✴️ Đứt dây chằng chéo trước khớp gối

Nội dung

Vì sao dây chằng chéo trước khớp gối dễ bị đứt?

Dây chằng chéo trước là phần nối giữa xương đùi và xương chày, giúp cho khớp gối vững theo hướng trước sau.

Chính vì vậy nếu chấn thương vào khớp gối theo hướng trước sau sẽ làm cho dây chằng chéo trước bị căng quá mức mà đứt.

Ngoài ra, nếu té chống chân trong tư thế xoắn vặn cũng có thể làm đứt dây chằng chéo trước, đặc biệt đối với phụ nữ do các hệ thống gân cơ, dây chằng quanh khớp gối không được vững chắc như nam giới. Ngoài ra họ không có phản xạ tốt khi té ngã bất ngờ.

Do vậy, khi bị té xe gắn máy hoặc bất ngờ té ngã, họ thường dùng chân trụ để chống đỡ, việc này dễ gây ra trật khớp gối hay đứt dây chằng chéo trước khớp gối.

Mặt khác, cấu trúc giải phẫu khớp gối của phụ nữ có điểm đặc biệt khác với nam giới là khe liên lồi cầu hẹp hơn, làm cho dây chằng chéo trước dễ bị cấn vào rãnh liên lồi cầu mà đứt.

Vì sao đứt dây chằng chéo trước khớp gối dễ bị bỏ sót?

Người bệnh thường nghe được tiếng kêu “rắc” khi té ngã, sau đó đau dữ dội, không đi được phải nhờ người khác nâng đứng dậy. Sau một vài ngày thấy giảm đau dần nhờ bất động tốt và dùng các phương pháp giảm đau hỗ trợ như chườm đá lạnh, uống thuốc giảm đau…

Chính vì vậy, người bệnh tưởng mình đã khỏi bệnh mà không cần đến bác sĩ để khám – đây là nguyên nhân bỏ sót căn bệnh đứt dây chằng chéo trước khớp gối thường gặp nhất.

Tuy nhiên, vẫn có trường hợp một số chị em biết quan tâm đến sức khỏe, đã đi khám bệnh ngay sau khi bị chấn thương mà vẫn bị bỏ sót căn bệnh đứt dây chằng chéo trước do chẩn đoán chưa chính xác.

Vì sao đứt dây chằng chéo trước khớp gối dễ bị bỏ sót?

Đúng vậy, dây chằng chéo trước không phải là xương cho nên nếu chỉ chụp phim X-quang thông thường thì khó phát hiện được bệnh.

Mặt khác, khớp gối là một lĩnh vực quá chuyên sâu trong ngành chấn thương chỉnh hình nên nếu chỉ khám tại một cơ sở không chuyên thường hay bị bỏ sót bệnh hoặc nếu phát hiện, bác sĩ cũng sẽ lúng túng khi xử lý những tình huống chấn thương khớp gối.

Làm thế nào để xác định đứt dây chằng chéo trước?

Để tránh hiện tượng bỏ sót, các chị em khi gặp trường hợp chấn thương xảy ra, không nên tự dùng thuốc giảm đau mà nên đến khám ở những cơ sở chuyên khoa về chấn thương chỉnh hình, y học thể thao… chuyên về khớp.

Bằng các biện pháp thăm khám chuyên khoa, bác sĩ sẽ xác định đúng nguyên nhân gây đau sau khi khám trực tiếp lên khớp gối. Những trường hợp không rõ ràng, bạn sẽ được hướng dẫn chụp phim cộng hưởng từ (MRI) để khẳng định thêm chẩn đoán.

Lợi ích của phim cộng hưởng từ là có thể phát hiện nhiều tổn thương trong khớp gối cùng một lần chụp… Qua đó, bác sĩ phẫu thuật sẽ kịp thời xử trí triệt để các tổn thương, sớm phục hồi chức năng khớp gối cho bạn, đồng thời tránh bỏ sót các tổn thương khác ngoài nguyên nhân đứt dây chằng chéo trước.

Mặt khác, việc xử trí kịp thời sẽ giúp bạn loại bỏ những nguy cơ về lâu dài có thể dẫn đến nhiều bệnh lý khác của khớp gối.

 Điều trị

1. Điều trị bảo tồn

Chỉ định:
- Đứt không hoàn toàn dây chằng chéo trước, khớp gối còn vững
- Đứt dây chằng chéo trước ở bệnh nhân lớn tuổi.
- Đứt dây chằng chéo trước ở trẻ em còn sụn tăng trưởng

Điều trị: chủ yếu dùng thuốc giảm đau, kháng viêm, tập vật lý trị liệu tăng sức mạnh cơ tứ đầu đùi.

2 Điều trị phẫu thuật
Phẫu thuật nội soi tái tạo lại dây chằng chéo trước đứt là phẫu thuật phổ biến hiện nay ở Việt Nam và trên thế giới.
Thời điểm phẫu thuật tốt nhất là sau 3 tuần kể từ khi bị chấn thương.

Phẫu thuật viên có thể dùng mảnh ghép bằng gân khác thay thế dây chằng chéo trước khớp gối đã bị đứt, có thể là mảnh ghép tự thân hoặc đồng loại. Tuy nhiên do hiện nay ở Việt Nam các ngân hàng mô chưa phát triển nên chủ yếu vẫn là dùng các mảnh ghép tự thân là chính. Các mảnh ghép tự thân hiện nay hay được sử dụng là: mảnh ghép gân hamstring, mảnh ghép gân bánh chè, mảnh ghép gân mác dài, mảnh ghép gân tứ đầu đùi…

Việc sử dụng mảnh ghép nào là tùy theo sở thích và kỹ năng được đào tạo của từng phẫu thuật viên, tuy nhiên mảnh ghép hamstring vẫn là mảnh ghép được ưa thích và hay dùng hơn cả.


Tập vật lý trị liệu


Sau mổ bệnh nhân sẽ được bất động chân phẫu thuật bằng nẹp Zimmer ở tư thế duỗi và đi 2 nạng không chống chân đau trong vòng 3 tuần. Sau mổ bệnh nhân sẽ được các kỹ thuật viên vật lý trị liệu hướng dẫn chườm đá chống sưng nề và tập vật lý trị liệu:

Quá trình tập vật lý theo từng giai đoạn:

+ Giai đoạn 1: 2 tuần đầu sau mổ
Mang nẹp Zimmer 24/24h trừ khi tập, chườm đá gối chấn thương ngày 2-3 lần, mỗi lần từ 5-10 phút, tập lắc xương bánh chè, tập day sẹo vết mổ để chống dính, tập gồng cơ tĩnh, tháo nẹp tập gấp gối tới 60 độ. Tập nâng chân khỏi mặt giường.

+ Giai đoạn 2: từ tuần thứ 3 - tuần thứ 4
Tập gấp gối tăng dần, tiếp tục tập gồng cơ đùi và cẳng chân với lực cản tăng dần. Sau 3 tuần có thể bỏ nạng và nẹp Zimmer, tập đạp xe trong phòng.

+ Giai đoạn 3: sau 4 tuần
Tiếp tục tập gấp duỗi gối, tập gồng cơ với kháng lực tăng dần, tập lên xuống cầu thang, tập nhún đùi. Tập dáng đi bình thường.

Xem thêm: Tư vấn trực tuyến về đứt dây chằng khớp gối

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top