ĐẠI CƯƠNG
Viêm túi lệ (Dacryocystitis) là tình trạng viêm mạn tính hoặc cấp tính tại túi lệ. Đây là bệnh lý thường gặp trong nhãn khoa, xảy ra thứ phát sau tắc ống lệ mũi bẩm sinh hoặc mắc phải.
NGUYÊN NHÂN
Tác nhân vi sinh vật thường gặp gây viêm túi lệ khá đa dạng. Các vi sinh vật có thể gây viêm túi lệ bao gồm vi khuẩn Gram-dương như Staphylococus epidermidis, Staphylococus aureus, Streptococus pneumoniae; vi khuẩn Gram-âm như: Pseudomonas aeruginosa, Hemophilus influenzae, Proteus, kể cả vi khuẩn kị khí như Propionibacterium acnes.
TRIỆU CHỨNG
Lâm sàng
Viêm túi lệ biểu hiện ở hình thái mạn tính hoặc có những đợt viêm cấp tính.
Viêm túi lệ mạn tính:
Chảy nước mắt thường xuyên, có thể kèm chảy mủ nhầy.
Dính mi mắt do các chất tiết nhầy.
Vùng túi lệ có khối nề, căng, ấn vào có mủ nhầy trào ra ở góc trong mắt.
Viêm kết mạc góc trong.
Bơm lệ đạo: Nước trào qua lỗ lệ đối diện có nhầy mủ kèm theo.
Viêm túi lệ cấp tính:
Có tiền sử chảy nước mắt, hoặc chảy nước mắt kèm nhầy mủ.
Đau nhức vùng túi lệ, có thể đau tăng lên khi liếc mắt vì phản ứng viêm có thể tác động đến cơ chéo dưới. Đau có thể lan ra nửa đầu cùng bên, đau tai hoặc đau răng.
Vùng túi lệ sưng, nóng, đỏ.
Túi lệ giãn rộng, lan ra phía dưới ngoài hoặc một phần ở phía trên.
Nếu quá trình nhiễm khuẩn nặng hơn, gây áp xe túi lệ.
Giai đoạn muộn hơn, có thể gây dò mủ ra ngoài da. Mủ nhầy thoát từ túi lệ ra ngoài qua lỗ dò này.
Toàn thân: Mệt mỏi, sốt, có thể có hạch trước tai.
Cận lâm sàng
Thông thường, các trường hợp viêm túi lệ có thể được chẩn đoán dễ dàng dựa vào các triệu chứng lâm sàng mà không cần đến các xét nghiệm chẩn đoán khác. Tuy nhiên trong một số trường hợp, chụp phim cắt lớp vùng túi lệ và hốc mắt sẽ cho thấy rõ hình ảnh túi lệ bị viêm hay u túi lệ.
ĐIỀU TRỊ BẰNG KHÁNG SINH
Điều trị bằng kháng sinh được áp dụng cho các trường hợp viêm túi lệ cấp để giải quyết tình trạng nhiễm khuẩn cấp tính. Tốt nhất là lấy mủ từ túi lệ để nuôi cấy, tìm tác nhân gây bệnh và dùng kháng sinh theo kết quả kháng sinh đồ. Nếu không có kháng sinh đồ, có thể dùng các kháng sinh phổ rộng tại mắt và toàn thân.
Tại mắt:
Tra kháng sinh moxifloxacin nhỏ mắt 6 - 8 lần/ngày. Có thể dùng các kháng sinh quinolon khác như gatifloxacin, levofloxacin.
Toàn thân:
Uống cefuroxim 500 - 1000mg/ngày tùy theo mức độ viêm nặng hay nhẹ. Với trẻ em, dùng liều 15mg/kg cân nặng, uống 2 lần/ngày, với tổng liều không quá 500mg/ngày.
Có thể dùng: Amoxicilin-clavulanat: người lớn uống 1 viên 500mg/125mg (amoxicilin-clavulanat) x 3 lần/ngày. Trẻ em dùng liều 40 - 80 mg/kg/ngày, chia 3 lần/ngày.
Thời gian dùng kháng sinh từ 7 - 10 ngày tùy theo mức độ đáp ứng kháng sinh và mức độ nhiễm khuẩn cấp tính.
Các điều trị phối hợp: Có thể phải chích tháo mủ túi lệ, giảm phù nề, giảm đau.
Sau khi qua đợt viêm cấp, bệnh chuyển sang trạng thái viêm mạn tính. Để điều trị các trường hợp viêm túi lệ mạn tính, cần phải làm cho đường lệ thông sang mũi bằng bơm thông lệ đạo hoặc mổ nối thông túi lệ mũi. Nếu không khỏi, cần phải cắt túi lệ để loại trừ hoàn toàn viêm túi lệ mạn tính.
DỰ PHÒNG
Điều trị sớm các trường hợp tắc ống lệ mũi là biện pháp có hiệu quả để phòng viêm túi lệ mạn tính. Các trường hợp viêm túi lệ mạn tính được điều trị sớm thì sẽ tránh được biến chứng viêm túi lệ cấp tính.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Alain Ducasse, J.-P.Adenis, B.Fayet, J.-L.George, J.-M. Ruban (2006) “Les voies lacrymale", Masson.
Jeffrey Jay Hurwitz (1996); The Lacrimal System. Lippincott-Raven Publisher.
Jack J. Kanski, “Clinical Ophthalmology” (2008), Third edition.
J.Royer, J.P. Adenis, (1982), “L’appareil lacrymal”, Masson.
Jane Olver (2002) : Colour Atlas of Lacrimal Surgery. Elsevier.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh