✴️ Kỹ thuật truyền dịch, truyền máu

Nội dung

GIỚI THIỆU 

Nước và các chất vô cơ giữ vai trò quan trọng trong quá trình sống. Mặc dù nước và các chất vô cơ không sinh năng lượng, nhưng sự trao đổi nước và các chất vô cơ trong cơ thể sống có liên quan mật thiết với nhau, đồng thời cũng liên quan chặt chẽ với chuyển hóa các chất hữu cơ. Nước là thành phần cấu tạo chính của cơ thể, khi cơ thể xảy ra tình trạng rối loạn trao đổi nước và các chất vô cơ có thể gây hậu quả nghiêm trọng, đây là bệnh cảnh thường gặp trên lâm sàng, do vậy đòi hỏi nhân viên y tế phải đánh giá đúng mức và xử trí kịp thời.

Tiêm truyền tĩnh mạch được coi là phương pháp hiệu quả nhất trong việc cân bằng nước và điện giải cho người bệnh. Song song với việc bồi phụ dịch và điện giải, tiêm truyền tĩnh mạch còn áp dụng cho truyền máu và chế phẩm của máu (chất keo), dinh dưỡng... 

Truyền máu là quá trình nhận máu hoặc các sản phẩm máu vào hệ tuần hoàn theo đường tĩnh mạch. Truyền máu được chỉ định trong nhiều bệnh lý cấp tính hoặc mạn tính khác nhau gây ra tình trạng thiếu máu (toàn phần, hoặc một số thành phần của máu), để thay thế các thành phần bị thiếu của máu. Truyền máu thời kỳ đầu thường sử dụng máu toàn phần. Ngày nay ngoài truyền máu toàn phần, các bác sĩ đã chỉ định truyền từng thành phần của máu như hồng cầu, bạch cầu, huyết tương, các thành phần chống đông, và tiểu cầu.

Đưa thuốc, dịch truyền và máu vào lòng mạch phải tuân thủ nguyên tắc 5 đúng: đúng thuốc/dịch truyền, đúng liều dùng/hàm lượng, đúng người bệnh, đúng đường dùng, đúng giờ (Thông tư số 07/2011/TT-BYT) và phải ghi chép đầy đủ, rõ ràng theo đúng quy định. Đòi hỏi điều dưỡng viên phải có kiến thức về dịch truyền, truyền máu, hiểu và sử dụng hiệu quả phương tiện dụng cụ, thực hành truyền dịch, truyền máu an toàn, kiểm soát tốc độ truyền, chăm sóc và theo dõi, nhận biết và xử trí được những tai biến có thể xảy ra trong và sau khi tiêm truyền. 

 

KỸ THUẬT TRUYỀN DỊCH TĨNH MẠCH

Mục đích

Hồi phục lại khối lượng tuần hoàn đã mất của cơ thể do tiêu chảy mất nước, bỏng nặng, mất máu, xuất huyết...

Giải độc, lợi tiểu

Nuôi dưỡng người bệnh

Đưa thuốc vào cơ thể để điều trị 

Nên truyền trong các trường hợp

Xuất huyết, tiêu chảy mất nước, bỏng 

Trước mổ, sau mổ

Muốn phát huy tác dụng nhanh, duy trì nồng độ của thuốc.

Trường hợp nhiễm độc, nhiễm toan chuyển hoá.

Nguyên tắc truyền dịch

Thực hiện 5 đúng

Đảm bảo nguyên tắc vô khuẩn.

Đảm bảo sự an toàn về quản lý dịch truyền. 

Tuyệt đối không để không khí vào tĩnh mạch.

Ðảm bảo áp lực của dịch truyền cao hơn áp lực máu của bệnh nhân.

Đảm bảo thời gian truyền dịch theo đúng chỉ định của bác sĩ: thực hiện công thức tính thời gian chảy của dịch truyền.

                                                 

Theo dõi dấu hiệu sinh tồn trước, trong và sau khi truyền.

Phát hiện các dấu hiệu sớm của phản ứng và xử lý kịp thời.

Giữ cho hệ thống truyền dịch được vô trùng. Băng vô trùng nơi thân kim.

Dịch truyền không nên để lâu quá 24 giờ. Bộ dây tiêm truyền thay sau 48-72 giờ. Kim luồn nên được thay sau 48-72 giờ hoặc hơn tùy theo sản phẩm.

Những tác dụng không mong muốn có thể xảy ra khi truyền dịch vào tĩnh mạch ngoại biên

Quy trình thực hành kỹ thuật truyền dịch tĩnh mạch

Nhận định

Nhận định các dấu hiệu lâm sàng, cận lâm sàng, các bệnh lý đi kèm: tri giác, da và niêm mạc, dấu hiệu sinh tồn (DHST), cân nặng, mức độ phù, lượng nước tiểu, khát nước, dấu hiệu mất nước...

Nhận định tiền sử dị ứng: dị ứng thuốc, dịch truyền, dung dịch sát khuẩn...

Nhận định hệ thống tĩnh mạch người bệnh.

Nhận định các yếu tố liên quan đến dịch truyền, kim truyền, tốc độ truyền, thời gian truyền...

Nhận định yếu tố ảnh hưởng đến quá trình truyền: tuổi (người già, trẻ em).

Nhận định thái độ, sự hiểu biết của người bệnh và người thân đối với liệu pháp truyền dịch.

Dụng cụ

Dịch theo chỉ định: 

Dịch đẳng trương: NaCl 0,9%, glucose 5%, NaHCO3 14%….

Dung dịch ưu trương: NaCl 10%, 20%, glucose 10%, …, 50%, NaHCO3 5%...

Dung dịch có phân tử lượng lớn: Dextran, subtosan….

Bộ dụng cụ truyền dịch: tấm ga mỏng, garô, dung dịch sát khuẩn (cồn 700, cồn iốt), gạc, băng dính, kìm Kocher.

Bộ dây truyền

Hộp thuốc chống sốc

Dụng cụ đo dấu hiệu sinh tồn: máy đo huyết áp, ống nghe, nhiệt kế, đồng hồ có kim giây.

Phiếu truyền dịch.

Bảng theo dõi dấu hiệu sinh tồn, bút ghi

Các bước thực hiện

Bảng kiểm kỹ thuật truyền dịch tĩnh mạch

 

KỸ THUẬT TRUYỀN MÁU

Mục đích

Bù lại lượng máu đã mất, nâng huyết áp

Cầm máu (fibrinogen, prothrombin, tiểu cầu, yếu cầu VIII...)

Chống nhiễm khuẩn nhiễm độc (cung cấp hemoglobin và kháng thể)

Cung cấp oxy cho tế bào và kháng thể cho người bệnh

Nên truyền trong các trường hợp

Chảy máu nội tạng nặng

Sốc do chảy máu trong, sốc chấn thương, mất máu nặng do đứt động mạch.

Thiếu máu nặng (ví dụ: Giun móc...)

Nhiễm khuẩn, nhiễm độc nặng

Các bệnh về máu: suy tủy, xuất huyết giảm tiểu cầu…

Không nên truyền trong các trường hợp

Các bệnh van tim (hẹp, hở- van 2 lá, hở động mạch chủ...) cần cân nhắc khi truyền

Viêm cơ tim.

Xơ cứng động mạch não, cao huyết áp.

Chấn thương sọ não, viêm não, não úng thủy.

Nguyên tắc truyền máu

Phải truyền máu cùng nhóm và chắc chắn có chỉ định của bác sĩ theo sơ đồ sau:  

Nhóm       

Trước khi truyền máu phải chuẩn bị đầy đủ các xét nghiệm cần thiết: nhóm máu, phản ứng chéo, kết dính...

Hình 1. Định nhóm máu

Kiểm tra chất lượng máu: máu toàn phần hay thành phần của máu, túi/chai máu không có biểu hiện nghi ngờ như thay đổi về màu sắc, vỡ hồng cầu, không vón cục ...

Kiểm tra dấu hiệu sinh tồn người bệnh trước khi truyền máu: nếu thấy bất thường phải báo cáo bác sĩ.

Dụng cụ phải đảm bảo vô khuẩn, dây truyền phải có bầu lọc, kim phải đúng kích cỡ (18-21G, dài 3-4 cm).

Đảm bảo tốc độ chảy của máu đúng y lệnh.

Phải làm phản ứng sinh vật: truyền 5 ml máu với tốc độ theo y lệnh, rồi cho chảy chậm 8 - 10 giọt/phút. Sau 5 phút theo dõi, nếu không có triệu chứng bất thường, cho chảy tiếp tục với tốc độ theo y lệnh 20 ml máu nữa; rồi lại cho chảy chậm (8 - 10 giọt/phút) trong 5 phút để theo dõi, nếu không có gì bất thường xảy ra mới tiếp tục truyền với tốc độ theo y lệnh.

Túi/chai máu đem ra khỏi nơi bảo quản không để lâu quá 30 phút trước khi truyền cho người bệnh, không được truyền máu quá lạnh cho người bệnh.

Phải theo dõi chặt chẽ quá trình truyền để tránh các tai biến có thể xảy ra.

Trong trường hợp cấp cứu không có máu cùng nhóm, có thể truyền máu khác nhóm theo chỉ định của thầy thuốc và theo quy tắc truyền máu tối thiểu (rất ít khi thực hiện):

Đối với người lớn: không truyền quá 250 ml

Đối với trẻ em: truyền không quá 1/10 - 1/8 khối lượng tuần hoàn của trẻ

Sơ đồ 1. Truyền máu theo nhóm máu

Các tai biến có thể xảy ra khi truyền máu

Quy trình thực hành kỹ thuật truyền máu

Nhận định người bệnh

Tri giác, dấu hiệu sinh tồn

Tĩnh mạch vùng truyền

Tình trạng bệnh lý đi kèm

Tiền sử về truyền dịch, truyền máu của người bệnh. 

Người bệnh đã hoàn thành các thủ tục và đồng ý truyền trước khi nhận máu về.

Sự hiểu biết của người bệnh/gia đình về truyền máu

Dụng cụ

Dụng cụ vô khuẩn và túi máu

Túi máu đã đối chiếu với y lệnh và nhóm máu của người bệnh.

Kiểm tra nhãn hiệu túi máu:

Có nhãn không? nếu không có nhãn sẽ không nhận

Nhãn phải ghi đầy đủ: số túi, nhóm máu, tên người cho - người nhận máu; ngày, giờ, tháng lấy máu, hạn dùng.

Kiểm tra chất lượng: nút túi máu có nguyên vẹn không? Túi máu lấy ở tủ lạnh ra còn phân biệt các lớp rõ ràng, màu sắc có tươi hay có hiện tượng tiêu huyết, nhiễm khuẩn, có vón cục không, có để ngoài tủ lạnh lâu quá 30 phút không?

Đối chiếu: túi máu lĩnh có phù hợp với phiếu lĩnh máu không, tên và nhóm máu của người bệnh có đúng không, phản ứng chéo giữa túi máu và máu của người bệnh có hiện tượng ngưng kết không?

Bộ dây truyền máu: loại dây thẳng/loại dây chữ Y có màng lọc trong bầu  đếm giọt.

Túi/chai dung dịch NaCl 0,9%

Bơm tiêm 5 ml, kim 18 - 21G

Gạc hấp, lam kính

Dung dịch sát khuẩn.

Dụng cụ sạch

Băng dính; Găng tay sạch

Khay hạt đậu

Garô/dây cao su

Gối hoặc khăn mỏng kê tay

Nẹp hoặc băng cuộn (nếu cần)

Hộp thuốc chống sốc

Dụng cụ đo dấu hiệu sinh tồn: nhiệt kế, máy đo huyết áp, ống nghe

Giấy cam kết đồng ý truyền

Phiếu truyền máu, phiếu xét nghiệm

Cọc truyền

Bơm tiêm điện (EID)

Dụng cụ đo oxy mạch (Pulse oximeter).

Các bước thực hành

Bảng kiểm kỹ thuật truyền máu

Bảng kiểm đánh giá năng lực thực hành kỹ thuật truyền dịch, truyền máu

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bộ Y tế (2010). Hướng dẫn thực hành 55 kỹ thuật điều dưỡng cơ bản, tập 2. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Bộ Y tế (2012). Bài giảng kỹ năng điều dưỡng. Nhà xuất bản Y học, Hà Nội

Bộ Y tế (2012). Quyết định số: 3671/QĐ-BYT, Hướng dẫn tiêm an toàn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top