Giãn dây chằng vai là những tổn thương phổ biến trong cuộc sống hàng ngày. Vì vậy có rất nhiều những thắc mắc như nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là gì? Điều trị như thế nào để nhanh phục hồi? Bài viết dưới đây xin được giải đáp những thắc mắc đó, mời bạn đọc cùng tham khảo.
1. Giãn dây chằng vai là gì?
Dây chằng được làm từ mô liên kết, kết nối xương này với xương khác để tạo thành khớp. Giãn dây chằng vai là khi dây chằng khớp vai bị kéo dài quá nhiều. Hệ quả là dây chẳng bị chệch, giãn, khiến khớp vai đau, sưng. Người bệnh không thể vận động bình thường, thậm chí vai không thể cử động.
2. Nguyên nhân gây giãn dây chằng vai
Tình trạng này do nhiều nguyên nhân nhưng thường gặp nhất là các nguyên nhân sau:
2.1. Do sự vận động và sai tư thế
Xách vác những vật nặng trong thời gian dài, vận động quá sức vùng khớp vai, lười vận động hoặc vận động sai tư thế,… rất dễ dẫn đến giãn dây chằng. Sự gia tăng đột ngột áp lực lên khớp vai, khiến khớp hoạt động quá nhiều làm cho dây chằng bị kéo căng quá mức. Từ đó gây ra hiện tượng đau khớp vai, đau vai gáy, tê mỏi ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày.
2.2. Do chấn thương
Các chấn thương thường gặp khi lao động, chơi thể thao (võ thuật, cầu lông, tennis…) và nhiều hoạt động khác. Khi vai bị va đập mạnh hoặc khớp xương vai bị lệch khỏi vị trí cố định, các dây chằng sẽ bị kéo căng và giãn ra. Thậm chí có thể dẫn đến rách hay đứt dây chằng.
Người đã từng bị gãy xương vai, trật khớp vai, bong gân thì khớp và dây chằng vai sẽ yếu hơn những người chưa bị chấn thương này. Do vậy nguy cơ tái phát chấn thương, bị giãn dây chằng vai là rất cao.
2.3. Tuổi già
Cơ thể bị lão hóa cũng làm dây chằng bị giãn sau một thời gian co giãn điều độ. Đó là giai đoạn lão hóa chung của các bộ phận trong cơ thể. Vì vậy giãn dây chằng ở người già là hiện tượng thường gặp.
3. Biện pháp điều trị khi bị giãn dây chằng vai
Để nhận biết chính xác các triệu chứng giãn dây chằng, bạn cần đến các cơ sở y tế có chuyên khoa xương khớp để được thăm khám và tìm hiểu rõ vùng dây chằng bị tổn thương. Qua đó việc điều trị được dễ dàng hơn, hạn chế các cơn đau khớp vai và những khu vực xung quanh.
Ngoài ra cần chú ý những điều sau:
– Khi bị đau nhiều người bệnh có thể cố định tay hoặc sử dụng tai đeo hỗ trợ hoặc uống thuốc giảm đau, giảm sưng viêm theo chỉ dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối không được điều trị ở nhà hoặc học các cách nắn khớp trên mạng bởi có thể gây chấn thương nặng hơn thậm chí gây tật ở khớp vai.
– Tập thể dục nhẹ nhàng thường xuyên: Tập các bài tập kéo giãn cơ vai gáy, nhóm cơ vùng khuỷu bằng các bài tập nhẹ.
– Chú ý tư thế: Tránh nằm dồn toàn bộ trọng lượng cơ thể lên vùng vai. Tránh những vận động quá sức, nhất là các hoạt động liên quan trực tiếp tới khớp vai.
– Chế độ ăn uống: Thực hiện chế độ ăn uống hợp lý, khoa học. Nên bổ sung nhiều thực phẩm chứa canxi, chất xơ, omega-3. Đồng thời hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ, chất kích thích có hại cho sức khỏe.
Những cơn đau ở vai có thể bắt nguồn từ giãn dây chằng vai. Tình trạng này nếu không được xử lý kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Khi có các triệu chứng bất thường, bạn cần gặp bác sĩ chuyên khoa Cơ Xương Khớp càng sớm càng tốt để được thăm khám và điều trị.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh