Lăn kim là một phương pháp được nhiều bác sĩ da liễu sử dụng để điều trị các tình trạng da khác nhau. Lăn kim được thực hiện bằng cách sử dụng nhiều kim nhỏ, vô trùng để lăn trên bề mặt da tạo ra các thương tổn nhỏ. Các thương tổn này sâu tới lớp bì của da, kích thích tái tạo da, trẻ hoá da. Lăn kim có thể hữu ích trong cải thiện các vấn đề như: nếp nhăn nhỏ, sẹo, mụn, rụng tóc, tăng sắc tố da, rạn da, trứng cá đỏ, da chùng nhão sau giảm cân hay hút mỡ. Ngoài ra, lăn kim còn có thể dùng cho mục đích dẫn thuốc vào trong da như vitamin C hay tretinoin thoa, giúp thuốc phát huy tác dụng tốt hơn.
Lăn kim làm tăng tạo collagen và các yếu tố lành thương khác do đáp ứng với việc tạo ra các tổn thương nhỏ trên da. Collagen là protein thiết yếu giúp làn da trẻ hoá, căng mịn và săn chắc. Quá trình lão hoá làm các collagen thoái hoá đi, tạo các nếp nhăn và dấu hiệu của lão hoá. Lăn kim có thể cải thiện các vấn đề lão hoá da. Sau vài tháng, có thể thấy hiệu quả tối ưu của lăn kim.
Một nghiên cứu tổng quan năm 2018 cho thấy lăn kim là một phương pháp an toàn và hiệu quả để trẻ hoá da, điều trị sẹo và nếp nhăn. Bài báo trên tạp chí Da liễu hàn lâm Hoa Kỳ cũng báo cáo cho thấy lăn kim cải thiện lỗ chân lông to, nếp nhăn nhỏ, sẹo và rạn da.
Mặc dù lăn kim an toàn và hiệu quả nhưng cũng có một vài tác dụng phụ. Nguy cơ thường gặp là kích ứng da sau thủ thuật. Những tác dụng phụ khác gồm: phù nề, đỏ da, bầm, khô da, bong tróc da. Chảy máu là phản ứng hiếm gặp sau lăn kim, chỉ xảy ra khi điều trị quá sâu. Bạn cần nói với bác sĩ tiền căn sử dụng thuốc kháng đông để tránh nguy cơ chảy máu. Ngoài ra, còn có thể gặp một số tác dụng phụ nghiêm trọng khác như nhiễm trùng, thay đổi sắc tố, dị ứng với thuốc thoa. Cuối cùng, một số người không nên sử dụng lăn kim như có nhiễm trùng da đang hoạt động, mụn hoạt động, sẹo lồi. Để giảm thiểu tác dụng phụ, lăn kim cần được điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa da liễu có kinh nghiệm.
Hiện nay có khá nhiều dụng cụ lăn kim có thể sử dụng tại nhà, các dụng cụ này có kim ngắn hơn và cùn hơn so với các dụng cụ sử dụng bởi bác sĩ. Các dụng cụ này ít xâm lấn da nên bệnh nhân sẽ cảm giác dễ chịu hơn khi sử dụng lăn kim do bác sĩ thực hiện. Cũng do đó mà sử dụng các dụng cụ này sẽ cho hiệu quả ít hơn khi được điều trị bởi bác sĩ. Cuối cùng các thiết bị này khó để vệ sinh, do đó làm tăng nguy cơ nhiễm trùng hoặc tổn thương da, đặc biệt khi kim thâm nhập vào da.
Lăn kim là một phương pháp an toàn và hiệu quả để cải thiện các tình trạng da. Nó có thể giúp làm giảm nếp nhăn, giảm sẹo, se khít lỗ chân lông và trẻ hoá da.
Sử dụng các dụng cụ lăn kim tại nhà dễ chịu hơn nhưng dễ để lại tác dụng phụ hơn, do đó cần thận trọng khi tự sử dụng các dụng cụ lăn kim tại nhà.
Nếu bạn mong muốn sử dụng lăn kim để cải thiện các vấn đề về da, bạn nên được bác sĩ chuyên khoa da liễu tư vấn và điều trị.
Có thể bạn quan tâm: Lăn kim vi điểm với tiểu cầu giàu huyết tương
Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương được triển khai dịch vụ thăm khám, chăm sóc và điều trị các tình trạng về da như mụn, sẹo, nám, tàn nhang… với tiêu chí đem lại sự thay đổi tích cực về diện mạo cũng như sự hài lòng của khách hàng sau khi sử dụng dịch vụ.
Với nguồn nhân lực chất lượng có chuyên môn cao là các Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ đến từ Bộ môn Da liễu - Đại học Y Dược TPHCM & Bệnh viện Nguyễn Tri Phương có kinh nghiệm nhiều năm trong giảng dạy, nghiên cứu và điều trị Da liễu – Thẩm mỹ da; sẽ trực tiếp thăm khám, lên phác đồ điều trị và trực tiếp trị liệu cho bệnh nhân, đảm bảo hiệu quả cao nhất.