✴️ Táo mèo

Nội dung

Táo mèo còn có tên gọi khác là sơn tra với thành phần hóa học rất đa dạng nên thường được dùng làm vị thuốc. Dược liệu có tác dụng làm tăng vị giác, kích thích tiêu hóa, hoạt huyết hóa ứ, ích khí bổ thận…

hình ảnh cây táo mèo

Hình ảnh cây, quả táo mèo

  • Tên gọi khác: Sơn tra, Chua chát…

  • Tên khoa học: Docynia indica.

  • Họ: Hoa hồng (Rosaceae).

Mô tả cây dược liệu táo mèo

1. Đặc điểm thực vật

Táo mèo là loại cây gỗ bán thường xanh có chiều cao trung bình ở khoảng 2 – 5m. Cành cây khi nhỏ sẽ có màu nâu tím và rậm lông nhưng khi già sẽ không có lông và chuyển sang màu nâu đen.

Thân non có gai, lá mọc tại đây sẽ có phiến và có thùy. Lá mọc ở nhánh già không có thùy, thon và dài khoảng 7 – 10cm, lúc non có đầy lông. Mép lá có răng nhỏ, lá gồm 6 – 10 cặp gân phụ, lá kèm thường rất nhanh rụng. Cuống lá dài tầm 0,5 – 2cm, ngoài có phủ lông tơ.

Hoa mọc thành từng cụm, mỗi cụm thường có 3 – 5 bông với đường kính 2,5cm. Đài hoa có hình chuông còn lá đài thì hình mác tam giác và đều được phủ lông tơ. Cánh hoa màu trắng, thuôn dài, mỗi bông có tới 30 nhị. Mùa hoa vào khoảng từ tháng 2 – tháng 3.

Quả thịt, có hình cầu hoặc hình trứng với đường kính khoảng từ 2 – 3cm. Mùa sai quả vào khoảng từ tháng 8 – tháng 9.

2. Bộ phận dùng

Quả của cây táo mèo chính là bộ phận được sử dụng để làm vị thuốc.

3. Phân bố

Dược liệu thường sống ở vùng sườn núi với độ cao trung bình khoảng từ 1500 – 3000. Được tìm thấy rất nhiều ở các nước như Nepal, Ấn Độ, Thái Lan, Bhutan, vùng Tây Nam Trung Quốc và Việt Nam.

Ở nước ta, táo mèo mọc hoang rất nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Hòa Bình, Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Sơn La…

4. Thu hái và sơ chế

Dược liệu thường được thu hái vào mùa thu. Sau khi hái về sẽ dùng dao thái mỏng rồi phơi hoặc sấy khô để bảo quản dùng dần.

5. Bảo quản

Dược liệu nếu đã qua sơ chế khô cần cho vào túi kín rồi để nơi khô ráo, thoáng mát. Tránh ẩm mốc hay ánh sáng mặt trời trực tiếp.

6. Thành phần hóa học

Dược liệu có thành phần hóa học tương đối đa dạng, bao gồm:

  • acetylcholin

  • acid citric

  • acid cafiic

  • hydrat cacbon

  • phospho

  • acid oleanic

  • phytosterin

  • acid crataegic

  • vitamin C

  • protid

  • calci

  • sắt

  • ursolic

quả táo mèo

Hình ảnh quả táo mèo – vị thuốc chữa bệnh

Vị thuốc táo mèo

1. Tính vị

  • Theo Tân tu bản thảo: Dược liệu có vị chua, tính hàn và không độc.

  • Theo Nhật dụng bản thảo: Dược liệu có vị chua, ngọt và không độc.

  • Theo Bản thảo cương mục: Dược liệu có vị chua, ngọt và tính hơi ôn.

2. Quy kinh

  • Theo Dược phẩm hóa nghĩa: Quy vào các kinh Tỳ, Can.

  • Theo Bản thảo kinh sơ: Quy vào các kinh Thái âm, Túc dương minh.

  • Theo Lôi công bào chế dược tính giải: Quy vào kinh Tỳ.

3. Tác dụng dược lý

Theo y học cổ truyền:

  • Công dụng: thanh nhiệt, tán huyết ứ, kích thích tiêu hóa…

  • Chủ trị: Đầy hơi, chướng bụng, rối loạn tiêu hóa, bệnh gan do lạm dụng rượu…

Theo y học hiện đại:

  • Nước chiết từ táo mèo có tác dụng làm tăng enzyme trong dạ dày để hỗ trợ tiêu hóa. Đồng thời còn giúp ngăn ngừa và làm giảm thiếu máu cơ tim.

  • Dược liệu đã được nhiều nghiên cứu chứng minh là có tác dụng cường tim, hạ áp, tăng cường lưu lượng mạch vành, chống giãn mạch máu và loạn nhịp tim.

  • Các hoạt chất trong dược liệu còn có tác dụng ức chế một số vi khuẩn gây bệnh như tụ cầu vàng, lỵ, bạch hầu, trực khuẩn thương hàn, liên cầu beta…

  • Dược liệu hoạt động với cơ chế thúc đẩy quá trình bài tiết cholesterol thay vì giảm hấp thu thành phần này. Có tác dụng hạ lipid trong máu, đồng thời giảm xơ vữa động mạch.

  • Ngoài những tác dụng chính kể trên, táo mèo còn là dược liệu giúp an thần, làm tăng tính thẩm thấu của mao mạch và làm co cơ tử cung.

4. Cách dùng – liều lượng

Tùy thuộc vào mục đích sử dụng và từng bài thuốc mà có thể sử dụng táo mèo theo nhiều cách. Thông dụng nhất là sắc lấy nước uống, tán bột làm hoàn, ngâm rượu, nấu thành cao lỏng…

Dược liệu có thể dùng tươi, khô hay kết hợp đa dạng với các loại vị thuốc khác. Liều khuyến cáo là khoảng từ 5 – 10g ở dạng nước sắc, có thể điều chỉnh tùy theo từng trường hợp.

20 bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu táo mèo

Dưới đây là thông tin về những bài thuốc quen thuộc có sử dụng dược liệu táo mèo:

1. Bài thuốc chữa chứng đầy bụng

  • Bài thuốc 1: Cần chuẩn bị 30g táo mèo ở dạng khô. Đem sắc dược liệu với khoảng 1 thăng nước trên lửa nhỏ lấy 300ml. Uống thay trà trong ngày khi còn ấm, cần duy trì liên tục trong khoảng 2 – 3 ngày.

  • Bài thuốc 2: Chuẩn bị 10g táo mèo, 2g phan tả diệp, 3g binh lang, 3g đại hoàng. Các vị thuốc sắc với nửa thăng nước trên lửa nhỏ để thu 150ml. Uống khi thuốc còn ấm với liều 1 thang/ngày.

2. Bài thuốc chữa rối loạn mỡ máu

  • Chuẩn bị: 50g táo mèo cùng với khoảng 50g gạo tẻ.

  • Thực hiện: Táo đem thái phiến rồi nấu chung với gạo tẻ thành cháo. Sau đó nêm đường phèn vừa ăn rồi đem chia làm 2 lần ăn trong ngày. Nấu ăn mỗi ngày 1 thang thuốc duy nhất.

3. Bài thuốc chữa huyết áp cao kèm táo bón kéo dài

  • Chuẩn bị: 12g táo mèo đã sao đen, 9g hoa cúc trắng cùng với 12g thảo quyết minh.

  • Thực hiện: Các vị thuốc trên đem tán nhỏ rồi cho vào bình kín hãm với nước sôi trong 20 phút. Uống thay trà trong ngày với liều 1 thang/ngày.

tác dụng của táo mèo

Hình ảnh vị thuốc táo mèo

4. Bài thuốc dùng cho người cao huyết áp, béo phì

  • Chuẩn bị: 15g táo mèo, 20g hà diệp.

  • Thực hiện: Hai vị thuốc trên đem tán nhỏ rồi cho vào ấm hãm với nước sôi trong khoảng 20 phút. Dùng uống thay trà với liều 1 thang/ngày. Bài thuốc đáp ứng tốt với các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, đau đầu.

5. Bài thuốc thanh nhiệt, trừ đàm cho người rối loạn lipit máu hay cao huyết áp

  • Chuẩn bị: 10g táo mèo, 10g lá chè tươi, 10g cúc hoa.

  • Thực hiện: Tất cả vị thuốc trên đem cho vào ấm hãm chung với nước sôi nóng trong khoảng 15 phút. Dùng thay nước trà trong ngày với liều 1 thang/ngày.

6. Bài thuốc giúp hoạt huyết hóa ứ

  • Chuẩn bị: 30g táo mèo, 30g hải đới, 10 củ mã thầy, 3 quả chanh.

  • Thực hiện: Táo bỏ hạt, thái miếng; hải đới rửa sạch và cắt ngắn; mã thấy bóc vỏ và thái vụn; chanh cắt lát. Tất cả cho vào ấm sắc kỹ lấy nước uống. Nên chia làm 2 lần uống trong ngày với liều 1 thang/ngày. Phù hợp với những người bị cao huyết áp.

7. Bài thuốc giúp thanh can nhiệt, bổ can thận

  • Chuẩn bị: 16g táo mèo, 16g sinh đỗ trọng, 16g thảo quyết minh, 62g tiên ngọc mễ tu, 6g hoàng bá cùng 3g sinh đại hoàng.

  • Thực hiện: Các vị thuốc trên cho vào ấm sắc chung với 6 bát nước trên lửa nhỏ đến khi cô lại còn 3 bát. Chia đều thành 3 lần uống trong ngày, dùng đúng 1 thang thuốc/ngày. Bài thuốc này rất thích hợp cho bệnh nhân cao huyết áp hay người thừa cân, béo phì.

8. Bài thuốc chữa viêm đại tràng cấp

  • Chuẩn bị: 60g táo mèo cùng với 30ml rượu trắng và 60g đường đỏ.

  • Thực hiện: Đem dược liệu đi sao cháy nhẹ rồi gia rượu trắng trộn đều và sao tiếp đến khi khô rượu. Cho 200ml vào đun trong 15 phút, bỏ bã rồi cho đường đỏ vào sắc sôi. Uống khi thuốc còn nóng với liều 1 thang/ngày.

9. Bài thuốc chữa viêm bể thận

  • Chuẩn bị: 100g táo mèo ở dạng sống. 

  • Thực hiện: Cho dược liệu vào ấm sắc với nước trong khoảng 15 – 10 phút, sắc làm 3 lần, 500ml/lần. Mỗi liệu trình kéo dài trong 14 ngày.

10. Bài thuốc tiêu thực giảm béo

  • Chuẩn bị: 15g táo mèo, 6g trà mạn, 18g đông qua bì, 18g hoa hòe cùng với 30g hà thủ ô.

  • Thực hiện: Các vị thuốc trên đem cho vào ấm sắc lấy nước uống trong ngày. Dùng với liều chỉ 1 thang/ngày.

11. Bài thuốc thúc đẩy tuần hoàn huyết dịch

  • Chuẩn bị: 30g táo mèo, 15g lá sen non, 5g hoa hòe tươi, 10g thảo thuyết minh cùng 1 ít đường trắng.

  • Thực hiện: Các vị thuốc trên cho vào ấm sắc chung với nửa thăng nước trên lửa nhỏ để lấy 200ml. Chia đều thành 2 lần uống trong ngày, dùng với liều chỉ 1 thang/ngày.

12. Bài thuốc trị bệnh động mạch vành, xơ vữa động mạch

  • Chuẩn bị: 15g táo mèo, 15g đan sâm, 12g quyết minh tử, 5g hồng hoa.

  • Thực hiện: Các vị thuốc đem cho vào ấm sắc lấy nước uống thay nước trà mỗi ngày 1 thang. Cần duy trì liên tục trong vòng 1 – 3 tháng tùy thể trạng mỗi người.

13. Bài thuốc dùng cho người rối loạn lipid máu kèm đầy bụng, chán ăn, chậm tiêu

  • Chuẩn bị: 15g táo mèo, 20g nhân trần, 15g sinh mạch nha.

  • Thực hiện: Đem các vị thuốc đi sắc kỹ 2 lần để thu khoảng 300ml thuốc. Chia đều làm 2 lần uống trong ngày với liều mỗi ngày 1 thang. Cần duy trì liên tục và đều đặn trong nửa tháng.

14. Bài thuốc thanh nhiệt, tán ứ và làm giảm mỡ máu

  • Chuẩn bị: 9g táo mèo, 9g nấm linh chi, 15g thảo quyết minh, 15g trạch tả, 12g xích thược.

  • Thực hiện: Các vị thuốc trên cho hết vào ấm sắc để lấy nước uống 1 thang/ngày.

15. Bài thuốc thanh nhiệt, hoạt huyết hóa ứ

  • Chuẩn bị: 50g táo mèo, 30g mạch môn cùng 1 lít rượu trắng.

  • Thực hiện: Các vị thuốc cho vào bình thủy tinh có nắp ngâm với rượu. Mỗi ngày lắc đều 2 lần, sau ít nhất 10 ngày là có thể dùng được. Mỗi ngày chỉ uống 20ml.

16. Bài thuốc ích khí bổ thận, làm giảm mỡ máu

  • Bài thuốc 1: Cần chuẩn bị 30g táo mèo, 30g hoàng kỳ, 30g tang ký sinh, 10g ngũ vị tử, 70g bồ công anh. Các vị thuốc trên đem sấy cho khô rồi tán thành bột mịn. Mỗi lần chỉ uống 2g với nước sôi ấm, tần suất 3 lần/ngày. Một liệu trình điều trị kéo dài liên tục trong 30 ngày.

  • Bài thuốc 2: Cần có 15g táo mèo, 20g đan sâm, 15g thảo quyết minh, 15g hà thủ ô, 10g kỷ tử. Các dược liệu này cho vào ấm để sắc lấy nước uống thay trà với liều 1 thang/ngày.

  • Bài thuốc 3: Cần có 30g táo mèo, 15g tang ký sinh, 30g thảo quyết minh, 15g cát căn. Tất cả vị thuốc đem sấy khô và tán thành bột. Mỗi lần lấy uống 8g cùng nước sôi ấm, tần suất 2 lần/ngày. Một liệu trình điều trị kéo dài liên tục trong 30 ngày.

17. Bài thuốc chữa triệu chứng mỡ máu cao

  • Chuẩn bị: 10g táo mèo xanh, 10g ý dĩ xanh, 60g lá sen khô, 15g lạc lá, 60g lá chè, 5g vỏ quýt.

  • Thực hiện: Các vị thuốc trên đem tán thành bột rồi pha với nước sôi để uống thay trà hằng ngày.

18. Bài thuốc chữa gan nhiễm mỡ

  • Chuẩn bị: 30g táo mèo sống, 20g mã đề, 15g hà thủ ô sống, 15g đan sâm, 15g hoàng kỳ, 15g thảo quyết minh, 15g hà diệp, 15g hổ trương.

  • Thực hiện: Các vị thuốc trên cho hết vào ấm để sắc nước uống với liều chỉ 1 thang/ngày.

19. Bài thuốc chữa lipid máu cao

  • Chuẩn bị: 3g táo mèo, 8g mã đề, 6g mộc hương, 6g tang ký sinh, 6g thảo quyết minh, 3g hoàng tinh, 3g kim anh tử.

  • Thực hiện: Các vị thuốc trên đây đem nấu với nước thành cao đặc rồi trộn với bột gạo để làm thành viên, mỗi viên tương đương với khoảng 1,1g dược liệu. Mỗi lần uống từ 5 – 8 viên với tần suất 2 lần/ngày.

20. Bài thuốc gia vị ôn đởm thang

  • Chuẩn bị: 30g táo mèo, 10g tích tương thực, 10g hoàng liên, 30g đan sâm, 12g bạch thược, 10g bán hạ chếm 12g xích thược, 15g bạch linh, 12g sài hồ, 12g trúc nhự, 12g đào nhân, 12g trần bì.

  • Thực hiện: Tất cả vị thuốc sắc lấy nước uống trong ngày với liều 1 thang/ngày. Bài thuốc có tác dụng hoạt huyết hóa ứ, lý khí vận tỳ, giải rượu tả độc. Phù hợp nhất với những người bị bệnh gan do lạm dụng rượu ở thể can uất tỳ hư.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top