✴️ Hội chứng ống cổ tay và những điều bạn cần lưu ý

Nội dung

Hội chứng ống cổ tay hay còn gọi là đường hầm cổ tay là hiện tượng người bệnh cảm thấy tê, đau tay giảm khả năng vận động do dây thần kinh bị chèn ép. Nếu không được phát hiện và điều trị bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng đến cuộc sống. Hãy cùng tìm hiểu về bệnh trong bài viết của chúng tôi.

 

1. Hội chứng ống cổ tay: khái niệm và nguyên nhân gây bệnh

1. 1 Khái niệm bệnh

Hội chứng ống cổ tay còn gọi là đường hầm cổ tay xảy ra khi dây thần kinh ngoại biên bị chèn ép khi đi ngang qua ống cổ tay. Việc này dẫn đến tình trạng viêm, tê, đau hoặc là mất cảm giác  ở vùng bàn tay (vùng được chi phối bởi dây thần kinh giữa) gây ra khó chịu ảnh ảnh hưởng đến khả năng lao động và chất lượng cuộc sống. 

Trong xã hội hiện đại, do đặc thù một số công việc sử dụng cổ tay với độ linh hoạt, tỉ mỉ ngày càng nhiều nên số người mắc phải hội chứng ống cổ tay ngày càng có xu hướng gia tăng.

Hội chứng đường hầm cổ tay có thể điều trị khỏi tuy nhiên trong 1 số trường hợp bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nếu không được can thiệp kịp thời. Các biến chứng như tê, đau, mất cảm giác bàn tay thậm chí teo cơ… ảnh hưởng lớn đến khả năng làm việc. Nếu không được điều trị người bệnh có thể mất khả năng lao động.

Hội chứng ống cổ tay thường gặp ở những người sử dụng cổ tay nhiều, thường xuyên

 

1. 2 Nguyên nhân gây nên tình trạng hội chứng ống cổ tay

Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng hội chứng đường hầm cổ tay trong đó có thể kể đến 1 số nguyên nhân phổ biến như sau:

Thường xuyên sử dụng cổ tay với các thao tác lặp đi lặp lại: Những người làm công việc như đánh máy, lái xe, công nhân… phải thường xuyên sử dụng tay với các thao tác nhất định có thể gây tổn thương, viêm sưng và tạo áp lực lên dây thần kinh.

Di truyền: Sự khác biệt giữa kích thước đường hầm ống cổ tay (một số người có kích thước ống cổ tay nhỏ hơn hoặc bị thu hẹp…) dễ gây chèn ép dây thần kinh. 

Giới tính: Đây cũng là yếu tố ảnh hưởng đến tỉ lệ gặp phải hội chứng ống cổ tay. Theo thống kê, phụ nữ có nguy cơ cao hơn nam giới đến ba lần. Lý do là phụ nữ có cấu trúc đường hầm cổ tay nhỏ hơn.

Mang thai: Khi mang thai, việc thay đổi nội tiết tố có thể gây sưng viêm và chèn ép dây thần kinh gây nên hội chứng này.

Một số bệnh lý: Những người bị béo phì, tiểu đường, bệnh nhân suy thận hoặc bị rối loạn chức năng tuyến giáp, người bệnh viêm khớp dạng thấp có nguy cơ bị hội chứng đường hầm cổ tay cao hơn.

Tình trạng tổn thương cổ tay: Một số tổn thương do các bệnh lý như viêm khớp, viêm đa dây thần kinh, các chấn thương như gãy xương, sai khớp… khiến không gian ống cổ tay bị thay đổi và gây viêm.

 

2. Hội chứng ống cổ tay – Dấu hiệu nhận biết

Việc nhận biết triệu chứng bệnh rất quan trọng giúp bạn có hướng điều trị sớm và phù hợp để cải thiện và tránh những biến chứng. Dưới đây là 1 số triệu chứng đặc thù mà bạn cần lưu ý:

Cảm thấy tê tay, ngứa hoặc nóng rát, đau đớn đặc biệt là ở vùng ngón trỏ, ngón cái, ngón giữa và ngón nhẫn. Cảm giác đau, ngứa ran lan lên phía cánh tay và vùng vai.

Cử động tay bị hạn chế, yếu do tình trạng đau hoặc bị chuột rút khiến cho việc sử dụng tay trong các việc bình thường gặp khó khăn (cầm nắm, lái xe, cái cúc quần áo…) thậm chí có thể đánh rơi đồ vật do bàn tay bị mất cảm giác…

Thông thường lúc đầu các triệu chứng thường nhẹ, mơ hồ thoáng qua khiến người bệnh không chú ý. Tuy nhiên khi tình trạng nặng lên thì các triệu chứng sẽ xuất hiện thường xuyên và nghiêm trọng hơn.

 

3. Phương pháp phòng và điều trị hội chứng ống cổ tay

3. 1 Điều trị hội chứng ống cổ tay

Việc điều trị hội chứng ống cổ tay sẽ được bác sĩ dựa theo tình trạng của từng bệnh nhân. Có thể điều trị nội khoa, dùng nẹp cổ tay hoặc điều trị ngoại khoa. 

Điều trị nội khoa bằng thuốc: Phương pháp này thường được chỉ định khi bệnh nhẹ, mới ở giai đoạn đầu. Các thuốc bác sĩ có thể chỉ định như thuốc chống không steroid hoặc corticoid. Cùng với việc dùng thuốc người bệnh cũng được khuyến cáo hạn chế vận động cổ tay. 

Sử dụng nẹp chuyên biệt cho cổ tay: Việc dùng nẹp cổ tay sau 1 thời gian sẽ giúp cải thiện các triệu chứng khá tốt. Tùy theo từng trường hợp mà có thể dùng nẹp cổ tay cả ngày hoặc chỉ vào ban đêm.

Phẫu thuật: Phương pháp ngoại khoa thường áp dụng trong những trường hợp nặng có các dấu hiệu như rối loạn cảm giác, teo cơ hoặc đã sử dụng các phương pháp nội khoa nhưng không cải thiện. Có thể phẫu thuật mổ mở hay mổ nội soi, tuy nhiên hiện nay phương pháp phẫu thuật nội soi thường được ưu tiên sử dụng.

 

3. 2 Phòng ngừa hội chứng đường hầm cổ tay – những điều bạn cần lưu ý

Hội chứng đường hầm cổ tay có thể gây ra nhiều vấn đề khá nghiêm trọng ảnh hưởng đến sinh hoạt vì vậy việc phòng ngừa rất quan trọng. Dưới đây là 1 số giải pháp để phòng bệnh:

– Với những người làm việc văn phòng, phải sử dụng chuột, bàn phím nhiều, liên tục thì nên chú ý chọn thiết bị phù hợp. Tránh để cổ tay bị căng, đau trong thời gian dài. Khi làm việc lâu, hãy dành thời gian nghỉ để thư giãn cổ tay.

– Thực hiện các động tác nhẹ nhàng giúp cổ tay thoải mái, đỡ mỏi mệt. Việc xoa bóp cổ tay sau mỗi 30 phút làm việc có tác dụng khá lớn đặc biệt với những công việc đòi hỏi sự khéo léo của đôi tay. 

– Ngồi đúng tư thế tránh làm ảnh hưởng đến các dây thần kinh vùng cổ vai gáy. Điều này cũng sẽ gián tiếp ảnh hưởng đến dây thần kinh ở tay.

Trên đây là thông tin tổng quan và chi tiết về hội chứng ống cổ tay. Hy vọng với những kiến thức trên sẽ giúp bạn có phương pháp phòng ngừa đúng đắn. Hội chứng này có thể gây nhiều biến chứng. Nếu không được điều trị không chỉ ảnh hưởng tới cuộc sống mà còn có thể làm mất khả năng lao động. Vì vậy, khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường hãy sớm đi khám để được điều trị, tránh biến chứng. 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top