. (ảnh minh họa)
 

Các biểu hiện của tai biến mạch máu não diễn ra rất đột ngột và nhanh chóng, cần phải đưa người bệnh vào viện để được chẩn đoán và điều trị thích hợp. Đối với người bị tai biến, thời gian là vàng, mạch máu đông hoặc vỡ phải được xử lý thật nhanh để đề phòng các biến chứng như liệt toàn thân, bại não,… Khi người có các triệu chứng sau cần phải chú ý và đưa đến bệnh viện ngay lập tức.

  • Đột ngột thấy tê cứng ở mặt, tay hoặc chân – đặc biệt là tê cứng nửa người.
  • Nhìn không rõ (thị lực giảm sút).
  • Không cử động được chân tay (Mất phối hợp điều khiển chân tay).
  • Không nói được hoặc không hiểu được người khác nói.
  • Đầu đau dữ dội.

 

Những việc có thể làm trước khi xe cấp cứu tới

Quan sát và hỏi bệnh nhân để biết bệnh nhân còn tỉnh táo (ý thức bình thường) hay lẫn lộn, lơ mơ hoặc hôn mê (rối loạn ý thức). Kèm theo dấu hiệu đại tiểu tiện không tự chủ chứng tỏ bệnh nhân đã mất ý thức.

  • Nếu bệnh nhân còn tỉnh: cần để bệnh nhân nằm yên tĩnh và gọi cấp cứu đến để đưa bệnh nhân vào bệnh viện có uy tín và gần nhất để cấp cứu.
  • Nếu bệnh nhân hôn mê: cần xem bệnh nhân đang còn thở bình thường, thở nhanh, thở chậm, hay đã ngừng thở…, vì cấp cứu hô hấp là việc đầu tiên phải làm để đảm bảo đủ oxy cho tim và cho não. Nếu toàn bộ não thiếu oxy quá 3 phút thì dù cho cấp cứu tim đập lại cũng không cứu được não, y học gọi là mất não, hoặc chết não.
  • Kiểm tra nhịp tim và huyết áp ngay nếu có thể.

 

Tuyệt đối KHÔNG làm những điều sau khi thấy người bị tai biến mạch máu não

  • Không cố di chuyển đầu, cổ bệnh nhân, trong trường hợp tai nạn, đầu hoặc cổ có thể bị gãy hoặc bị thương. Để bệnh nhân trong tư thế thoải mái. Nới lỏng quần áo.
  • Không được cho bệnh nhân ăn hoặc uống. Tai biến khiến cho người bệnh không thể nuốt và sẽ gây nghẹn.
  • Không dùng (aspirin). Mặc dù axpirin có thể làm giảm cục máu đông trong trường hợp tai biến nghẽn / tắc động mạch nhưng cũng có thể gây chảy máu trong nếu là tai biến vỡ mạch máu. Nếu người bệnh đã uống axp-rin trong ngày, cần phải báo với bác sĩ cấp cứu ngay.
  • Hãy cố gắng giúp người bệnh thở sâu, thở chậm, giữ đầu mát và thân ấm, và liên hệ đến trung tâm ý tế ngay để người bệnh được cấp cứu kịp thời.

 

Phòng ngừa tai biến mạch máu não

Tai biến mạch máu não hoàn toàn có thể dự đoán trước, với các biện pháp can thiệp kịp thời sẽ tránh bị xảy ra đột quỵ. Việc thăm khám và kiểm tra sức khỏe định kỳ chuyên khoa đặc biệt là chuyên khoa Tim mạch để biết trước nguy cơ gần xảy ra đột quỵ như sau:

  • Làm điện tim, siêu âm tim để xác định xem có bị hẹp van hai lá, rung nhĩ, loạn nhịp tim, cục máu quẩn trong tim hay không.
  • Siêu âm động mạch chủ, động mạch cảnh; siêu âm xuyên sọ để tìm mảng vữa xơ động mạch, phình động mạch, hẹp động mạch.
  • Chụp cộng hưởng từ mạch máu não, chụp CT scanner đa lớp cắt dựng mạch máu não hoặc chụp mạch số hóa xóa nền (DSA) để xác định xem có hẹp mạch máu, phình mạch, dị dạng mạch máu não hay không.
  • Và thường xuyên tập thể dục, bỏ thuốc lá và rượu, bia, ăn nhiều rau quả, thịt gà và cá, bớt ăn thịt đỏ (heo hoặc bò) có nhiều mỡ động vật, giảm cân nếu béo.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top