✴️ Thay băng các vết loét hoại tử rộng sau tai biến mạch máu não

Nội dung

ĐẠI CƯƠNG 

Loét hoại tử rộng là một loại tổn thương thường gặp ở người bệnh tai biến mạch máu não do hậu quả của quá trình bị tỳ đè kéo dài gây thiếu máu nuôi tổ chức làm chết tế bào gây hoại tử da và tổ chức giữa vùng xương với vật có nền cứng. Loét hay gặp tại những vị trí nơi cơ thể tiếp xúc liên tục với giường, đệm khi nằm như hai gót chân, vùng cùng cụt, bả vai, phần đỉnh chẩm. Là một tổn thương có thể dự phòng và điều trị được. Tuy nhiên, để cho một vết loét lành hoàn toàn và duy trì bền lâu thì cần có chế độ chăm sóc tích cực và phù hợp.

 

CHỈ ĐỊNH

Tất cả người bệnh có loét.

 

CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Không có chống chỉ định tuyệt đối.

 

CHUẨN BỊ 

Người thực hiện

01 bác sĩ, 01 điều dưỡng. 

Phương tiện, dụng cụ, thuốc

Dụng cụ vô khuẩn

Gói chăm sóc (kẹp phẫu tích, kẹp Kose, kéo, bát kền, gạc củ ấu, gạc miếng), ống cắm kẹp, dao mổ, găng vô khuẩn.

Dụng cụ khác

Găng sạch, khay hạt đậu hoặc túi nilon, khay chữ nhật, băng dính, kéo cắt băng dính, tấm nilon (tấm lót), chậu đựng dung dịch khử khuẩn.

Thuốc, các dung dịch

Betadine 10%, Natriclorua 0,9%, oxy già, thuốc điều trị (nếu có), Sanyrène, dung dịch sát khuẩn tay nhanh.

Urgosorb hoặc đường ưu trương... (theo chỉ định).

Người bệnh

Kiểm tra, thông báo, giải thích cho người bệnh biết công việc mình sắp tiến hành để người bệnh yên tâm và phối hợp (nếu người bệnh tỉnh).

Hồ sơ bệnh án

Có kèm theo phiếu theo dõi và chăm sóc người bệnh.

 

CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

Kiểm tra hồ sơ

Kiểm tra người bệnh

Đối chiếu với hồ sơ bệnh án.

Thực hiện kỹ thuật

Điều dưỡng rửa tay, đội mũ, đeo khẩu trang

Đưa dụng cụ đến bên giường người bệnh

Đặt người bệnh ở tư thế thích hợp. Động viên người bệnh.

Trải nilon (tấm lót) dưới vết loét, đặt khay hạt đậu hoặc túi nilon nơi thích hợp

Tháo bỏ băng cũ bằng găng sạch hoặc kẹp. Nếu dịch, máu thấm vào gạc gây khó bóc thì dùng dung dịch nước muối sinh lý tưới ẩm gạc.

Quan sát, đánh giá tình trạng vết loét, mức độ loét

Điều dưỡng sát khuẩn tay, mở gói chăm sóc, rót dung dịch vào bát kền, đi găng vô khuẩn

Dùng kẹp rửa vết loét bằng nước muối sinh lý (ôxy già nếu cần) từ trên xuống dưới, nếu:

Vết loét sạch: rửa từ mép vết loét (bên xa trước, bên gần sau)  vết loét  rộng ra xung quanh.

Với vết loét có nhiễm khuẩn: dùng gạc củ ấu thấm oxy già để rửa vết loét từ trong ra ngoài, thấm khô vết loét, cắt lọc tổ chức hoại tử theo chỉ định (lưu ý: xác định giới hạn của khoang tổn thương để loại bỏ tổ chức hoại tử đến tận ranh giới tổ chức lành), rửa lại vết loét bằng nước muối sinh lý, thấm khô vết loét theo kỹ thuật như trên. 

Sát khuẩn rộng xung quanh vết loét bằng betadine

Đắp thuốc (nếu có chỉ định)/hoặc Urgosorb/hoặc đường ưu trương vào ổ loét đã được cắt lọc để thấm hút dịch

Đặt gạc vô khuẩn che kín vết loét, băng kín bằng băng dính (tốt nhất là dùng băng dính băng kín bốn mép gạc che vết loét

Xịt Sanyrène vào vùng xung quanh vết loét, xoa bóp để kích thích tuần hoàn

Thu dọn tấm lót, thay ga trải giường cho người bệnh nếu ướt

Giúp người bệnh về tư thế thoải mái, dặn người bệnh những điều cần thiết

Thu dọn dụng cụ, rửa tay

Ghi phiếu theo dõi và chăm sóc

Ngày giờ thay băng, tình trạng vết loét và cách xử trí.

 

THEO DÕI 

Theo dõi diễn biến của người bệnh trong và sau khi thay băng, chú ý các dấu hiệu đau, chảy máu.

Kiểm tra, đánh giá tình trạng vết loét hàng ngày và sau mỗi lần thay băng.

 

TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ

Tai biến

Cắt vào vùng tổ chức lành gây chảy máu.

Xử trí

Cầm máu bằng cách ấn giữ gạc vào chỗ chảy máu trong 3-5 phút.

Báo bác sĩ để có hướng xử trí phù hợp.

Ghi chú:

Trong trường hợp loét sâu và gây viêm xương cần cắt bỏ phần xương nhô thì sẽ do bác sĩ thực hiện.

Cần cân nhắc khi dùng oxy già để rửa vết loét (chỉ sử dụng khi thực sự cần thiết).

Đối với chỉ định cắt lọc chỉ thực hiện khi thực sự cần thiết.

Không cắt lọc với những vết thương sạch/có nguy cơ nhiễm khuẩn mô tế bào.

Nếu vết loét ở vùng cùng cụt khi người bệnh đại, tiểu tiện cần vệ sinh cẩn thận, tránh để nước tiểu và phân dính vào. Nếu dính phải thay băng ngay.

Luôn giữ cho người bệnh được sạch sẽ và khô ráo.

Thay đổi tư thế cho người bệnh 2 giờ/1 lần, tránh tỳ đè vào vết loét.          

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Dự phòng, chăm sóc và điều trị mảng mục”. Hướng dẫn quy trình chăm sóc người bệnh, tập II, trang 36 - 38. Nhà xuất bản Y học 2004.

Prevention of pressure ulcers”. Stroke Northumbria: Stroke care guideProfessional version, p 75-79. May 2003.

Jane Bridel - Nixon (1009). “Pressure sores”. Nursing Managment of Chronic Wounds – Second Edition, p 153-172. 1998

Mills, Elizabeth Jacqueline (2004). “Skin Care: Pressure Ulcers”. Nursing Procedures, 4th Edition, p 666 - 673.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top