1. Phẫu thuật cắt bỏ tuyến thượng thận
Tuyến thượng thận là một tuyến nội tiết nhỏ nằm trên 2 quả thận. Cơ quan này có chức năng sản xuất ra các loại hormon để điều chỉnh hoạt động trao đổi chất, miễn dịch, kiểm soát đường trong máu và huyết áp trong cơ thể.
Phẫu thuật cắt bỏ tuyến thượng thận được tiến hành khi tuyến thượng thận có các khối u lành tính hoặc ác tính.
Vị trí tuyến thượng thận
Phần lớn khối u hình thành trên tuyến thượng thận không phải là u ác tính. Bệnh nhân có thể được chỉ định phẫu thuật để cắt bỏ tuyến thượng thận trong trường hợp khối u đó sản sinh dư thừa kích thích tố hoặc khối u có kích thước lớn (trên 4 - 5cm). Tuy nhiên cũng có những ca bị u ác tính, khối u di căn tới các cơ quan khác hoặc nghi ngờ là ung thư cũng cần phải thực hiện loại bỏ tuyến thượng thận.
2. Cắt bỏ tuyến thượng thận gây hậu quả gì?
Trước khi thực hiện phẫu thuật loại bỏ tuyến thượng thận, người bệnh cần lưu ý rằng, không phải tất cả mọi người đều có thể thực hiện thủ thuật này bởi vì những người bị rối loạn đông máu thì sẽ không phẫu thuật được.
Bên cạnh đó, trước khi quyết định cắt tuyến thượng thận thì cần phải xác định được tình trạng chức năng tuyến thượng thận để tránh tình trạng tăng huyết áp kịch phát trong quá trình phẫu thuật. Những chống chỉ định khác còn tùy thuộc vào các bệnh lý đi kèm, đồng thời cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro của phẫu thuật loại bỏ tuyến thượng thận đối với tuổi thọ cũng như chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Cắt tuyến thượng thận gây hậu quả gì?
Dưới đây là những biến chứng tiềm ẩn sau khi phẫu thuật cắt tuyến thượng thận:
Nhiễm trùng;
Chảy máu;
Huyết áp cao;
Hình thành các cục máu đông;
Tổn thương sang các cơ quan khác;
Các biến chứng liên quan tới thủ thuật gây mê;
Một số vấn đề về chăm sóc vết thương hậu phẫu.
Trong đó, tác dụng phụ hay gặp nhất sau bất kỳ ca phẫu thuật nào đó là cảm giác đau và điều này có thể dùng thuốc để kiểm soát cơn đau.
3. Tìm hiểu về quy trình thực hiện phẫu thuật cắt tuyến thượng thận
Công tác chuẩn bị cho ca phẫu thuật:
Đây có thể coi là một cuộc đại phẫu nên yếu tố gây mê đóng vai trò quan trọng. Thủ thuật này có thể sẽ khiến bệnh nhân có cảm giác buồn nôn. Vì vậy bệnh nhân thường được yêu cầu không ăn uống gì sau nửa đêm trước ngày thực hiện phẫu thuật. Bằng cách này nếu bệnh nhân buồn nôn sau khi gây mê thì sẽ không bị nôn thức ăn ra ngoài.
Cắt bỏ tuyến thượng thận gây hậu quả gì là nỗi lo lắng của rất nhiều người
Quá trình thực hiện phẫu thuật:
Một ca phẫu thuật cắt tuyến thượng thận thường kéo dài từ 3 - 5 giờ nếu chưa tính thời gian chờ cho thuốc mê có tác dụng.
Có 2 loại hình phẫu thuật đó là mổ mở và phẫu thuật nội soi để cắt tuyến thượng thận. Trong đó phẫu thuật nội soi có ưu điểm là giảm nguy cơ biến chứng nhiễm trùng và thời gian hồi phục sẽ nhanh chóng hơn. Dưới đây là thông tin chi tiết về 2 phương pháp phẫu thuật này:
Phẫu thuật mở: Nếu khối u hoặc các tuyến thượng thận có kích thước lớn thì bác sĩ có thể chỉ định dùng phương pháp phẫu thuật mở. Bác sĩ sẽ rạch một đường lớn ở dưới xương sườn hoặc là rạch 2 bên cơ thể. Những vết mổ này sẽ giúp bác sĩ tiếp cận được dễ dàng hơn tới các tuyến và mạch máu nối với chúng.
Bác sĩ sẽ ngắt kết nối giữa tuyến thượng thận với các mô cùng các mạch máu bao xung quanh. Họ sẽ ngăn chặn sự chảy máu ồ ạt và gắp bỏ tuyến thượng thận ra khỏi cơ thể. Trước khi đóng vết mổ lại thì khoang bụng của bệnh nhân sẽ được rửa sạch bằng dung dịch nước muối sát khuẩn rồi sau đó dùng chỉ y tế khâu vết mổ lại.
Phẫu thuật nội soi: đây là phương pháp được áp dụng phổ biến hơn so với phẫu thuật mở nhờ ưu điểm vượt trội như đã đề cập ở trên và tỷ lệ thành công thường cao. Đối với phương pháp phẫu thuật nội soi, bác sĩ sẽ tiến hành rạch một số vết nhỏ ở gần rốn và ở bụng để tiếp cận với tuyến thượng thận.
Một máy quay nhỏ sẽ được đưa vào để soi khoang bụng đã được bơm khí cho dễ quan sát, hình ảnh sau đó được hiển thị trên màn hình. Tương tự như mổ mở, bác sĩ cần ngắt kết nối giữa tuyến thượng thận và các mạch máu rồi sau đó tuyến thượng thận được loại bỏ.
4. Những lưu ý sau khi thực hiện phẫu thuật là gì?
Sau khi hoàn thành ca phẫu thuật, người bệnh cần được nghỉ ngơi và theo dõi trong phòng hồi sức. Khi thuốc gây mê đã hết, bệnh nhân tỉnh lại thì được nghỉ ngơi tại phòng bệnh.
Đối với những trường hợp thực hiện phẫu thuật mở, bệnh nhân cần lưu lại viện để theo dõi trong vòng 4 - 5 ngày. Còn đối với những người mổ nội soi thì thời gian ở lại viện sẽ ngắn hơn (từ 2 - 3 ngày). Vết rạch sẽ khiến bệnh nhân cảm thấy đau và đối với những ca phẫu thuật nội soi, bệnh nhân cũng có thể bị đầy hơi hoặc bị co thắt do vẫn còn khí trong bụng.
Người bệnh sau khi trải qua phẫu thuật cần được nghỉ ngơi và chăm sóc vết mổ đúng cách
Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân cần nghỉ ngơi theo hướng dẫn của bác sĩ và tái khám đúng hẹn. Nếu gặp các dấu hiệu bất thường thì bệnh nhân cần thông báo với bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân và xử lý kịp thời khi xảy ra biến chứng.
Nhìn chung, phẫu thuật tuyến thượng thận nếu không gặp biến chứng và chăm sóc tốt vết mổ thì bệnh nhân có thể mau chóng trở lại làm việc hoặc đi học khi đã sẵn sàng. Cần lưu ý là phải tránh mang vác các vật nặng ít nhất là trong vòng từ 6 - 8 tuần sau phẫu thuật. Bên cạnh đó, vì tuyến thượng thận đã bị cắt bỏ nên người bệnh cần phải bổ sung thêm thuốc và sản phẩm bổ trợ để thay cơ quan này sản xuất ra các kích thích tố cần thiết phục vụ các nhu cầu của cơ thể.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh