Loãng xương xảy ra do rất nhiều nguyên nhân. Trong đó nguyên nhân chính là do vấn đề về tuổi tác. Từ 50 tuổi trở lên, ai cũng đều có nguy cơ cao đối mặt với quá trình loãng xương bắt đầu. Lúc này quá trình sản xuất những phần xương mới dần chậm lại và không theo kịp tiến độ quá trình mất những phần xương cũ bị thoái hóa.
Ngoài ra, các yếu tố gây loãng xương còn lại được chia thành 2 nhóm riêng biệt. Gồm: những yếu tố gây loãng xương không thể kiểm soát và những yếu tố gây loãng xương có thể kiểm soát.
Với yếu tố gây loãng xương không thể kiểm soát có thể kể đến như:
– Giới tính: so với nam giới, nữ giới có nguy cơ loãng xương cao hơn. Từ 20-80 tuổi thì người phụ nữ đã mất khoảng 1/3 lượng mật độ xương. Trong khi đó ở nam giới chỉ mất 1/4 lượng mật độ xương. Đặc biệt trong giai đoạn mãn kinh, sự thiếu hụt estrogen là nguyên nhân khiến xương trở nên yếu đi.
– Tiền sử mắc loãng xương trong gia đình: nếu gia đình có thành viên từng bị loãng xương sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
– Thể trạng tự nhiên: những người có thể trạng bé, nhẹ cân thì thường có khối lượng xương ít hơn người khác. Do đó tốc độ mất xương cũng sẽ nhanh hơn.
– Tai nạn giao thông, tai nạn trong khi làm việc/chơi thể thao. Tai nạn dẫn tới gãy xương – nguyên nhân làm thiếu hụt canxi và làm giảm chiều cao.
Bên cạnh đó, những yếu tố gây loãng xương có thể kiểm soát gồm:
– Chế độ ăn uống
– Thói quen ngồi lâu/đứng lâu, lười vận động
– Lạm dụng rượu bia, thuốc lá
– Thừa cân, béo phì
Ở giai đoạn đầu, triệu chứng của bệnh thường rất khó nhận biết. Nhưng theo thời gian, người bệnh có thể cảm nhận được qua một số dấu hiệu sau:
– Đau lưng
– Lưng còng, dáng đứng có xu thế khom xuống
– Dần dần sụt cân.
Ở một số trường hợp khác, loãng xương còn có biểu hiện gãy xương. Các vị trí gãy xương chủ yếu là xương sườn, cổ tay hoặc hông.
Do đó khi nhận thấy bất kỳ biểu hiện bất thường nào liên quan đến cơ xương khớp, người bệnh cần tới bệnh viện kiểm tra càng sớm càng tốt. Qua kiểm tra và khai thác triệu chứng lâm sàng, bác sĩ sẽ chẩn đoán mức độ loãng xương, thuộc mức độ nhẹ hay nặng. Từ đó có thể thảo luận về tình trạng loãng xương và cách điều trị bệnh sao cho phù hợp nhất với người bệnh.
Với loãng xương, hiện nay có 4 cách điều trị được áp dụng. Bao gồm: điều trị không dùng thuốc, điều trị dùng thuốc, điều trị các biến chứng và điều trị lâu dài.
Với điều trị không dùng thuốc, người bệnh nên thay đổi thói quen, lối sống để tăng sức khỏe cho bộ xương. Cụ thể:
– Tập thể dục, thể thao thường xuyên nhằm tăng sức khỏe cho xương khớp và cơ bắp.
– Đảm bảo chế độ ăn giàu canxi, tránh các chất kích thích gây hại như thuốc lá, rượu, bia.
Với điều trị dùng thuốc, người bệnh sẽ sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ. Nhóm thuốc này có tác dụng chống hủy xương và thúc đẩy quá trình tạo xương. Gồm các nhóm thuốc:
– Nhóm thuốc chống hủy xương
– Nhóm thuốc bổ sung canxi
– Nhóm thuốc tăng tạo xương
Với điều trị các biến chứng, bác sĩ sẽ chỉ định:
– Nẹp xương
– Thay đốt sống nhân tạo
– Kết xương hoặc thay khớp
Với điều trị lâu dài, người bệnh cần duy trì đo lại mật độ xương mỗi năm để đánh giá tổng thể tình trạng bệnh. Từ đó quyết định phương hướng điều trị tiếp theo.
Nếu không phát hiện loãng xương và cách điều trị không đến nơi đến chốn, rất dễ dẫn tới biến chứng nguy hiểm. Điều này không chỉ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người bệnh mà còn làm chất lượng cuộc sống giảm sút rất nhiều. Một số biến chứng do loãng xương gây ra đó là:
– Biến dạng cột sống: gây nên tình trạng còng lưng ở người lớn tuổi.
– Giảm khả năng vận động
– Nguy cơ gãy xương: gây đau đớn, tàn tật cho người bệnh.
– Lún xẹp đốt sống
Ngày nay, người bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát được tình trạng bệnh loãng xương của mình. Với một số lưu ý sau, người bệnh cần ghi nhớ:
– Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến các triệu chứng, đồng thời đánh giá tình trạng sức khỏe hiện tại của mình.
– Không tự ý mua thuốc, dùng thuốc mà không có đơn thuốc chỉ định của bác sĩ.
– Không tự ý ngưng thuốc khi chưa dùng thuốc hết liệu trình theo như bác sĩ kê đơn.
– Tập luyện các bài tập tăng cường sức mạnh xương khớp và cơ bắp phù hợp với tình trạng sức khỏe hiện tại.
– Bổ sung canxi và vitamin D trong chế độ ăn uống hàng ngày.
– Không lạm dụng các chất kích thích, có hại cho sức khỏe như bia rượu, thuốc lá.
– Đi đứng cẩn thận, tránh để bị ngã hay bị chấn thương trong quá trình chơi thể thao, làm việc.
Trên đây là những thông tin hữu ích về loãng xương và cách điều trị hiệu quả. Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh lý phổ biến này và có thể chủ động kiểm soát bệnh tốt nhất nhé.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh