✴️ Hội chứng ống cổ tay: Nguyên nhân và cách điều trị

Nội dung

1. Nguyên nhân và triệu chứng gây hội chứng ống cổ tay

1.1. Nguyên nhân gây hội chứng ống cổ tay

Hội chứng đường hầm cổ tay là hệ quả của nhiều yếu tố kết hợp. Các nghiên cứu đều chỉ ra rằng người già hoặc phụ nữ là đối tượng có tỷ lệ cao mắc phải bệnh lý này. Một số nguyên nhân dưới đây có thể gây nên hội chứng đường hầm cổ tay:

– Giới tính: Do sở hữu đường hầm cổ tay nhỏ nên phụ nữ có nguy cơ mắc chứng ống cổ tay cao gấp 3 lần so với nam giới.

– Sử dụng tay lặp đi lặp lại: Việc lặp đi lặp lại cùng một chuyển động của tay hoặc cổ tay trong thời gian dài sẽ gây tổn thương đến các gân khiến cho tình trạng sưng viêm diễn ra đồng thời tạo áp lực lên dây thần kinh.

– Các bệnh lý đi kèm: Người mắc một số bệnh lý như béo phì, tiểu đường, suy thận, rối loạn chức năng tuyến giáp hay viêm khớp dạng thấp,… sẽ có nguy cơ mắc viêm ống cổ tay cao hơn so với những đối tượng còn lại.

– Vị trí tay, cổ tay: Việc thường xuyên thực hiện những hoạt động như uốn cong, gập duỗi quá mức trong thời gian dài sẽ tạo áp lực lên dây thần kinh và dẫn tới hội chứng đường hầm cổ tay.

– Do tổn thương tay: Trật khớp, gãy xương hoặc chấn thương cổ tay,… có thể gây nên viêm khớp, viêm dây chằng, viêm đơn hoặc đa dây thần kinh,… Những điều này khiến cho không gian trong ống cổ tay bị thay đổi và tạo áp lực lên dây thần kinh giữa.

Hội chứng đường hầm cổ tay ở phụ nữ cao gấp 3 lần so với nam giới

1.2. Triệu chứng của hội chứng ống cổ tay

Nếu xuất hiện những dấu hiệu dưới đây bạn hãy nghĩ tới hội chứng đường hầm cổ tay đầu tiên:

– Xuất hiện cảm giác đau hoặc ngứa ran từ phía cẳng tay về phía vai.

– Tay yếu và vụng về hơn. Xuất hiện cảm giác đau cơ, chuột rút gây khó khăn trong các hoạt động bình thường như cầm nắm, sử dụng điện thoại, đọc sách,…

– Tay thường xuyên đánh rơi đồ vật do cảm giác bàn tay bị tê liệt hoặc mất nhận thức.

Trong hầu hết các trường hợp thì các dấu hiệu của hội chứng đường hầm cổ tay thường bắt đầu dần dần khiến cho người mắc khó nhận ra. Đôi khi những triệu chứng này có thể xuất hiện vào ban đêm. Triệu chứng ban đầu chỉ thoáng qua nên người bệnh khó có thể nhận biết được cho tới khi tình trạng xấu đi.

Tay thường xuyên đánh rơi đồ vật do cảm giác bàn tay bị tê liệt hoặc mất nhận thức là triệu chứng của hội chứng đường hầm cổ tay

2. Đối tượng thường mắc hội chứng đường hầm cổ tay

Hội chứng đường hầm cổ tay có thể gặp ở rất nhiều đối tượng. Một số đối tượng có nguy cơ mắc cao hơn so với bình thường như:

– Người mắc bệnh lý béo phì hoặc thừa cân.

– Phụ nữ mang thai thường mắc hội chứng đường hầm cổ tay vào giữa hoặc cuối thai kỳ.

– Đối tượng có bố mẹ mắc hội chứng hẹp ống cổ tay.

– Người mắc một trong những căn bệnh liên quan đến tiểu đường hoặc xương khớp.

– Nhân viên văn phòng, thu ngân, thợ cắt tóc,… Những người lao động thường xuyên dùng tay lặp đi lặp lại ở 1 tư thế.

– Người bị chấn thương cổ tay.

3. Các biện pháp phòng tránh hội chứng đường hầm cổ tay

Để phòng ngừa hội chứng đường hầm cổ tay bạn cần thực hiện một số biện pháp dưới đây:

– Hạn chế dùng lực tay quá mạnh như bê vác nặng.

– Tránh làm liên tục một công việc như may vá, đánh máy,… Nên để tay nghỉ hơi và thư giãn sau thời gian làm việc.

– Luyện tập những bài thư giãn giúp cổ tay, ngón tay và lòng bàn tay.

– Không gối tay khi ngủ bởi việc này dễ khiến cho thần kinh bị chèn ép.

– Nếu làm việc trong môi trường lạnh nên giữ cho bàn tay ấm tránh gây tình trạng cứng khớp hoặc đau tay.

– Giữ bàn tay thẳng và tránh uốn cong cổ tay lên hoặc xuống.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top