✴️ Có vi khuẩn Hp trong dạ dày: triệu chứng và biến chứng

Nội dung

Có vi khuẩn Hp trong dạ dày là nguyên nhân chính gây nên nhiều bệnh lý về đường tiêu hóa như trào ngược dạ dày, viêm – loét dạ dày, tá tràng hoặc thậm chí là ung thư dạ dày. Người bệnh cần nắm rõ các triệu chứng của nhiễm khuẩn Hp và cần được điều trị sớm để tránh những biến chứng nguy hiểm khó lường.

 

1. Có vi khuẩn Hp trong dạ dày là gì?

Vi khuẩn Hp có tên khoa học đầy đủ là Helicobacter Pylori là một loại trực khuẩn Gram âm có sinh sống và phát triển mạnh trong lớp nhầy trên bề mặt niêm mạc dạ dày. Chúng có cơ chế tiết ra enzyme Urease trung hòa nồng độ acid cao trong dạ dày để tồn tại.

Có vi khuẩn Hp trong dạ dày hay Test Hp dương tính có nghĩa là bạn đã bị nhiễm vi khuẩn Hp. Sự hoạt động của vi khuẩn Hp có thể làm tổn thương niêm mạc dạ dày gây viêm, còn gọi là viêm dạ dày mãn tính, thường phát triển mà không có bất kỳ triệu chứng đặc biệt, và đôi khi tồn tại suốt đời.

Bên cạnh đó, vi khuẩn Hp còn có thể gây ra các tổn thương khác như loét, xuất huyết dạ dày và trong một số ít trường hợp phát triển thành ung thư dạ dày. Những tổn thương này được hình thành trong nhiều năm dài và tiến triển tương đối chậm. Đôi khi, người bệnh có thể mất tới 30 năm kể từ khi các triệu chứng bệnh bắt đầu xuất hiện.

Theo nghiên cứu mới đây, ước tính có khoảng trên 70% dân số Việt Nam test Hp dương tính. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào dương tính với vi khuẩn Hp cũng bị tổn thương dạ dày.

Ước tính có khoảng trên 70% dân số Việt Nam có vi khuẩn Hp trong dạ dày

Ước tính có khoảng trên 70% dân số Việt Nam có vi khuẩn Hp trong dạ dày

 

2. Các triệu chứng khi có vi khuẩn Hp trong dạ dày

Đại đa số các trường hợp test Hp dương tính đều không có bất kỳ triệu chứng đặc trưng nào để có thể tự chẩn đoán. Tuy nhiên, một số khác lại có những biểu hiện khá rõ ràng. Nhận biết sớm các dấu hiệu của nhiễm khuẩn Hp là cách tốt nhất giúp người bệnh khắc phục các triệu chứng liên quan và ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm do bệnh gây ra.

2.1. Đau và nóng rát vùng thượng vị

Đây là triệu chứng nhiễm khuẩn Hp khá phổ biến, đặc biệt khi dạ dày trống rỗng hoặc một vài giờ sau bữa ăn. Người bệnh đau rát vùng thượng vị sau đó lan rộng xuống khắp vùng bụng hoặc hai bên mạn sườn. Cơn đau thường mang tính chu kỳ với mức độ nặng – nhẹ khác nhau, có thể đột ngột xuất hiện rồi tự động biến mất hoặc cũng có thể đau âm ỉ kéo dài từ vài giờ đến vài ngày.

Cơn đau khiến người bệnh cảm thấy khó chịu, mệt mỏi kèm theo tình trạng mất ngủ. Nếu triệu chứng xuất hiện trong thời gian dài, người bệnh rất có thể gặp phải hội chứng mất ngủ kinh niên dẫn đến suy nhược thần kinh.

2.2. Chướng bụng và đầy hơi

Chướng bụng và đầy hơi lúc đói hoặc sau khi ăn là những biểu hiện phổ biến của test Hp dương tính. Người bệnh sẽ thấy bụng căng cứng, phình to và gây khó chịu, nhất là khi sử dụng những loại thực phẩm cay nóng hoặc đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ…

2.3. Ợ hơi, ợ nóng, ợ chua

Nếu như ợ hơi sinh lý do rối loạn tiêu hóa thường kết thúc sau đó vài phút do ăn quá no, uống quá nhiều nước hoặc sử dụng nước ngọt có gas, thì ợ hơi do nhiễm khuẩn Hp thường kéo dài từ nhiều phút đến vài giờ với tần suất xuất hiện liên tục.

Song song với triệu chứng ợ hơi, người bệnh bị ợ nóng, ợ chua hành hạ. Vùng bụng và ngực căng chướng và đau tức do sinh hơi nhiều.

Có vi khuẩn Hp trong dạ dày gây triệu chứng ợ nóng, ợ hơi, ợ chua

Có vi khuẩn Hp trong dạ dày gây triệu chứng ợ nóng, ợ hơi, ợ chua

2.4. Buồn nôn và nôn

Tình trạng buồn nôn và nôn xảy ra ra khi khi lượng thức ăn trong dạ dày không được tiêu hóa hết và bị đọng lại. Dưới sự mở rộng của cơ vòng thực quản dưới tạo áp lực đẩy ngược thức ăn từ dạ dày theo đường ống thực quản lên miệng. Đây là triệu chứng hết sức bình thường khi hệ tiêu hóa gặp vấn đề. Tuy nhiên, nếu triệu chứng này này xuất hiện thường xuyên, đặc biệt trong lúc đói chứng tỏ người bệnh đã bị nhiễm Hp.

Dưới sự tác động của vi khuẩn Hp, dịch vị dạ dày vẫn được tiết ra ngay cả khi dạ dày không chứa thức ăn. Từ đó gây hiện tượng trào ngược acid dạ dày – thực quản. Đây là tác nhân gây nên các triệu chứng buồn nôn, nôn hoặc nôn khan. Kèm theo hiện tượng nôn là cảm giác chua miệng, đắng miệng, đau họng. Tình trạng kéo dài có thể gây biến chứng viêm họng, viêm thanh quản, rách niêm mạc thực quản…

2.5.  Suy nhược cơ thể, sụt cân

Chính các hiện tượng như đau bụng, đầy hơi, chướng bụng, ợ nóng, ợ chua,… khiến người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi, khó chịu, chán ăn hoặc ăn không ngon miệng. Nếu tình trạng này kéo dài, cơ thể người bệnh sẽ bị thiếu chất dinh dưỡng gây suy nhược, sụt cân.

Bên cạnh đó, test Hp dương tính khiến cho việc hấp thu vitamin B12 và sắt không hiệu quả dẫn đến hiện tượng da xanh xao do thiếu máu.

2.6. Rối loạn tiêu hóa, màu sắc phân bất thường

Test Hp dương tính có thể gây triệu chứng tiêu chảy hoặc táo bón. Người bệnh đi ngoài phân lỏng kèm đau nhức tập trung vùng thượng vị với tần suất từ 1-2 lần/ngày. Hoặc đôi khi người bệnh gặp khó khăn trong đại tiện, số lần đi tiêu ít hơn 3 lần/tuần. Nguyên nhân do vi khuẩn khuẩn Hp ngăn chặn việc sản xuất acid tiêu thụ thức ăn trong dạ dày khiến quá trình tiêu hóa thức ăn bị rối loạn.

Đồng thời, màu phân và đặc điểm cấu tạo của phân thường có những thay đổi bất thường. Đối với người nhiễm vi khuẩn HP, phân thường có màu nâu, nát hoặc có kèm theo máu nếu bệnh nặng.

2.7. Hôi miệng

Tình trạng ợ nóng, ợ hơi khiến các chất trong dạ dày di chuyển ngược lên thực quản. Ngoài ra, nhiễm khuẩn Hp gây ra triệu chứng trào ngược acid bào mỏng lớp niêm mạc miệng và họng, tạo môi trường thuận lợi cho các vi khuẩn có mùi phát triển gây hôi miệng.

 

3. Các biến chứng khi có vi khuẩn Hp trong dạ dày

3.1. Viêm – loét dạ dày, tá tràng

Vi khuẩn HP tấn công và phá hủy lớp màng nhầy niêm mạc dạ dày khiến chúng bị ăn mòn dần. Nếu tình trạng này kéo dài gây viêm, loét dạ dày – tá tràng.

3.2. Xuất huyết tiêu hóa

Tình trạng viêm – loét dạ dày, tá tràng nếu không được điều trị hay điều trị sai cách khiến bệnh nặng hơn. Các ổ viêm, loét có thể bị chảy máu gây xuất huyết. Xuất huyết tiêu hóa tùy theo mức độ mà có thể chỉ gây thiếu máu nhẹ hoặc nặng. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, mất máu liên tục với số lượng nhiều có thể gây sốc và dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời.

3.3. Thủng dạ dày

Thủng dạ dày là một biến chứng tương đối nặng nề. Biến chứng này xảy ra khi ổ loét ở niêm mạc dạ phát triển ăn sâu làm phá vỡ hoàn toàn vách dạ dày gây thủng.

Thủng dạ dày khiến các nhiễm trùng lan vào lớp niêm mạc ổ bụng dẫn đến tình trạng viêm phúc mạc. Nếu không can thiệp và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiễm trùng toàn thân gây nguy hiểm đến tính mạng.

3.4. Ung thư dạ dày

Test hp dương tính làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày lên gấp 6-10 lần bình thường. Nhất là khi người bệnh có tổn thương ở bờ cong nhỏ dạ dày. Nhiễm vi khuẩn Hp gây tình trạng viêm mạn tính niêm mạc dạ dày. Lâu ngày sẽ hình thành lên các tổ chức viêm teo, kích thích tế bào chuyển di sản ruột. Viêm teo mãn tính và dị sản ruột dẫn đến ung thư dạ dày.

Biến chứng khác: tắc nghẽn dạ dày, chứng khó tiêu chức năng, ung thư lympho bào B tại biểu mô niêm mạc dạ dày.

Vi khuẩn Hp gây viêm, loét và ung thư dạ dày

Vi khuẩn Hp gây viêm, loét và ung thư dạ dày

 

4. Có vi khuẩn Hp trong dạ dày cần làm gì?

Khi test Hp cho kết quả dương tính, người bệnh không nên quá hoang mang và lo lắng. Bởi không phải tất cả trường hợp nhiễm vi khuẩn Hp là sẽ gặp các vấn đề về sức khỏe. Theo thống kê, trên 80% trường hợp test Hp dương tính không có triệu chứng. Chỉ có khoảng 20% trường hợp test Hp dương tính có khả năng gây các bệnh lý về dạ dày. Bởi điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như độc tố của vi khuẩn Hp, cơ địa, tuổi tác, chế độ ăn uống, sinh hoạt, sử dụng thuốc.

4.1. Khi nào cần tiêu diệt Hp

Những trường hợp bắt buộc phải tiêu diệt vi khuẩn Hp:

– Người bệnh có bệnh lý dạ dày như: viêm loét dạ dày, viêm teo niêm mạc dạ dày, ung thư dạ dày đã phẫu thuật một phần.

– Người có người thân trực hệ mắc bệnh ung thư dạ dày.

– Người test Hp dương tính bị thiếu máu đã loại trừ các nguyên nhân khác.

– Người test Hp dương tính bị xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn.

– Người mắc chứng khó tiêu chức năng có test Hp dương tính.

– Người có khối u dạ dày, test Hp dương tính

– Người thường xuyên phải sử dụng các thuốc giảm đau kháng viêm không steroid, chống kết tập tiểu cầu.

– Người nhiễm HP sống trong khu vực có tỷ lệ mắc bệnh ung thư dạ dày cao.

– Người có nguyện vọng tiêu diệt Hp.

4.2. Lưu ý khi diệt Hp

Thông thường, vi khuẩn HP được tiêu diệt bằng các loại thuốc kháng sinh và thuốc ức chế tiết acid dạ dày. Tuy nhiên, hiện nay hiệu quả của các phác đồ kháng sinh ngày càng giảm do tình trạng kháng thuốc gia tăng, cùng với hiện tượng lây nhiễm, tái nhiễm vi khuẩn HP kháng thuốc. Chính vì vậy khi đã điều trị, người bệnh cần phải tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ về liều lượng và thời gian sử dụng thuốc. Trong trường hợp xuất hiện các tác dụng phụ, cần liên lạc với bác sĩ để có phương án xử lý kịp thời, tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.

Người bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ để diệt Hp hiệu quả

Người bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ để diệt Hp hiệu quả

Song song với điều trị nội khoa, người bệnh cần kết hợp điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh, khoa học để giúp ức chế sự hoạt động của vi khuẩn tiến tới tiêu diệt chúng hoàn toàn.

Như vậy, có vi khuẩn Hp trong dạ dày có thể có hoặc không có triệu chứng. Tuy nhiên các triệu chứng này thường không đặc hiệu nên rất dễ nhầm với các bệnh lý khác. Việc điều trị HP ở những người bệnh đã có triệu chứng là cần thiết nhằm tránh những biến chứng đáng tiếc, đặc biệt là biến chứng ung thư dạ dày và xuất huyết tiêu hóa có thể gây tử vong.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top