✴️ Hội chứng ống cổ chân (Tarsal Tunnel Syndrome)

1. Giải phẫu dây thần kinh chày

Thần kinh chày là sự tiếp tục đường đi của dây thần kinh ngồi. Thần kinh ngồi bao gồm các thần kinh chày và mác chung, vốn là những thần kinh thường chỉ tách rời nhau ở đỉnh hố khoeo nhưng có thể lần theo chúng đến tận nguyên ủy để thấy rằng thần kinh chày được tạo nên bởi các sợi trước của thân thắt lưng-cùng (L4,5) và ba thần kinh cùng đầu tiên (S1,2,3).

Từ hố khoeo đi dưới cung gân cơ dép, thần kinh chày đi giữa hai lớp cơ vùng cẳng chân sau rồi đi sau mắt cá trong xuống gan chân. Đến dưới mạc giữ gân duỗi dưới thì chia thành 2 nhánh là thần kinh gan chân trong và thần kinh gan chân ngoài. Trên đường đi, nó cho các nhánh:

  • Các nhánh cơ: chi phối cơ chày sau, cơ gấp dài các ngón chân, cơ gấp ngón chân cái dài, và phần sâu của cơ dép.

  • Các nhánh bì: xuyên qua mạc cơ gấp để chi phối da mặt sau và mặt dưới của gót chân.

  • Các nhánh khớp: cung cấp cho khớp mắt cá chân.

 

2. Hội chứng ống cổ chân

Hội chứng ống cổ chân hay còn gọi là hội chứng đường hầm cổ chân (Tarsal Tunnel Syndrome, TTS), là tình trạng đau dọc theo đường đi của dây thần kinh chày, thường là hậu quả của sự chèn ép dây thần kinh đi trong ống cổ chân do áp lực thường xuyên ở đây.

Thần kinh chày là nhánh tận cùng lớn của thần kinh ngồi, chạy qua ống cổ chân, đóng vai trò thu nhận cảm giác và kiểm soát vận động của cổ chân và bàn chân. Vì vậy, khi bị chấn thương trực tiếp hoặc chèn ép liên tục sẽ tạo ra áp lực dẫn đến tổn thương. Áp lực này có thể đến từ những tổn thương như gãy xương, bong gân. Một số nguyên nhân khác có thể đi kèm dẫn đến hội chứng ống cổ chân phải kể đến như bàn chân bẹt nặng, sự phát triển xương lành tính ở ống cổ chân, trật khớp cổ chân, mang giày có kích cỡ không phù hợp hoặc có thể gặp ở phụ nữ mang thai do chân bị sưng phù gây ra. Tổn thương dây thần kinh chày dẫn đến mất khả năng gấp bàn chân, gấp ngón chân và suy yếu động tác xoay trong bàn chân.

Triệu chứng của hội chứng ống cổ chân:

  • Cơ năng:

+ Đau buốt, tê liệt, cảm giác kiến bò, ngứa ran bên trong cổ chân, phía sau mắt cá và đôi khi ở phía trong gót chân và có thể lan dọc theo bề mặt của gan chân đến đầu xa các ngón chân. Những cơn đau này thường xảy ra đột ngột, tăng lên về đêm và lúc di chuyển, giảm khi nghỉ ngơi.

+ Mất dần khả năng vận động của chân dẫn đến liệt chân và dáng đi bất thường.

  • Thực thể: dấu Tinel: khi khám bác sĩ dùng búa phản xạ gõ theo đường từ trên xuống dọc theo đường đi dây thần kinh chày thì thấy có một điểm đau như điện giật.

3. Cách điều trị hội chứng ống cổ chân

Việc điều trị hội chứng ống cổ chân vẫn còn nhiều thách thức do sự không chắc chắn trong chẩn đoán và thiếu rõ ràng về việc kết quả từ việc điều trị bảo tồn hay phẫu thuật. Theo đó, hội chứng ống cổ chân có thể được điều trị không cần phẫu thuật. Quyết định này thường phụ thuộc vào căn nguyên của bệnh, mức độ mất chức năng của bàn chân và mắt cá chân, cũng như sự hiện diện của chứng teo cơ.

Dù căn nguyên của hội chứng ống cổ chân là gì, mục đích điều trị vẫn là để giảm đau, kháng viêm và chống căng cơ. Các cách điều trị bảo tồn bao gồm dùng đá lạnh, uống thuốc giảm đau như acetaminophen và thuốc chống viêm không steroid (NSAID) có thể hữu ích. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể thử dùng thuốc giảm đau thần kinh bao gồm gabapentin, pregabalin và thuốc chống trầm cảm ba vòng đối với các tổn thương thần kinh nặng nề.

Nếu có nang hạch tại chỗ, cần chọc hút dưới hướng dẫn của siêu âm để giải áp. Tiêm corticosteroid vào ống cổ chân có thể giúp giảm phù nề.

Các phương thức vật lý trị liệu mô mềm có thể giúp ích trong điều trị hội chứng ống cổ chân là dùng sóng siêu âm, điện di và kích thích điện tử. Trong đó, kéo căng bắp chân và di chuyển dây thần kinh cũng có thể giúp giảm các triệu chứng. Ngoài ra, giày chỉnh hình có thể là một lựa chọn được sử dụng để điều chỉnh các bất thường về các nhóm cơ ở cổ chân và để giúp giảm tải ống cổ chân, giảm lực kéo lên dây thần kinh.

Phẫu thuật giải áp ống cổ chân được chỉ định nếu xử trí bảo tồn không giải quyết được các triệu chứng của bệnh nhân hoặc nếu xác định được nguyên nhân chính xác gây chèn ép. Bệnh nhân có các triệu chứng do tổn thương chiếm chỗ thường đáp ứng tốt với xử trí phẫu thuật. Tuy nhiên, tín hiệu dẫn truyền thần kinh chậm bất thường qua dây thần kinh chày sau sẽ dự báo là liệu pháp bảo tồn thất bại.

Sau can thiệp, người bệnh cần được chăm sóc hậu phẫu và phục hồi chức năng thích hợp, nhằm mục đích bảo vệ sự toàn vẹn của khớp và dây thần kinh, đồng thời kiểm soát tình trạng viêm, sưng và đau cổ chân. Khi quá trình phục hồi tiếp tục, nhà trị liệu và bệnh nhân sẽ cần tập luyện để ngăn chặn phản ứng co cơ lại và kết dính của các mô sẹo trong khi duy trì tính di động của mô mềm và khớp. Hơn nữa, khả năng trở lại dáng đi bình thường, đi bộ và chạy nhảy sẽ là những mục tiêu dài hạn về sau.

Tóm lại, hội chứng ống cổ chân là một tình trạng gây ra bởi áp lực lặp đi lặp lại dẫn đến tổn thương dây thần kinh chày sau. Vì hội chứng ống cổ chân là một bệnh khó chẩn đoán, khi cảm giác đau cổ chân kéo dài không giải thích được, người bệnh cần sớm thăm khám tốt nhất bởi một bác sĩ chuyên khoa chỉnh hình. Tùy theo căn nguyên, điều trị hội chứng ống cổ chân có thể cần phẫu thuật hay vật lý trị liệu nhằm bảo tồn chức năng cổ chân lâu dài trong tương lai.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top