Điều trị viêm xương khớp

Viêm xương khớp (Osteoarthritis - OA) là một bệnh mãn tính thường được điều trị bằng sử dụng thuốc kết hợp với thay đổi thói quen sinh hoạt. Bạn cũng có thể sử dụng các liệu pháp điều trị bổ sung, các nguyên liệu từ thiên nhiên kết hợp với thay đổi lối sống để giải quyết các triệu chứng viêm xương khớp với ít tác dụng phụ hơn.

Thuốc giúp giảm đau và các triệu chứng, nhưng có thể gây nên tác dụng phụ khi sử dụng lâu dài. Các liệu pháp điều trị bổ sung không có nghĩa là thay thế hoàn toàn các biện pháp điều trị hiện tại. Nhưng chúng giúp bạn có nhiều sự lựa chọn hơn để cải thiện tình trạng viêm xương khớp của mình. Bạn cần tham khảo ý kiến bác sỹ trước khi áp dụng bất kì liệu pháp điều trị bổ sung nào. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu những liệu pháp từ thiên nhiên cũng như gợi ý thay đổi lối sống, ăn uống và luyện tập mang lại hiệu quả tích cực cho tình trạng của bạn.

Chườm nóng và lạnh

Khi nói đến đau, chườm nóng và lạnh có thể rất hiệu quả. Chúng không gây ra những tác dụng phụ lâu dài mà thuốc gây ra. Nhiệt nóng rất tốt để cải thiện cứng khớp, còn nhiệt lạnh lại rất hiệu quả với triệu chứng đau khớp.

Chườm có thể làm giảm đau và chống cứng khớp. Rất đơn giản bạn có thể sử dụng khăn ấm hoặc lạnh để chườm. Bạn có thể tham khảo cách chườm tại đây

Liệu pháp thiên nhiên

Các liệu pháp thiên nhiên đang ngày càng được sử dụng phổ biến đối với các bệnh nhân viêm khớp. Mọi người tin rằng chúng có thể an toàn hơn vì chúng có ít tác dụng phụ hơn so với sử dụng các loại thuốc điều trị hiện tại.

Bạn nên tham khảo ý kiến bác sỹ trước khi sử dụng các liệu pháp thiên nhiên bởi vì các thảo dược từ thiên nhiên cũng có thể gây nên những tác dụng phụ và tương tác với thuốc bạn đang sử dụng.

Trà xanh: chống viêm

Trà xanh chứa polyphenol. Những hợp chất này có thể giúp làm giảm viêm. Một nghiên cứu của Arthritis Research and Therapy cho thấy trà xanh tăng cường khả năng bảo vệ sụn.

Nên sử dụng trà xanh ở mức độ hợp lý để tránh làm tăng nguy cơ các vấn đề về gan hoặc các tác dụng phụ khác do lạm dụng.

Gừng: Giảm đau

Gừng cũng được sử dụng để giảm đau ở bệnh nhân viêm xương khớp. Theo một nghiên cứu năm 2015 của Osteoarthritis and Cartilage, sử dụng gừng có thể làm giảm biến chứng liên quan đến viêm khớp. Để phòng tránh các tác dụng phụ có thể gặp phải National Center for Complementary and Integrative Health khuyến nghị nên sử dụng gừng vừa như một loại gia vị thay vì sử dụng như một loại thuốc.

Nguy cơ lớn nhất đối với việc lạm dụng gừng là xuất hiện các triệu chứng phụ thuộc khi ngừng sử dụng đột ngột (withdrawal symptoms). Gừng có thể khiến dạ dày bị kích thích, tiêu chảy và ợ chua. Gừng cũng có thể tương tác với các thuốc chống đông máu như Warfarin.

Nghệ: Chống viêm, giảm đau và cứng khớp

Curcumin là hợp chất trong nghệ được biết đến rất phổ biến. Nghệ cũng thuộc họ gừng (Zingiberaceae) nhưng nghệ có cơ chế tác động đến viêm xương khớp khác với gừng. Các nghiên cứu cho thấy nghệ giúp chống lại các chất gây viêm, giảm đau và cứng khớp trong bệnh viêm xương khớp.

Arthritis Foundation khuyến nghị việc sử dụng nghệ như sau:

Dạng viên nang: 400 đến 600 mg, ba lần mỗi ngày

Bột chiết xuất củ nghệ: 0,5 đến 1 gam, ba lần một ngày

Bạn nên sử dụng thêm hạt tiêu đen kết hợp với việc sử dụng nghệ để làm tăng hiệu quả điều trị. Nghệ tương đối an toàn với hầu hết mọi người nhưng trong một số trường hợp nó có thể gây buồn nôn hoặc tương tác với các loại thuốc chống đông máu.

 

Thay đổi lối sống

Lối sống của bạn cũng ảnh hưởng khá nhiều đến hiệu quả điều trị và tiến triển của bệnh viêm xương khớp, để duy trì hiệu quả điều trị cũng như làm giảm các triệu chứng việc thay đổi lối sống là cần thiết. Tập thể dục thường xuyên, chế độ ăn uống lành mạnh, và duy trì cân nặng hợp lý có thể giúp cải thiện chức năng và bảo vệ khớp. Theo thời gian, các cơ xung quanh khớp tổn thương sẽ được tăng cường sức mạnh để giúp bạn hạn chế những tổn thương có thể gặp phải từ viêm.

 

Hoạt động thể chất

Luyện tập có thể là một thử thách thực sự đối với bệnh nhân viêm xương khớp. Nhưng các hoạt động thể chất có hiệu quả giảm đau trong một thời gian dài, và thậm chí tăng cường sức mạnh cơ bắp để ngăn ngừa những tổn thương trầm trọng thêm của bệnh. Theo Arthritis Foundation hoạt động thể chất là liệu pháp điều trị không sử dụng thuốc có hiệu quả nhất để giảm đau và cải thiện khả năng vận động trong bệnh viêm xương khớp

Các bài tập phù hợp nhất cho bệnh nhân viêm khớp là những bài tập có cường độ vừa phải, giúp cải thiện khả năng linh hoạt bao gồm:

  • Đạp xe
  • Bơi lội
  • Thái cực quyền
  • Đi bộ
  • Yoga

Tham khảo ý kiến bác sĩ của bạn trước khi bắt đầu bất kỳ chương trình luyện tập nào, đặc biệt là nếu bạn chưa từng luyện tập trước đây. Arthritis Foundation khuyến nghị 150 phút luyện tập mỗi tuần với cường độ vừa phải. Bạn cũng có thể bắt đầu luyện tập với thời gian ngắn hơn và tăng dần cường độ khi đã khỏe hơn.

Ví dụ bạn có thể bắt đầu đi bộ 10 phút và sau đó tăng dần tốc độ và quãng đường của bạn. Nếu bạn mới luyện tập, bạn có thể thấy đau nhẹ sau khi tập. Bạn có thể nghỉ một hoặc hai ngày và tiếp tục luyện tập trở lại, đừng để viêm xương khớp cản trở quá trình luyện tập của bạn.

 

Lựa chọn thực phẩm phù hợp

Một chế độ dinh dưỡng cân bằng có thể giúp giảm nhẹ các triệu chứng và giúp bạn duy trì cân hợp lý..

Bạn nên ăn:

  • Súp lơ
  • Cam quýt
  • Các loại cá giàu axit béo omega-3 (cá ngừ, cá hồi, cá thu)
  • Tỏi (chứa diallyl disulphide, có thể làm giảm tổn thương sụn)
  • Trà xanh
  • Các sản phẩm sữa ít chất béo (canxi và vitamin D trong sữa giúp tăng cường sức khoẻ xương và khớp)
  • Các loại hạt
  • Các loại dầu thực vật sản xuất từ bơ, ô liu…

Một số loại thực phẩm làm trầm trọng hơn tình trạng viêm bạn nên hạn chế:

  • Đồ uống có cồn
  • Aspartame (chất tạo ngọt nhân tạo)
  • Muối
  • Chất béo no và bão hòa
  • Đường
  • Bánh mì trắng
  • Cơm

 

Duy trì cân nặng hợp lý

Theo Arthritis Foundation, mỗi pound (0.45 kg) cân nặng cơ thể tương đương với 3 đến 6 pound áp lực lên khớp xương. Duy trì cân nặng hợp lí có ý nghĩa rất lớn trong giảm bớt các triệu chứng viêm đau cũng như dự phòng bệnh viêm xương khớp. Đặc biệt với những người bị viêm khớp tại đầu gối và hông là những vị trí khớp chịu rất nhiều trọng lượng cơ thể thì việc giảm cân và duy trì cân nặng càng trở nên cần thiết.

 

Bồn tắm muối Epsom

Muối Epsom là loại muối có vị đắng, thành phần gồm magie và sulfate được sử dụng phổ biến ở các spa. Tắm bồn muối Epsom có ​​thể giúp giảm đau đặc biệt là đau khớp. Magie trong muối Epsom có ​​thể giúp giảm viêm và đau. Hòa tan 2 muỗng muối Epsom trong bồn tắm ấm ở nhiệt độ khoảng 38 ° C, và ngâm mình khoảng 30 phút mỗi lần tắm.

 

Thuốc mỡ và kem

Bạn có thể sử dụng các loại các loại thuốc không kê đơn (OTC) như acetaminophen và ibuprofen. Các loại gel và kem có chứa aspirin có tác dụng giảm đau. Bạn có thể bôi trực tiếp vào các vùng khớp bị ảnh hưởng.

 

Các thiết bị hỗ trợ

Bạn cũng có thể sử dụng các thiết bị hỗ trợ, lựa chọn các thiết bị phù hợp với các khớp xương bị ảnh hưởng bao gồm:  các loại nẹp (braces), gậy chống để hỗ trợ di chuyển (canes)…

 

Khi nào cần gặp bác sỹ

Viêm xương khớp là một bệnh mãn tính không thể chữa khỏi. Quản lý tốt triệu chứng và tiến triển của bệnh giúp bạn ngăn chặn được các tổn thương tại sụn khớp trở nên tồi tệ hơn. Thay đổi lối sống, luyện tập thường xuyên, sử dụng hợp lý các liệu pháp thiên nhiên là những biện pháp giúp bạn chung sống với căn bệnh viêm xương khớp.

Bạn cũng đừng ngần ngại tìm kiếm sự trợ giúp y tế khi có các đợt cấp của viêm, khi các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn hoặc khi các phương pháp điều trị hiện tại không hiệu quả. Bác sỹ có thể kiểm tra tình trạng tổn thương thực tế để đưa ra giải pháp can thiệp chính xác. 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top