✴️ Xem ngay triệu chứng bị sỏi thận là như thế nào?

Nội dung

1. Tổng quan về triệu chứng bị sỏi thận

1.1. Các triệu chứng bị sỏi thận thường gặp

Sỏi thận thực chất là những tinh thể được hình thành từ sự tích tụ của các khoáng chất (thường là canxi) trong nước tiểu. Kích thước của sỏi thận rất đa dạng, có thể nhỏ bằng đầu bút hoặc to bằng quả bóng bàn.

Thông thường ở giai đoạn đầu người bệnh có rất ít triệu chứng, hầu như không có biểu hiện gì bất thường. Cho đến khi sỏi lớn và bắt đầu di chuyển từ thận vào niệu quản thì các triệu chứng khó chịu mới bắt đầu xuất hiện, bao gồm:

– Đau nhói ở vùng thắt lưng hông.

– Nóng rát hoặc đau khi đi tiểu.

– Số lần đi tiểu tăng lên nhiều hơn mức bình thường

– Có cảm giác tiểu không hết.

– Nước tiểu có màu nâu, đỏ hoặc hồng (do có lẫn máu)

– Nước tiểu chuyển đục, có mùi hôi.

– Có các dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu như sốt, ớn lạnh, buồn nôn, ói mửa.

 

1.2. Các triệu chứng bị sỏi thận sẽ kéo dài trong bao lâu?

Nhìn chung các triệu chứng bị sỏi thận có thể kéo dài trong khoảng một vài tuần cho đến hàng tháng và thậm chí là hơn thế nữa. Vì vậy kể cả khi cảm thấy các cơn đau, rối loạn tiểu tiện do sỏi thận suy giảm dần thì cũng nên thăm khám với bác sĩ để được điều trị ngay. Bởi các triệu chứng này có thể xuất hiện rồi biến mất nhưng không đồng nghĩ là người bệnh đã an toàn.

Chỉ có một số ít trường hợp sỏi thận nhỏ có thể tự trôi ra ngoài theo đường tiểu khi chúng ta uống nhiều nước để thúc đẩy bài tiết. Còn lại sỏi vẫn ở trong thận, tiếp tục lớn dần lên, gây ra các biến chứng cho sức khỏe như:

– Viêm đường tiết niệu

– Thận ứ nước, ứ mủ

– Giãn đài bể thận

– Suy thận

 

2. Khám và chẩn đoán sỏi thận

Như vậy để có thể chấm dứt hoàn toàn các triệu chứng bị sỏi thận, người bệnh nên tới bệnh viện để được thăm khám và điều trị. Tại đây các bác sĩ sẽ tìm hiểu về triệu chứng, bệnh sử, đánh giá tình trạng sức khỏe tổng thể. Sau đó chỉ định thực hiện một số xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh để đưa ra kết luận người bệnh có mắc sỏi thận hay không. Cụ thể như sau:

– Xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu: để tìm kiếm các dấu hiệu nhiễm trùng hoặc có máu trong nước tiểu.

– Xét nghiệm máu: giúp xác định các biến chứng của sỏi thận.

– Các chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp CT để quan sát chi tiết sỏi thận.

Kết quả phim chụp siêu âm, chụp CT sẽ giúp bác sĩ xác định:

– Viên sỏi nằm ở vị trí nào, kích thước bao nhiêu mm

– Sỏi có gây tắc nghẽn đường niệu hay không

– Tình trạng, độ thông thoáng của đường tiết niệu

– Liệu các biến chứng của sỏi thận đã ảnh hưởng đến các cơ quan lân cận hay chưa

Đối với các trường hợp bệnh nhân bị sỏi thận đang mang thai, siêu âm là lựa chọn phù hợp và an toàn hơn so với chụp CT.

 

3. Các cách điều trị sỏi thận cần biết

Mục tiêu khi điều trị sỏi thận là giúp người bệnh không còn phải chịu đựng các triệu chứng khó chịu đồng thời loại bỏ hết sỏi. Với các trường hợp sỏi thận nhỏ, người bệnh có thể chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt. Cụ thể là uống nhiều nước để đẩy sỏi ra ngoài theo đường bài tiết nước tiểu.

Sỏi thận nhỏ

Trường hợp sỏi thận nhỏ nhưng có các triệu chứng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, bác sĩ có thể kê đơn một số loại thuốc như:

– Thuốc giảm đau

– Thuốc giãn cơ trơn giúp tống sỏi dễ dàng hơn

Lưu ý: thông tin về các loại thuốc nêu trên chỉ mang tính tham khảo. Người bệnh cần thăm khám với bác sĩ để được bác sĩ tư vấn cụ thể. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc về sử dụng khi chưa có chỉ định.

Sỏi thận lớn

Trường hợp sỏi thận lớn, sỏi không thể tự trôi ra ngoài được nữa mà bắt buộc phải can thiệp ngoại khoa. Tùy theo tình trạng của bệnh nhân, các phương pháp tán sỏi sau có thể được chỉ định:

– Tán sỏi ngoài cơ thể với sỏi thận <1.5cm: không cần mổ, không đau, ra viện ngay sau tán. Sóng xung kích điện từ sẽ làm vỡ sỏi thành vụn nhỏ, vụn sỏi trôi dần ra ngoài theo đường bài tiết nước tiểu.

– Tán sỏi nội soi qua da đường hầm nhỏ với sỏi thận >1.5cm: thay thế cho mổ mở trong điều trị sỏi thận kích thước lớn, sỏi san hô phức tạp. Bác sĩ sẽ tạo một vết rạch nhỏ bằng đầu bút ở vùng thắt lưng hông rồi dùng ống nong tạo đường hầm đi vào bên trong thận. Sau đó đưa ống nội soi và tia laser tiếp cận với viên sỏi để phá bỏ, cuối cùng là hút bỏ ra ngoài.

– Tán sỏi nội soi ống mềm với sỏi thận <2.5cm: không có vết mổ, ít đau, có thể ra viện sau 24h. Bác sĩ đưa ống soi mềm đi ngược từ niệu đạo lên bàng quang, niệu quản rồi đến thận. Tiếp đến là bắn tia laser để đánh tan sỏi rồi hút bỏ ra ngoài.

 

4. Cách phòng chống sỏi thận

Cách tốt nhất để phòng tránh sỏi thận là uống đủ nước hàng ngày để tránh tình trạng cơ thể bị mất nước.

Để ngăn chặn sỏi thận tái phát sau điều trị, người bệnh nên cố gắng uống ít nhất 3 lít nước mỗi ngày. Đặc biệt là nếu sống hoặc làm việc trong môi trường nắng nóng, ra nhiều mồ hôi thì cần bổ sung nước thường xuyên.

Lưu ý nước ở đây là nước lọc, nước đun sôi để nguội. Nên hạn chế trà, cà phê, đồ uống có ga. Bên cạnh đó cũng không nên ăn quá nhiều muối.

Để biết cơ thể được cung cấp đủ nước hay chưa, chúng ta có thể quan sát màu sắc nước tiểu. Nước tiểu bình thường sẽ có màu trong, vàng nhạt. Nước tiểu càng sẫm màu thì càng đặc, các chất cặn bã trong nước tiểu dễ kết tinh thành sỏi.

Trên đây là những thông tin về các triệu chứng bị sỏi thận nhằm giúp bạn phát hiện sớm, điều trị kịp thời căn bệnh này.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top