✴️ Nguyên nhân đau khớp háng hỗ trợ điều trị sớm

Nội dung

1. Nguyên nhân đau khớp háng

1.1. Thoái hóa khớp háng

Thoái hóa khớp háng là hậu quả của quá trình mòn khớp, gặp nhiều ở người có tuổi. Bệnh thường xuất hiện ở một bên khớp tại một thời điểm. Khi bệnh tiến triển, lớp sụn khớp mất dần, khe khớp hẹp lại và xuất hiện nhiều gai xương. Biểu hiện trên lâm sàng là đau khớp háng, hạn chế biên độ vân động của háng (cứng khớp háng)

1.2. Viêm khớp dạng thấp

Có nhiều nguyên nhân gây đau khớp háng như thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp, hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi…

Không giống như thoái hóa khớp, bệnh viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng đến nhiều khớp tại một thời điểm, trong đó có khớp háng. Biểu hiện trên lâm sàng là nhiều khớp sưng, đau và cứng khớp tại cùng một thời điểm. Bệnh tiến triển nặng dần làm cho khớp bị biến dạng.

1.3. Hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi (hoại tử vô mạch)

Do một nguyên nhân nào đó (trật khớp háng, gãy cổ xương đùi hoặc tự phát…) làm tổn thương mạch máu nuôi chỏm xương đùi, dẫn đến phần chỏm xương đùi không có máu nuôi gây nên hoại tử. Bệnh thường gây đau và hạn chế vận động khớp háng. Trên phim xquang, chỏm xương đùi biến dạng, khe khớp hẹp.

1.4. Bệnh lý khớp háng ở trẻ em

Một số trẻ em và trẻ sơ sinh có vấn đề về khớp háng, thậm chí mặc dù đã được điều trị đúng đắn, song khớp háng vẫn có thể tiến triển thành viêm, thoái hóa khớp khi trưởng thành. Quá trình thoái hóa khớp diễn ra do sự biến đổi bất thường của khớp, ảnh hưởng đến diện khớp.

2. Triệu chứng lâm sàng

Các dấu hiệu của đau khớp háng thường xuất hiện từ từ tăng dần. Ban đầu, dấu hiệu đau khớp có thể xuất hiện thoáng qua rồi biến mất. Đau khớp có thể chỉ xuất hiện khi bạn đi bộ trong thời gian dài, khi gấp háng hoặc khi leo cầu thang.

Khi bệnh tiến triển nặng hơn, đau có thể xuất hiện cả khi ngồi, nằm hoặc thậm chí khi ngủ. Cơn đau có thể kéo dài hơn, hoặc đau dai dẳng, thường xuyên khi bệnh đã ở giai đoạn nặng.

Thông thường, lúc đầu đau có thể xuất hiện ở háng hoặc vùng trên, sau mông. Đau có thể lan xuống mặt trước đùi, đến đầu gối. Cảm giác khớp háng cứng, chặt.

Khi thấy xuất hiện những dấu hiệu như đau, cứng khớp háng, khó khăn khi bước đi… thì nên đi khám bác sĩ chuyên khoa Cơ xương khớp để bác sĩ tìm nguyên nhân đau khớp háng. Từ đó có phương pháp điều trị phù hợp.

3. Phương pháp chữa trị đau khớp háng

3.1. Điều trị không phẫu thuật

Có nhiều phương pháp điều trị không phẫu thuật:

  • Thay đổi thói quen sinh hoạt

  • Giảm cân, tập luyện

  • Dùng các phương tiện trợ giúp khi đi lại

  • Dùng thuốc

Trong nhiều trường hợp vẫn có thể dùng thuốc điều trị đau khớp háng (theo chỉ định cụ thể của bác sĩ)

3.2. Điều trị bằng phẫu thuật

Bằng các biện pháp điều trị bảo tồn như trên nếu tình trạng đau không cải thiện, ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe, chất lượng cuộc sống thì có chỉ định phẫu thuật.

Phẫu thuật thay khớp háng toàn phần, bán phần hoặc hàn cứng khớp là những phương pháp điều trị phẫu thuật phổ biến, được chỉ định dựa trên mức độ tổn thương, độ tuổi người bệnh…

Người bệnh đau khớp háng cần tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ để đạt hiệu quả cao nhất, loại bỏ nhanh chóng bệnh.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top