✴️ Cách khắc phục đau xương chậu khi mang thai 3 tháng đầu

Nội dung

Nguyên nhân gây đau xương chậu khi mang thai 3 tháng đầu

Trong 3 tháng đầu, thai nhi còn bé nhưng cơ thể mẹ vẫn gặp phải tình trạng đau nhức xương chậu. Lý do là bởi để thích nghi với sự phát triển từng ngày của thai nhi nên tử cung của mẹ phải lớn dần theo dẫn tới gia tăng áp lực lên xương chậu.

Ngoài ra, dây chằng ở khu vực xương chậu cũng phải căng giãn trong thời gian mang thai nên mẹ bầu sẽ thấy đau nhức vùng xương chậu diễn ra thường xuyên, liên tục hơn.

3 tháng đầu thai kỳ, mẹ bầu cũng có thể bị đau xương chậu

3 tháng đầu thai kỳ, mẹ bầu cũng có thể bị đau xương chậu

Trong thời gian này, nội tiết estrogen tác động trực tiếp vào mô sụn sợi và các mô liên kết khi mang thai nên cũng gây ra tình trạng đau nhức, khó chịu. Mẹ bầu cũng thiếu hụt vitamin D, canxi nên xương khớp thường bị đau nhức hơn.

Không những thế, trong thời gian mang thai 3 tháng đầu, mẹ bầu bị đau xương chậu có thể do:

  • Trước đây từng bị chấn thương vùng xương chậu

  • Từng bị đau xương chậu ở lần mang thai trước

  • Bị thừa cân trước khi mang thai

  • Mắc bệnh lý xương khớp trước khi mang thai

Đau xương chậu khi mang thai 3 tháng đầu có nguy hiểm không?

Thông thường, tình trạng đau xương chậu khi mang thai 3 tháng đầu sẽ tập trung ở vùng hông, lưng, xung quanh mông và xương chậu. Có trường hợp mẹ bầu chỉ đau 1 bên xương chậu, có trường hợp đau cả 2 bên. Cơn đau xương chậu có thể kéo dài hơn 3 tháng đầu, thậm chí tới sau sinh.

Theo các bác sĩ, đau xương chậu khi mang thai không gây nguy hiểm cho bà bầu, không làm ảnh hưởng tới sức khỏe và sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, tình trạng này xuất hiện và kéo dài sẽ làm mẹ bầu mệt mỏi, đau nhức khó chịu, tăng cảm giác lo lắng.

Đau xương chậu không gây nguy hiểm cho mẹ và bé nhưng khiến mẹ mệt mỏi, đau nhức khó chịu

Đau xương chậu không gây nguy hiểm cho mẹ và bé nhưng khiến mẹ mệt mỏi, đau nhức khó chịu

Nếu cơn đau xương chậu với mức độ nặng, đau tăng dần với cường độ mạnh, kèm theo các biểu hiện bất thường khác như chảy máu âm đạo, co thắt tử cung… thì mẹ bầu cần đi khám ngay. Bác sĩ sẽ kiểm tra và chỉ định làm các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán chính xác sức khỏe.

Cách khắc phục tình trạng đau xương chậu khi mang thai 3 tháng đầu

Trong 3 tháng đầu, cơn đau xương chậu sẽ khiến mẹ bầu đau đớn, khó chịu. Để khắc phục tình trạng này, mẹ bầu có thể tham khảo những cách sau đây:

Thường xuyên nghỉ ngơi

Khi có cơn đau nhức ở vùng xương chậu, mẹ bầu cần nằm nghỉ ngơi trên giường, nằm nghiêng sang một bên hoặc nằm ngửa nhưng nâng cao đầu và chân giống như tư thế đang ngồi ngả trên giường.

Mẹ bầu nên nghỉ ngơi thường xuyên, đi ngủ đúng giờ, ngủ đủ giấc để giảm tình trạng mệt mỏi, đau nhức, khó chịu vùng xương chậu.

Chú ý vận động

Thay vì ngồi một chỗ quá lâu khiến tình trạng đau vùng xương chậu diễn ra lâu hơn thì mẹ bầu nên vận động nhẹ hàng ngày. Mẹ bầu có thể đi lại nhẹ nhàng, bơi hoặc yoga giúp kéo căng cơ lưng hoặc cơ bụng.

Để giảm tình trạng đau xương chậu khi mang thai 3 tháng đầu, chị em nên chú ý vận động

Để giảm tình trạng đau xương chậu khi mang thai 3 tháng đầu, chị em nên chú ý vận động

Trong thời gian mang thai, mẹ bầu cũng tránh sử dụng giày cao gót. Thay vào đó là giày đế thấp và bằng để chắc chân, hạn chế khả năng ngã, trẹo chân.

Không được khiêng, mang vác vật nặng. Chú ý khi lên xuống cầu thang, cần đặt 2 chân lên một bậc rồi từ từ bước xuống. Tránh thay đổi tư thế đột ngột.

Luyện tập tư thế ngồi, đi lại đúng tư thế. Chọn ghế ngồi chắc chắn, có ghế tựa lưng, tránh ngồi khom lưng.

Thường xuyên massage

Mẹ bầu nên thường xuyên massage nhẹ nhàng vùng bị đau để giúp giảm cơn đau hiệu quả. Hoặc chị em có thể chườm ấm vào vị trí đau cũng giúp giảm cơn đau xương chậu.

Trong thời gian mang bầu, đau xương chậu có thể diễn ra và kéo dài tới khi sinh. Mẹ bầu khi gặp phải tình trạng này cũng không nên quá lo lắng. Chị em cần chú ý nghỉ ngơi, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng trong chế độ ăn hàng ngày, đồng thời áp dụng theo những cách khắc phục tình trạng đau xương chậu nêu trên để giảm đau hiệu quả. Bên cạnh đó, chị em cần theo dõi thai kỳ đều đặn để nắm được tình trạng sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top