“Kẻ chủ mưu” của bệnh loãng xương

Nếu bạn trên 50 tuổi, bạn cảm thấy đau lưng âm ỉ thì bạn cần đi khám và chẩn đoán bệnh loãng xương càng sớm càng tốt. Bởi rất có thể loãng xương đã gõ cửa hỏi thăm bạn.

Tại sao lại bị loãng xương?

Loãng xương là tình trạng các xương trong cơ thể bị mất canxi và xương trở nên giòn, ít đặc hơn. Kết quả là chỉ cần một chấn thương nhẹ các xương cũng dễ bị gãy. Tại sao lại như vậy?

Quan điểm phổ biến nhất cho rằng, loãng xương phát triển ở những người nhận được ít canxi từ thức ăn. Nhưng thực ra vấn đề không hoàn toàn như vậy. Người ta nhận thấy có một số ít người bị loãng xương do ăn ít canxi. Nhưng có một số người khá kỳ lạ là vẫn ăn đủ canxi theo khuyến cáo nhưng loãng xương vẫn kéo đến.

Nguyên nhân là do cơ thể có thể nhận đủ lượng canxi hàng ngày nhưng xương vẫn không nhận được chút nào. Đó là do sự rối loạn trao đổi canxi, canxi bị thải ra quá nhiều trong khi đó vào xương lại rất ít. Khi đó, xương bị loãng. Người ta gọi quá trình này là quá trình canxi “bị rửa sạch” khỏi xương.

 

“Kẻ chủ mưu” của bệnh loãng xương

Loãng xương có thể bị gây ra bởi một vài nguyên nhân chính như sau:

Giới tính và thể trạng: Giới tính quyết định đến nguy cơ loãng xương của bạn. Độ đặc của xương phụ thuộc vào số lượng của một vài hormon nhất định trong cơ thể, đầu tiên là hormon sinh dục. Trong cơ thể nam giới lượng testosteron nhiều hơn so với nữ giới, vì vậy xương của nam giới dày và chắc hơn. Chính vì vậy nam giới ít mắc bệnh loãng xương hơn nhiều.

Thêm vào đó, sự rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, sự giảm và mất chu kỳ kinh nguyệt trong độ tuổi mãn kinh đã khiến lượng hormon sinh dục trong cơ thể nữ giới giảm, do đó bệnh loãng xương bắt đầu tiến triển khá nhanh. Đến lúc xuất hiện thời kỳ mãn kinh thì phân nửa số phụ nữ bị mất 1-2% trọng lượng xương mỗi năm.

Tiếp đến là thể trạng. Thể trạng con người phụ thuộc nhiều vào nền tảng hormon và mức độ trao đổi chất. Những người cao và gầy thì xương mỏng có nguy cơ cao mắc bệnh loãng xương hơn những người có thể trạng vạm vỡ và chiều cao vừa phải.

Lối sống ít vận động: Nếu con người lười vận động, trong quãng thời gian này xương mất 50% độ đặc. Vận động - là yếu tố xác định độ cứng của xương. Chính vì hoạt động thể lực không đủ trong thời đại của chúng ta mà các dấu hiệu của bệnh loãng xương có thể thấy ở con người nhiều hơn.

Các bệnh mạn tính: Các bệnh thúc đẩy phát triển loãng xương có thể kể ra đó là tiểu đường, các bệnh tuyến giáp và cận giáp, suy thận và gan mạn tính, hội chứng rối loạn hấp thụ trong ruột... Nguy cơ cao phát triển loãng xương xuất hiện ở các bệnh nhân mắc các bệnh hen phế quản và viêm khớp dạng thấp (trên nền tảng sử dụng glucocorticoid), cũng như ở những người sử dụng dài ngày các thuốc chống co giật, lợi tiểu và chống đông.

Thiếu vitamin D: Vitamin D được tự tổng hợp trong cơ thể, dưới tác động của ánh sáng mặt trời, hoặc vào cơ thể cùng với thực phẩm như dầu cá, mỡ, trứng, gan và sữa. Vitamin D tham gia quá trình điều hòa quá trình hấp thu canxi trong ruột và cơ chế hình thành mô xương. Tương ứng, thiếu ánh nắng hoặc không đủ dinh dưỡng các thực phẩm kể trên làm tăng nguy cơ phát triển loãng xương.

Nghiện rượu và thuốc lá: Các nghiên cứu được tiến hành trong những năm gần đây nhận thấy rằng chiều hướng giảm trọng lượng xương ở những người nghiện rượu so với những người không uống rượu, trong khi đó mức độ giảm như nhau ở nam và nữ nghiện rượu. Khác với nghiện rượu, nghiện thuốc lá ảnh hưởng lớn đến phụ nữ - những phụ nữ hút thuốc có lượng hormon sinh dục trong máu càng thấp hơn và ở những người này sớm xuất hiện thời kỳ mãn kinh. Tất cả những điều này dẫn đến các biểu hiện loãng xương càng nhanh hơn.

Xem xét các nguyên nhân của loãng xương thì thấy rằng trớ trêu thay, ứng viên “lý tưởng” của sự phát triển bệnh này là: “các phụ nữ cao gầy trên 50 tuổi, thường xuyên phải ngồi, sống ở các khu vực phía Bắc và hút trên 2 bao thuốc lá một ngày thay cho bữa sáng”.

 

Căn bệnh âm thầm, khó nhận biết

Nói về nguyên nhân loãng xương cần xem xét dưới các dạng triệu chứng. Sai lầm cơ bản của nhiều bác sĩ ở chỗ họ thường nhận nhầm các triệu chứng của loãng xương thành các triệu chứng của các bệnh khác.

Trên thực tế, loãng xương gồm các triệu chứng nhẹ gần như hoàn toàn không có than phiền nào, bệnh thường chỉ được phát hiện khi xuất hiện gãy xương. Đặc điểm này của bệnh khiến các nhà khoa học gọi loãng xương là “bệnh âm thầm”. Tất nhiên trong loãng xương có các cơn đau ở cột sống, nhưng đây là những cơn đau âm ỉ, nó hoàn toàn có thể do mệt mỏi gây ra, chỉ xuất hiện khi duy trì ở một tư thế tĩnh (đứng hay ngồi) trong một thời gian tương đối dài (trên 30 phút).

Các dấu hiệu gián tiếp khác của bệnh là hiện tượng gù lưng ở người già, co giật các chi dưới vào ban đêm, tăng mệt mỏi, thoái hóa nha chu, giòn (hay mỏng) móng chân, móng tay và tóc bạc sớm. Sự xuất hiện của các triệu chứng này không phải là minh chứng chính xác 100% cho chẩn đoán, nhưng nó có giá trị gợi ý rất nhiều giúp ta định hướng tìm ra loãng xương.

 

Thầy thuốc khuyên gì?

Phần lớn kết quả chủ quan khi nghi ngờ có loãng xương có thể nhận biết được khi nghiên cứu trên thiết bị chuyên dụng để đo độ đậm của xương (đo độ hấp thu tia X hai nguồn năng lượng) - densitometer. Đo độ đậm của xương cho phép xác định độ đặc của xương với sai số 1-5%. Độ đặc của xương càng thấp, thì các tia X càng dễ xuyên qua xương. Trong phương pháp xét nghiệm này việc chiếu tia X ở mức tối thiểu và thấp hơn 10 lần so với chụp Xquang. Và còn 1 xét nghiệm nữa cần thiết phải thực hiện để lựa chọn thuốc điều trị là sinh hóa máu, cần chú ý tới hàm lượng canxi, phospho và phosphotase kiềm trong máu.

Chúng ta cần tăng cường các hoạt động thể lực, đặc biệt hoạt động dưới ánh nắng mặt trời khiến cơ thể được cung cấp vitamin D, tham gia quá trình điều hòa quá trình hấp thu canxi tránh loãng xương.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top