✴️ Hướng dẫn chăm sóc người bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút SARS-CoV-2 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (P5)

Nội dung

CHĂM SÓC NGƯỜI NHIỄM SARS-COV-2 NẶNG VÀ NGUY KỊCH

Người bệnh nhiễm SARS-CoV-2 cần lọc máu cấp cứu

Đại cương

Lọc máu cấp cứu, hay còn gọi trị liệu thay thế thận là phương pháp nhằm loại bỏ các chất thải, chất tan qua màng bán thấm. Điều này giống như việc tái tạo quá trình lọc của thận.

Lọc máu ở NB SARS-CoV-2 mục tiêu loại bỏ các độc tố kết hợp với các yếu tố chức năng gan thận.

Các kỹ thuật lọc máu ngoài cơ thể bao gồm: Lọc máu ngắt quãng, lọc máu liên tục, thay huyết tương, lọc máu hấp phụ…

Mục đích lọc máu cấp cứu:

  • Thay thế chức năng thận.
  • Cân bằng nước và điện giải, toan kiềm.
  • Làm giảm các chất độc: ure, creatinine...trong máu.

Nguyên tắc bảo đảm an toàn trong chăm sóc: phải thực hiện phòng ngừa chuẩn kết hợp với phòng ngừa qua đường tiếp xúc và đường giọt bắn trong quá trình thực hiện chăm sóc người bệnh.

Biến chứng:

Biến chứng liên quan catheter:

  • Biến chứng xuất hiện ngay lập tức: đâm trúng động mạch, thủng tĩnh mạch, hematoma, chảy máu khoang sau phúc mạc, tràn máu màng phổi, tràn khí màng phổi, thuyên tắc khí.
  • Biến chứng muộn: thuyên tắc huyết khối, nhiễm trùng, rò động tĩnh mạch.

Biến chứng nội khoa liên quan điều trị:

  • Huyết động: tụt huyết áp, rối loạn nhịp.
  • Chảy máu.
  • Rối loạn điện giải – toan kiềm.
  • Hội chứng mất quân bình.

Biến chứng liên quan kỹ thuật:

  • Thuyên tắc khí.
  • Mất máu, tán huyết.
  • Hạ thân nhiệt.
  • Đông máu màng lọc, dây lọc.
  • Tụt, xoắn dây máy và catheter.
  • Dị ứng với màng lọc.

Chăm sóc

Nhận định

Đánh giá tri giác, thể trạng, tinh thần của NB.

Dấu sinh hiệu, chú ý tình trạng hô hấp.

Đường mạch máu sử dụng trong lọc máu.

Tình trạng phù, cân nặng, lượng nước xuất nhập hằng ngày.

Tình trạng da, niêm mạc, các dấu hiệu thiếu máu, xuất huyết…

Chế độ dinh dưỡng, dịch truyền, thuốc sử dụng trong ngày.

Nguy cơ lây nhiễm: qua đường tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, từ bề mặt môi trường, thiết bị lọc máu, từ nguồn chất thải trong đó có dịch thải sau khi lọc; qua đường giọt bắn khi có tiếp xúc gần < 2 mét.

Can thiệp điều dưỡng

Trước khi lọc máu:

  • Báo và giải thích NB.
  • Đánh giá tri giác, mạch, huyết áp, nhịp thở, nhiệt độ, SpO2 của NB.
  • Thực hiện y lệnh các xét nghiệm sinh hoá, huyết học các yếu tố đông máu và các xét nghiệm khác.
  • Vệ sinh vị trí đặt catheter lọc máu.

Trong lúc lọc máu:

  • Thay dịch lọc đúng kỹ thuật.
  • Thực hiện thuốc theo y lệnh, kiểm tra liều Heparin.
  • Kiểm tra vị trí đặt catheter (tắc, tuột), màng lọc và bẫy khí (đông màng và bầu bẫy khí, vỡ màng).
  • Vệ sinh cá nhân cho NB và các y lệnh chăm sóc khác.

Kết thúc lọc máu:

  • Kiểm tra mạch, nhiệt độ, nhịp thở, huyết áp, tri giác, nước tiểu sau khi ngưng lọc máu.
  • Ghi lại các diễn biến của NB trong quá trình lọc máu.
  • Chăm sóc catheter lọc máu: giữ thông bằng Heparin, thay băng. Nếu có dấu hiệu nhiễm khuẩn (nề đỏ, có mủ) báo bác sĩ, rút và cấy đầu catheter, cấy máu.
  • Làm sạch, lau khử khuẩn bề mặt giường, thiết bị với hoá chất khử khuẩn.
  • Chất thải rắn: xử lý như chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao, được gói kín trong túi ni-lon màu vàng ngay trong buồng cách ly và dán nhãn “chất thải có nguy cơ chứa Sars-Cov-2” sau đó đặt vào túi thu gom khác ngoài buồng cách ly trước khi vận chuyển đến nơi tập trung của bệnh viện.
  • Dịch thải sau khi lọc: được xử lý chung với hệ thống nước thải y tế chung của bệnh viện. Nếu hệ thống xử lý nước thải chưa đạt tiêu chuẩn môi trường thì dịch thải phải được xử lý khử khuẩn bằng dung dịch hoá chất chứa 1,0% Clo hoạt tính trước khi thải ra môi trường. Thùng chứa dịch lọc được xử lý ngay sau mỗi ca lọc và không sử dụng tiếp cho người bệnh khác.

Đảm bảo dinh dưỡng:

  • Đánh giá tình trạng dinh dưỡng của NB.
  • Thực hiện nuôi dưỡng theo y lệnh.
  • Động viên NB ăn hết suất ăn theo chỉ định.
  • Theo dõi tình trạng dung nạp, lượng nước xuất nhập, cân nặng.

Tư vấn, giáo dục sức khỏe:

  • Động viên, giải thích NB hiểu rõ việc cần thiết của việc lọc thận để họ hiểu và an tâm tin tưởng vào kết quả điều trị.
  • Hướng dẫn việc dùng thuốc, chế độ ăn, lượng nước uống theo đúng chế độ bệnh lý.
  • Hướng dẫn cách theo dõi, chăm sóc nơi đặt catheter lọc máu để phòng tránh những biến chứng xảy ra.

Theo dõi và dự phòng các biến chứng:

  • Theo kết quả các xét nghiệm sinh hoá, huyết học các yếu tố đông máu trước và sau lọc máu.
  • Theo dõi tri giác, mạch, huyết áp, nhịp thở, nhiệt độ, SpO2 , nước xuất nhập của NB mỗi 2 giờ trong quá trình lọc máu và sau lọc máu cho đến khi ổn định.
  • Theo dõi nhằm phát hiện sớm các phản ứng dị ứng: mẩn ngứa, mề đay, khó thở, sốc phản vệ.
  • Theo dõi thông số cài đặt và báo động của máy lọc máu, hệ thống lọc và bẫy khí.
  • Theo dõi các dấu hiệu xuất huyết: da, niêm mạc, chảy máu vị trí đặt catheter.
  • Theo dõi các dấu hiệu nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn vị trí đặt catheter.

Đánh giá

Diễn biến tốt:

  • Khi tình trạng suy hô hấp, rối loạn huyết động, rối loạn điện giải, chức năng thận dần cải thiện; phù giảm; không xuất hiện các biến chứng, tai biến liên quan đến lọc máu.
  • Không lây nhiễm cho nhân viên y tế, người bệnh khác và người nhà NB.

Không cải thiện hoặc diễn biến nặng hơn:

  • Khi tình trạng suy hô hấp, rối loạn huyết động, rối loạn điện giải, chức năng thận không cải thiện hoặc có diễn biến xấu hơn; phù không giảm hoặc tăng; thiểu niệu/ vô niệu; xuất hiện các biến chứng, tai biến liên quan đến lọc máu.
  • Lây nhiễm cho nhân viên y tế, người bệnh khác và người nhà NB

Người nhiễm SARS-CoV-2 có nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng

Đại cương

Khoảng 5% NB nhiễm SARS-CoV-2 cần điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực với các biểu hiện hô hấp cấp (thở nhanh, khó thở, tím tái …), hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), sốc nhiễm trùng, suy chức năng các cơ quan bao gồm tổn thương thận và tổn thương cơ tim, dẫn đến tử vong. Những trường hợp này cần được theo dõi và xử trí kịp thời.

Nguy cơ lây nhiễm khi chăm sóc:

  • Qua đường giọt bắn
  • Qua đường tiếp xúc
  • Qua đường không khí

Nguyên tắc đảm bảo an toàn trong chăm sóc: Điều dưỡng phải thực hiện phòng ngừa chuẩn kết hợp với phòng ngừa qua đường tiếp xúc, đường giọt bắn và đường không khí trong quá trình thực hiện chăm sóc người bệnh.

Chăm sóc

Nhận định

Hỏi: Nhanh chóng nhận định, đánh giá NB: ý thức, dấu hiệu sinh tồn. Tìm các dấu hiệu nặng của sốc, sơ bộ định hướng của sốc và nguyên nhân.

Thảo luận nhanh với bác sỹ để nắm rõ hơn về tình trạng hiện tại và xu hướng diễn biến của NB.

Giải thích cho NB nếu NB còn tỉnh, cho người nhà nếu NB hôn mê về tình trạng bệnh.

Thăm khám thể chất: xác định mức độ bệnh và các biểu hiện lâm sàng

  • Nhiễm trùng huyết (sepsis): Ngủ gà, lơ mơ, hôn mê; Khó thở? Hoặc thở nhanh, độ bão hòa ô xy thấp; Nhịp tim nhanh, mạch bắt yếu, chi lạnh, hoặc hạ huyết áp, da nổi vân tím; Thiểu niệu hoặc vô niệu; Xét nghiệm có rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu, nhiễm toan, tăng lactat, tăng bilirubin…
  • Sốc nhiễm trùng: Huyết áp tụt? Huyết áp kẹt? Hoặc huyết áp dao  động, trường hơp sốc nặng huyết áp không đo được; Nhiệt độ hạ 36 độ hoặc <=35 độ; Thở nhanh, khó thở, tím tái? Suy hô hấp? Biểu hiện suy tuần hoàn, rối loạn nước  và điện giải? Mạch nhanh, nhỏ, khó bắt, Da nổi vân tím, hạ thân nhiệt, chi lạnh? Tiểu ít (nước tiểu < 30ml/giờ) hoặc vô niệu (nước tiểu <10ml/giờ); Giai  đoạn muộn rối loạn nhịp tim, có thể ngừng tim, huyết áp hạ và không đo được; Ý thức của NB: lơ mơ, mệt lả; hoảng hốt, kích thích, vật vã, tình trạng nặng có thể hôn mê.

Nguy cơ lây nhiễm:

  • Qua đường tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, từ bề mặt môi trường, thiết bị y tế và chăm sóc (máy thở, monitor, pulse Oxymeter…), từ nguồn chất thải; qua đường giọt bắn khi có tiếp xúc gần <2 mét; qua đường không khí khi thực hiện các thủ thuật có tạo khí dung trên người bệnh (hút đàm hở, thông khí không xâm lấn…).

Can thiệp điều dưỡng

Kiểm soát, duy trì đường thở đảm bảo thông khí cho NB:

  • Đặt NB ở tư thế đầu thấp nếu còn tụt huyết áp, nghiêng mặt sang bên tránh trào ngược. Cho NB thở oxy 4-6 lít/phút, hoặc thở oxy qua mặt nạ theo chỉ định.
  • Đặt cannula Mayo tránh tụt lưỡi; Hút đờm dãi họng miệng.
  • Bóp bóng Ambu qua mặt nạ nếu có cơn ngừng thở hoặc thở yếu.
  • Chuẩn bị dụng cụ, máy thở phụ giúp bác sỹ đặt NKQ, thở máy khi có chỉ định.
  • Theo dõi sát nhịp thở, kiểu thở, SpO2 15 - 30 phút/lần khi đang suy hô hấp.
  • Theo dõi NB thở máy, Theo dõi NB đáp ứng máy thở, theo dõi máy thở hoạt động máy thở.
  • Thực hiện hút đờm kín đối với người bệnh thở máy (tránh nguy cơ lây nhiễm qua đường không khí) và quan sát số lượng, màu sắc, tính chất đờm.

Bồi phụ khối lượng tuần hoàn:

  • Đặt ngay đường truyền tĩnh mạch ngoại vi, thực hiện truyền nhanh dịch theo chỉ định: Truyền dịch, truyền máu hoặc các thuốc vận mạch theo chỉ định.
  • Chuẩn bị dụng cụ và phụ giúp bác sỹ đặt catheter tĩnh mạch trung tâm
  • Chuẩn bị máy truyền dịch, bơm tiêm điện, dịch truyền và các thuốc vận mạch theo đúng y lệnh.
  • Lắp máy monitor theo dõi; Giữ ấm cho NB trong trường hợp hạ thân nhiệt.
  • Theo dõi sát tình trạng huyết động của NB như mạch, huyết áp, nhiệt độ 15 - 30 phút/lần; theo dõi thời gian đổ đầy mao mạch.
  • Theo dõi lượng nước tiểu 1 giờ/lần: Đo Áp lực tĩnh mạch trung tâm (CVP).
  • Thông báo ngay với bác sỹ các thông số bất thường để điều chỉnh thuốc vận mạch, tốc độ truyền dịch….

Theo dõi tình trạng nước và điện giải:

  • Đánh giá các dấu hiệu thừa thể tích nước như: phù kết mạc, phù toàn thân, phù phổi cấp. Áp lực tĩnh mạch trung tâm (CVP) cao >15 cm H2O.
  • Hoặc dấu hiệu thiếu thể tích nước: da khô nhăn nheo, môi, miệng khô, lưỡi khô, CVP<2 cm H2O.
  • Lấy máu xét nghiệm làm điện giải đồ; Làm xét nghiệm khí máu động mạch.
  • Thực hiện điều chỉnh rối loạn kiềm toan theo chỉ định.
  • Theo dõi cân nặng, cân bằng lượng dịch vào (truyền dịch, truyền máu, uống nước, ăn), lượng dịch ra (lượng nước tiểu, dịch nôn…); Theo dõi chỉ số CVP, ĐGĐ.

Thực hiện y lệnh thuốc và xét nghiệm đầy đủ, kịp thời

  • Chống sốc: truyền dịch hoặc dung dịch keo khoảng 500 ml trong vòng 30 phút - 1 giờ đầu để bồi hoàn khối lượng tuần hoàn theo chỉ định. Đánh giá lâm sàng và điều chỉnh. Thực hiện thuốc vận mạch theo chỉ định: sử dụng bơm tiêm điện, máy truyền dịch đảm bảo tốc độ truyền: Dopamin, Noradrenalin…Truyền máu, chế phẩm của máu, thực hiện đúng quy định về an toàn truyền máu.
  • Thực hiện kháng sinh: Lấy bệnh phẩm xét nghiệm tìm vi khuẩn gây bội nhiễm trước khi sử dụng kháng sinh. Thực hiện thuốc điều trị theo chỉ định.
  • Lấy bệnh phẩm: xét nghiệm cơ bản. Kiểm soát đường máu. Thực hiện các xét nghiệm X - quang phổi, siêu âm bụng, siêu âm tim.
  • Lấy xét nghiệm bệnh phẩm hô hấp (phết họng mũi, phết họng miệng, đờm, dịch hút phế quản, dịch rửa phế quản) để tìm vi rút SARS-CoV-2.

Đảm bảo dinh dưỡng và vệ sinh cá nhân cho NB:

  • Dinh dưỡng: Cho NB ăn thức ăn lỏng, đảm bảo đủ calo giàu protein; Nuôi dưỡng qua sonde dạ dày hoặc bằng đường tĩnh mạch đối với trường hợp hôn mê, không tự ăn được.
  • Vệ sinh cá nhân: Vệ sinh răng miệng 2-3 lần/ngày hoặc sau mỗi bữa ăn.
  • Rửa mắt, tra thuốc mắt hàng ngày. Đối với NB hôn mê dùng gạc vô khuẩn  che mắt tránh khô giác mạc.
  • Vệ sinh thân thể, vệ sinh bộ phận sinh dục, hậu môn bằng nước ấm hàng ngày, đảm bảo NB luôn sạch sẽ, phải giữ ấm cho NB sốc nếu mùa lạnh (dùng lò sưởi, không dùng điều hòa). Thay ga, quần áo hàng ngày cho NB (lưu ý nghiêng phải nghiêng trái NB nhẹ nhàng, không nâng đầu NB …). Cho NB nằm đệm nước, hoặc đệm hơi phòng chống loét, thay đổi tư thế 2-3 giờ/lần. Nếu NB đại tiểu tiện không tự chủ cần có biện pháp kiểm soát phân, nước tiểu của NB.
  • Vỗ rung lồng ngực (thực hiện khi qua giai đoạn sốc); Vận động tay chân nhẹ nhàng.

Hướng dẫn, tư vấn, giáo dục sức khỏe cho NB:

  • Nếu NB tỉnh, thường xuyên phải trao đổi an ủi, động viên NB yên tâm điều trị. Luôn có mặt cạnh giường NB để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của NB, giúp NB an tâm về tinh thần, hợp tác điều trị tốt.
  • Giải thích cho người nhà NB về tình trạng bệnh của NB, xu hướng tiến triển và các tình huống xấu có thể xảy ra.
  • Giải thích cho người nhà biết nguy cơ lây nhiễm của bệnh để phòng tránh (không để người nhà cùng chăm sóc NB do không có chuyên môn truyền nhiễm).

Theo dõi và dự phòng các biến chứng:

  • Hô hấp: Theo dõi tình trạng hô hấp (SpO2, khí máu, ...), theo dõi đáp ứng máy thở, …
  • Suy thận: Theo dõi lượng nước tiểu theo giờ, chỉ số urê, creatinine, điện giải đồ…. Chuẩn bị máy lọc máu liên tục và phụ giúp bác sỹ lọc máu cho NB.
  • Tim mạch: Lắp Monitor theo dõi nhịp tim, mạch, huyết áp sự đáp ứng của thuốc vận mạch. Theo dõi huyết áp động mạch liên tục…Theo dõi tình trạng viêm nội tâm mạc, viêm màng tim, rối loạn nhịp tim.
  • Xuất huyết rối loạn đông máu:
  • Tình trạng xuất huyết: biểu hiện trên da tím, hoại tử từng mảng
  • Xuất huyết tiêu hóa (nôn ra máu, đi ngoài ra máu)
  • Theo dõi các chỉ số xét nghiệm yếu tố đông máu: tỷ lệ prothombin, D- dimer, Hb, hồng cầu, tiểu cầu…; Theo dõi thời gian đổ đầy mao mạch nếu kéo dài >2 giây.

Đánh giá:

  • Đánh giá là chăm sóc tốt khi:
  • NB tỉnh táo, dễ chịu, thân nhiệt ổn định từ 36,5 - 37 độ.
  • Huyết áp trong giới hạn bình thường, thời gian đổ đầy mao mạch < 2 giây.
  • Nước tiểu trên 100ml/giờ.
  • Hô hấp: dễ thở, SpO2 trên 94%.

Người bệnh SARS-CoV-2 có hỗ trợ ECMO

Đại cương

Trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể (Extracoporeal Membrane Oxygenation ECMO hay Oxy hóa máu ngoài cơ thể) là kỹ thuật hồi sức áp dụng điều trị thay thế chức năng phổi và/hoặc chức năng tim trong những trường hợp tổn thương phổi nặng và/hoặc tổn thương tim có khả năng hồi phục, không đáp ứng với các biện pháp điều trị thường quy. Nguyên lý ECMO là sử dụng một bơm bên ngoài (loại bơm ly tâm hoặc loại bơm con lăn đặt bên ngoài cơ thể) để bơm máu tĩnh mạch (chưa được oxy hóa) của bệnh nhân qua một màng phổi nhân tạo (oxygenator) để giúp cung cấp O2 đồng thời đào thải CO2, sau đó bơm máu giàu oxy trở lại hệ tuần hoàn của người bệnh.

Có 2 loại ECMO chính:

  • ECMO kiểu tĩnh mạch - động mạch (VA - ECMO) có tác dụng hỗ trợ thay thế tim duy trì huyết động, vừa có tác dụng hỗ trợ thay thế chức năng phổi trao đổi khí và còn được gọi là hệ thống tim phổi nhân tạo tại giường.
  • ECMO kiểu tĩnh mạch - tĩnh mạch (VV – ECMO) có tác dụng hỗ trợ thay thế chức năng phổi hay còn được gọi là hệ thống phổi nhân tạo.

Mục đích của ECMO:

  • Đảm bảo cho cơ thể NB có đủ Oxy.
  • ECMO không chữa lành bệnh tim hoặc phổi nhưng giúp NB vượt qua nguy kịch, kết hợp chữa trị nguyên nhân chờ thời gian hồi phục.
  • Có thể giảm bớt được các loại thuốc hỗ trợ tim.
  • Có thể giảm bớt hỗ trợ máy thở để giảm nguy cơ tổn thương phổi do thở máy.

Biến chứng ECMO

  • Biến chứng chảy máu do dùng chống đông liên tục và do giảm tiểu cầu.
  • Tắc mạch phổi: có thể xảy ra do cục máu đông tạo ra trong hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể đi vào cơ thể và gây ra tắc mạch phổi.
  • Rối loạn tăng đông hình thành cục máu đông.
  • Biến chứng liên quan đến catheter.
  • Nhiễm trùng.
  • Đột quỵ (Stroke).
  • Sự cố của thiết bị ECMO.

Nguy cơ lây nhiễm khi chăm sóc:

  • Qua đường giọt bắn
  • Qua đường tiếp xúc

Đảm bảo an toàn trong chăm sóc: Điều dưỡng phải thực hiện phòng ngừa chuẩn kết hợp với phòng ngừa qua đường tiếp xúc và đường giọt bắn trong quá trình thực hiện chăm sóc người bệnh.

Chăm sóc người bệnh có hỗ trợ ECMO

Nhận định:

Toàn trạng: tỉnh táo, tiếp xúc, tình trạng da, niêm mạc, thân nhiệt?

Tình trạng hô hấp:

  • Nhịp thở, kiểu thở.
  • Độ bão hòa ôxy (SpO2).
  • Ho, đờm.

Tuần hoàn: nhịp tim, huyết áp, nhiệt độ, thuốc co bóp cơ tim, tưới máu ngoại vi (mạch mu chân, đầu chi).

Các triệu chứng cơ quan khác: tiết niệu (số lượng, màu sắc nước tiểu), tiêu hóa (tình trạng bụng, phân, dịch dạ dày), da (các vùng tì đè đè).

Tình trạng chân catheter/cannula, hệ thống máy ECMO.

Nguy cơ lây nhiễm: qua đường tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, từ bề mặt môi trường, thiết bị ECMO, máy thở, từ nguồn chất thải; qua đường giọt bắn khi có tiếp xúc gần < 2 mét.

Can thiệp điều dưỡng:

Chăm sóc ống thông tĩnh mạch của NB có hỗ trợ ECMO:

  • Quan sát và đánh giá vị trí cố định của của ống thông có tuột (vào trong, ra ngoài), viêm (đỏ, phù, …).
  • Chuẩn bị sẵn phương tiện cấp cứu (kẹp ống, tay quay, hệ thống cung cấp oxy).
  • Đảm bảo an toàn tránh tụt canula.
  • Thay băng xung quanh cannula thận trọng, bảo đảm nguyên tắc vô khuẩn, kiểm soát và quan sát chân canula (có thể chảy máu).
  • Thay băng chêm lót tránh loét tì do thiết bị y tế.
  • Theo dõi các chi ấm không, màu sắc chi, cử động của các chi.
  • Theo dõi nhịp tim.
  • Theo dõi hệ thống dây dẫn, màng lọc.

Đảm bảo hô hấp:

  • Theo dõi nhịp thở, SpO2.
  • Quan sát thêm các cơ hô hấp, cử động của mũi, cứ sau 1-2 giờ kiểm tra tắc nghẽn đường thở.
  • Kiểm tra màu sắc da (triệu chứng này có thể không đáng tin cậy ở NB hạ thân nhiệt).
  • Kiểm tra các thông số khí máu động mạch 2h/lần (khí máu trước và sau màng ECMO, khí máu người bệnh)
  • Theo dõi đáp ứng tác dụng thuốc an thần và gây mê trên chức năng hô hấp.
  • Theo dõi các rối loạn như lo lắng, kích động, mất ngủ của NB.
  • Theo dõi sự đáp ứng của NB với thở máy.
  • Thực hiện hút đờm kín đối với người bệnh thở máy (tránh nguy cơ lây nhiễm qua đường không khí) và quan sát số lượng, màu sắc, tính chất đờm.
  • Theo dõi sự bão hòa oxy máu động mạch và ngoại biên (SpO2).
  • Kiểm tra áp lực cuff trong ống.
  • Vệ sinh miệng đúng cách hàng ngày cho NB nguy cơ chảy máu

Theo dõi và dự phòng các biến chứng, nguy cơ lây nhiễm:

Theo dõi vận hành thiết bị ECMO (có khí trong máy, cục máu đông…) bao gồm hỗ trợ tưới máu, kiểm soát các thông số huyết động và các thông số quan trọng của NB, theo dõi các thông số hô hấp và ghi vào phiếu theo dõi.

  • Xuất huyết:
    • Theo dõi băng vết thương (chân canula), khối máu tụ quanh vị trí canula.
    • Theo dõi kết quả xét nghiệm đông máu, báo cáo kịp thời.
    • Theo dõi chảy máu qua nước tiểu, phân, chất nôn, chảy máu mũi, động kinh, tiêu chảy hoặc vết bầm bệnh lý trên da.
    • Theo dõi tình trạng xuất huyết não (tri giác, sinh hiệu, đồng tử, yếu liệt…).
  • Nhiễm trùng:
    • Quan sát các dấu hiệu như đỏ da, nóng, tăng nhiệt độ cơ thể
    • Theo dõi kết quả x é t nghiệm máu (bạch cầu,  nồng  độ protein,  nồng  độ albumin, kết quả nuôi cấy, CRP..).
    • Đánh giá số lượng ,màu sắc và tính chất của dịch tiết đường hô hấp.
    • Đảm bảo vô trùng khi thực hiện thủ thuật/ phẫu thuật cho NB.
  • Loét tỳ:
    • Đánh giá nguy cơ loét, sử dụng thiết bị phòng ngừa (đệm nước, đệm hơi).
    • Thay đổi tư thế NB 2 giờ/lần, chú ý vị trí ống thông cho liệu pháp ECMO.
    • Chăm sóc da đúng cách, giữ ẩm da thường xuyên, giữ cho da sạch sau mỗi lần đại tiểu tiện.
  • Nguy cơ lây nhiễm:
    • Làm sạch, lau khử khuẩn bề mặt giường, thiết bị với hoá chất khử khuẩn được Bộ Y tế cấp phép.
    • Chất thải rắn: xử lý như chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao, được gói kín trong túi ni-lon màu vàng ngay trong buồng cách ly và dán nhãn “chất thải có nguy cơ chứa –SARS-CoV-2” sau đó đặt vào túi thu gom khác ngoài buồng cách ly trước khi vận chuyển đến nơi tập trung của bệnh viện.

Đảm bảo dinh dưỡng:

  • Đặt sonde dạ dày, luôn kiểm tra vị trí sonde dạ dày, ghi lại số lượng ăn và dịch tồn dư (nếu có).
  • Nuôi dưỡng đường tĩnh mạch với số lượng và thành phần phù hợp để cung cấp đủ nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày.

Chăm sóc tinh thần, vệ sinh cá nhân, giáo dục sức khỏe:

  • Giải thích, trấn an người bệnh.Thực hiện chăm sóc toàn diện: vệ sinh toàn thân, chăm sóc răng miệng - ngăn ngừa phổi viêm bệnh viện, giữ ẩm cho da NB, thay khăn trải giường hàng ngày, phòng chống loét giường bằng cách sử dụng đệm.
  • Thông báo, giải thích cho NB trước khi cung cấp các dịch vụ chăm sóc.
  • Thực hiện giao tiếp phi ngôn ngữ: giải thích cho NB tại sao NB không thể nói chuyện, sử dụng các hình thức viết giao tiếp trên giấy, bút, … và giải thích các quy trình chăm sóc.

Đánh giá:

Diễn biến tốt

  • Chức năng sống ổn định.
  • Chức năng phổi cải thiện, cai thở máy, đánh giá cai ECMO (lưu lượng máu ECMO giảm dần, giảm dần lưu lượng khí vào màng ECMO đến 0,…) và rút cannula ECMO.
  • Cải thiện chức năng tim: cai VA ECMO, rút cannula ECMO

Không cải thiện hoặc diễn biến nặng hơn:

  • Tình trạng toàn thân NB xấu đi, NB suy hô hấp nặng, chức năng tim phổi không cải thiện, chạy ECMO không hiệu quả.

 

Xem tiếp: Hướng dẫn chăm sóc người bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút SARS-CoV-2 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (P6)

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

return to top