Nguyên nhân gây vẹo cổ ở trẻ

Tật vẹo cổ, còn gọi là tật “cổ xoay” là tình trạng trẻ có đầu nghiêng sang một bên còn cằm nghiêng theo hướng ngược lại. Tật vẹo cổ ở trẻ nhỏ, nhìn thì cảm thấy đau đớn nhưng sự thật thì thường là không phải vậy. Khi một đứa trẻ được sinh ra trong tình trạng này có nghĩa bé đã bị tật vẹo cổ bẩm sinh. Trong một số trường hợp khác thì tật vẹo cổ sẽ phát triển muộn hơn, lúc này thì đầu và cằm của trẻ sẽ quay theo cùng một hướng.

Cứ 250 trẻ sinh ra thì có 1 trẻ mắc tật vẹo cổ, trong đó khoảng 10-20% trẻ mắc vẹo cổ cũng đồng thời mắc chứng trật khớp háng bẩm sinh.

Nguyên nhân gây vẹo cổ bẩm sinh

Vẹo cổ bẩm sinh thường là do cơ nối giữa xương ức và xương đòn với hộp sọ bị kéo căng (cơ ức đòn – chũm). Do vậy còn được gọi là vẹo cổ do cơ bẩm sinh. Tình trạng kéo căng có thể trở nên nghiêm trọng hơn do tư thế của thai nhi trong bụng mẹ (với đầu nghiêng hẳn về một bên) hoặc do tổn thương cơ trong quá trình bé chào đời.

Hiếm gặp hơn, vẹo cổ bẩm sinh còn có thể là do bất thường trong quá trình hình thành đốt sống cổ hay còn gọi là hội chứng dính bẩm sinh các đốt sống cổ Klippel-Feil. Đây là một hội chứng cần phải được phát hiện sớm ở trẻ nhỏ do những trẻ mắc phải hội chứng này thường mắc kèm thêm một số tật về thính lực và các bệnh thận. Ngoài ra, những bài tập kéo căng cơ thường được khuyến cáo cho những trẻ mắc tật vẹo cổ không những không có tác dụng mà thậm chí còn gây nguy hiểm nếu nguyên nhân của vẹo cổ là do hội chứng Klippel-Feil.

Trong một số ít trường hợp, vẹo cổ bẩm sinh có thể do di truyền, hoặc là do hậu quả của một số căn bệnh nguy hiểm khác như u não hay u tủy sống là căn bệnh có thể gây tổn thương hệ thần kinh và cơ.

 

Triệu chứng vẹo cổ ở trẻ em

Dấu hiệu dễ nhận thấy đó là trẻ thường bị nghiêng đầu về một bên và hạn chế vận động cổ. Một dấu hiệu khác đó là xuất hiện một số vết sưng hay u nhỏ ở cổ.

Tật vẹo cổ bẩm sinh thường được chẩn đoán trước khi trẻ được 2 tháng tuổi. Trẻ mắc tật vẹo cổ có thể mắc chứng méo đầu do tư thế (positional plagiocephaly) do thường xuyên ngủ nghiêng đầu về một bên.

Ngoài khám lâm sàng, bác sỹ thường chỉ định chụp X quang để nhận diện dạng vẹo cổ bẩm sinh mà trẻ đang mắc hoặc thực hiện một số xét nghiệm khác như siêu âm hông hoặc thận.

 

Điều trị vẹo cổ ở trẻ em

Những bài tập kéo căng và định vị thực hiện hàng ngày cho bé sẽ là hướng điều trị gần như là tốt nhất cho tật vẹo cổ. Bạn nên tập cho bé khoảng vài lần một ngày. Đây là các bài tập không phức tạp nhưng cha mẹ nên tìm hiểu, học hỏi phương pháp này để có thể làm cho bé tại nhà.

Ngoài ra, phụ huynh cũng nên tập cho bé di chuyển đầu cổ sang hướng bé ít nghiêng qua. Ví dụ, nếu bé khó nghiêng đầu qua phải, khi đặt bé lên giường hay vào nôi, cha mẹ sẽ đứng ở bên trái để bé phải nghiêng qua trái khi muốn nhìn thấy cha mẹ.

Ngoài ra đôi khi bạn cũng nên cho trẻ nằm sấp khi trẻ thức bởi đây là tư thế giúp phát triển phần cơ ở cổ.

 

Liệu sau bao lâu các phương pháp trên sẽ phát huy hiệu quả

Nếu chứng vẹo cổ được phát hiện sớm – lý tưởng nhất là khi trẻ được 2 – 3 tháng tuổi – và bạn tuân thủ theo các bài tập luyện cho trẻ nêu trên, bạn sẽ thấy được sự cải thiện chỉ sau vài tuần. Chứng vẹo cổ gần như sẽ được điều chỉnh hoàn chỉnh khi trẻ được 1 tuổi.

Tuy nhiên, nếu đến 18 tháng, cơ cổ của bé vẫn yếu và các bài tập vật lý trị liệu chưa đủ sức để giúp tật vẹo cổ ở trẻ hồi phụ hoàn toàn thì các bác sỹ sẽ thường chỉ định phẫu thuật chỉnh hình cho bé. Vì phẫu thuật có thể giúp kéo dài các cơ và nhờ đó sẽ giúp bé có thêm cơ hội phục hồi cao hơn. Phẫu thuật thường được chỉ định trong khoảng 15% trường hợp.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top