✴️ Rối loạn thần kinh thực vật nghiêm trọng đến mức nào?

Thế nào là rối loạn thần kinh thực vật?

Rối loạn thần kinh thực vật là dạng rối loạn thần kinh có ảnh hưởng đến chức năng tự động của cơ thể bao gồm nhịp tim, huyết áp, mồ hôi và tiêu hóa…Tình trạng này gây ra các triệu chứng như:

-Mệt mỏi, tinh thần bất ổn: mệt mỏi thường đi kèm với trạng thái tinh thần bực bội khó chịu, người bệnh trằn trọc khó ngủ ngủ.

-Các cơ quan khác của cơ thể cũng “lây” bất ổn theo: Người bệnh thường cảm thấy  hồi hộp, tim đập nhanh, tức ngực và thở gấp, chán ăn, khó chịu ở dạ dày, đôi khi tiêu chảy, táo bón, kinh nguyệt không đều…

Thường xuyên bị ra mồ hôi toàn thân, đặc biệt ở vùng lòng bàn chân, bàn tay là một biểu hiện của chứng rối loạn thần kinh thực vật

 

Rối loạn thần kinh thực vật gây ra những vấn đề gì?

– Tình trạng bất ổn định ở hệ thần kinh do chứng rối loạn thần kinh thực vật gây ra sẽ dẫn đến một loạt các hệ lụy như: cảm giác đau đầu thường xuyên, suy giảm trí nhớ, trạng thái mệt mỏi thiếu tập trung, mất ngủ nghiêm trọng…Tất cả những điều này làm giảm sút nghiêm trọng chất lượng cuộc sống, sinh hoạt của người bệnh.

– Gây tăng huyết áp, nhịp tim đập nhanh, luôn hồi hộp, đau thắt ngực, khó thích ứng với hoạt động thể lực, thể dục, thở nhanh, thở gấp…

– Thường xuyên bị ra mồ hôi toàn thân, đặc biệt ở vùng lòng bàn chân, bàn tay, khiến chúng luôn ẩm ướt. Cùng với đó là hiện tượng chân tay lạnh (đặc biệt ở các đầu ngón). 

Tình trạng bất ổn định ở hệ thần kinh do chứng rối loạn thần kinh thực vật gây ra sẽ dẫn đến một loạt các hệ lụy

– Rối loạn thần kinh thực vật cũng gây rối loạn tiêu hóa, với các tình trạng như tiêu chảy, táo bón, đầy hơn, ăn không tiêu, ợ chua. Sự rối loạn chức năng co bóp của dạ dày và ruột cũng xảy ra, khiến người bệnh hay gặp phải những cơn đau bụng vật vã.

– Ảnh hưởng tới đường tiết niệu, gây tiểu không tự chủ, tiểu khó hay kích thích tiểu tiện khi căng thẳng…Nếu để tình trạng này kéo dài không được điều trị có thể gây viêm nhiễm đường tiết niệu, tác động tới khả năng tình dục và sinh sản.

– Rối loạn hệ sinh sản với các biểu hiện điển hình như giảm sút, không còn ham muốn, rối loạn cương dương, âm đạo khô, rối loạn kinh nguyệt…

 

Làm thế nào khắc phục tình trạng rối loạn thần kinh thực vật?

Khi phát hiện có các biểu hiện nghi vấn mắc chứng rối loạn thần kinh thực vật, người bệnh cần sớm đi thăm khám tại bệnh viện có chuyên khoa Nội, Nội thần kinh, Ngoại khoa (trong trường hợp cần tới điều trị ngoại khoa) để được bác sĩ chẩn đoán chính xác nguyên nhân và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, hiệu quả.

Qua thực tế khám và điều trị, có một số phương pháp đẩy lùi tình trạng rối loạn thần kinh thực vật thường được áp dụng phổ biến bao gồm:

– Phương pháp điều trị nội khoa: dùng các thuốc canxi, sinh tố nhóm B (đặc biệt B6), acid glutamic, an thần…

– Phương pháp điều trị ngoại khoa: thường được áp dụng cho các bệnh nhân bị rối loạn thần kinh thực vật thể hiện qua tình trạng tăng tiết mồ hôi quá nhiều, đặc biệt ở lòng bàn chân, bàn tay. Các vấn đề này xuất phát từ trạng thái cường chức năng giao cảm, gây ảnh hưởng rất tiêu cực đến sinh hoạt, lao động…của bệnh nhân. Lúc này, các bác sĩ chuyên khoa Ngoại có thể xem xét tiến hành phương pháp hủy hạch giao cảm ở ngực, giúp ức chế, ngăn chặn các rối loạn ở hệ thần kinh thực vật.

Để hỗ trợ tích cực cho việc điều trị, bác sĩ chuyên khoa thường khuyên và hướng dẫn người bệnh thực hiện chế độ ăn uống, sinh hoạt, vận động khoa học, phù hợp với tình trạng sức khỏe. Người bệnh cần chú ý vận động thân thể đều đặn, đúng cách, phù hợp với thể lực, tối thiểu 30 phút mỗi ngày. Nhờ vậy, cơ thể sẽ tăng thêm sức đề kháng, có thêm sức mạnh chống lại sự “tấn công” của tình trạng rối loạn thần kinh thực vật.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top