Mặc dù khi được các bác sĩ chẩn đoán về sự tăng trưởng bất thường của một mô nào trong phổi có thể khiến cho nhiều bệnh nhân hoang mang nhưng, sự xuất hiện một nốt ở phổi không phải lúc nào cũng là ung thư phổi.
Theo Hiệp hội lồng ngực Hoa Kỳ, các nốt phổi có thể phát hiện lên tới 50% số trường hợp chụp CT ngực ở người lớn trong đó có ít hơn 5% các nốt phổi là ung thư.
Các nốt phổi không ung thư có thể gây ra do nhiều nguyên nhân, bao gồm:
Nhiễm trùng: Viêm phổi có thể xảy ra do nhiều bệnh nhiễm trùng khác nhau chẳng hạn như bệnh lao (TB) hoặc nhiễm nấm. U hạt có thể phát triển xung quanh khu vực bị viêm trong phổi. Đôi khi, các nốt phổi xuất hiện tại vùng sẹo do nhiễm trùng trước đó.
Viêm không nhiễm trùng: Viêm không xảy ra do nhiễm trùng cũng có thể dẫn đến các nốt trong phổi. Ví dụ như viêm khớp dạng thấp (RA) hoặc bệnh u hạt (sarcoidosis) có thể góp phần gây viêm không nhiễm trùng.
Khối u không ung thư: Tăng trưởng không ung thư khác cũng có thể phát triển trong phổi. Ví dụ như u xơ - là sự phát triển lành tính của mô liên kết.
Mặc dù hầu hết các nốt phổi không phải là ung thư nhưng một số là ác tính và cần điều trị kịp thời. Một số yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng xuất hiện nốt phổi là ác tính bao gồm:
Có tiền sử hút thuốc;
Người lớn tuổi;
Có tiền sử gia đình hoặc cá nhân bị ung thư;
Các nốt phổi lớn hơn cũng có khả năng bị ung thư.
Nốt phổi thường không gây ra triệu chứng. Những tăng trưởng nhỏ này thường không đủ lớn để gây khó khăn cho việc hô hấp. Tuy nhiên, các triệu chứng của tình trạng gây ra nốt phổi có thể xuất hiện. Ví dụ, nếu một nốt phổi là do ung thư phổi, các triệu chứng có thể bao gồm:
Khó thở;
Tưc ngực;
Ho ra máu;
Đau lưng;
Tụt cân.
Khi có triệu chứng bệnh hô hấp hoặc nhiễm trùng, bác sĩ thường sẽ yêu cầu chụp X-quang hoặc chụp CT ngực. Nốt phổi thường sẽ được phát hiện trên các kỹ thuật hình ảnh này.
Các nốt phổi sẽ hiển thị dưới dạng một đốm hoặc bóng mờ trên phim X-quang. Nếu X-quang có dấu hiệu của một nốt phổi, bác sĩ có thể yêu cầu chụp CT theo dõi, phim CT có thể cung cấp nhiều chi tiết hơn so với phim X-quang.
Sau khi phát hiện nốt phổi, bác sĩ sẽ đánh giá kích thước, hình dạng và hình dáng của nốt phổi. Một số tính chất gợi ý rằng các nốt có nhiều khả năng là ung thư, ví dụ, các nốt lớn hơn có nhiều khả năng là ung thư hơn.
Vị trí, hình dạng và kích thước của nốt phổi có thể làm tăng nguy cơ ác tính. Bác sĩ cũng sẽ xem xét tiền sử bệnh lý bao gồm cả việc hút thuốc lá để đánh giá nguy cơ của một nốt ung thư.
Khi các đặc điểm của nốt phổi gợi ý ác tính, bác sĩ có thể đề nghị sinh thiết. Thủ thuật này cần thu thập một lượng nhỏ mô từ nốt phổi bằng cách sử dụng kim đâm xuyên thành ngực hoặc trong khi soi phế quản.
Trong nội soi phế quản, một ống có một camera nhỏ cho phép quan sát bên trong đường thở được đưa vào bên trong qua đường thở. Sau đó, sử dụng các công cụ đặc biệt để lấy một mẫu mô từ nốt phổi.
Một lựa chọn khác là sinh thiết bằng kim được vào phổi qua thành ngực. Thông thường bác sĩ sẽ sử dụng CT scan hỗ trợ định hướng khi thực hiện thủ thuật.
Sau khi lấy được mẫu, phần mô sẽ được kiểm tra để tìm kiếm các tế bào ung thư.
Không phải lúc nào cũng cần thực hiện sinh thiết. Nếu một cá nhân có nguy cơ thấp và các đặc điểm của nốt phổi cho thấy khả năng mắc ung thư thấp, sinh thiết có thể gây hại nhiều hơn là lợi. Thực hiện thủ thuật sinh thiết trên một nốt phổi nhỏ có thể khó khăn và gây ra các biến chứng chẳng hạn như chảy máu gây xẹp phổi.
Điều trị các nốt phổi thường sẽ phụ thuộc vào việc chúng có các đặc điểm nguy cơ gây ung thư hay không.
Nếu nốt phổi có các đặc điểm cho thấy nguy cơ ung thư thấp, bác sĩ có thể khuyến nghị bệnh nhân nên kiểm tra thường xuyên. Có thể theo dõi nốt phổi bằng chụp cắt lớp vi tính (CT) định kì theo thời gian để phát hiện bất kỳ thay đổi ác tính hay phát triển về kích thước của nốt phổi.
Theo dõi một cách thận trọng có thể cần thực hiện liên tục trong một vài năm để đảm bảo các nốt phổi này không phát triển. Bác sĩ sẽ sử dụng các yếu tố khác nhau để xác định tần suất kiểm tra bao gồm nguy cơ ung thư chung của bệnh nhân và kích thước của nốt phổi.
Nếu nốt phổi không thay đổi trong khoảng 2 năm thì không có khả năng là ung thư. Trong trường hợp này, việc tiếp tục thực hiện các phương pháp chẩn đoán hình ảnh có thể không cần thiết.
Nếu một nốt phổi đã phát triển do nhiễm trùng tiến triển, việc điều trị nguyên nhân gây nhiễm trùng là cách tốt nhất để kiểm soát nốt phổi.
Khi một nốt phổi là ác tính, thường là do ung thư phổi, ung thư hạch hoặc ung thư đã di căn đến phổi từ một cơ quan khác.
Nếu kết quả sinh thiết xác định rằng nốt là ung thư, các lựa chọn điều trị phụ thuộc vào loại và giai đoạn của ung thư. Bác sĩ cũng có thể thay đổi phương pháp theo dõi trong quá trình điều trị nếu bệnh nhân có xu hướng hồi phục.
Trong một số trường hợp, có thể loại bỏ một nốt ung thư bằng cách sử dụng phẫu thuật cắt bỏ một phần mô phổi. Đây là phẫu thuật thực hiện một vết cắt xuyên qua thành ngực vào phổi để loại bỏ các nốt phổi.
Điều trị bổ sung cho các nốt phổi ung thư có thể bao gồm hóa trị, xạ trị và các can thiệp phẫu thuật khác.
Tiên lượng bệnh cho những người có một khối u phổi ác tính khác nhau, tùy thuộc vào giai đoạn của bệnh. Trong nhiều trường hợp, phát hiện và điều trị sớm sẽ cải thiện sức khỏe dài hạn của bệnh nhân.
Các nốt phổi không ung thư có tiên lượng tốt và thường không gây ra bất kỳ biến chứng nào.
Hút thuốc là một trong những yếu tố nguy cơ chính gây ung thư phổi. Theo Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ, khoảng 90% ung thư phổi phát triển do hút thuốc. Do đó, bỏ hút thuốc có thể ngăn ngừa các nốt phổi ác tính.
Tìm hiểu thêm về Ung thư phổi
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh