Những lý do gây nên huyết khối tĩnh mạch sâu

Là vận động viên

Một nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng những vận động viên, đặc biệt là những người tham gia chạy marathon, thường xuất hiện các cục máu đông nhiều hơn. Chúng làm tăng nguy cơ mất nước hoặc chấn thương, và chúng cũng có thể di chuyển đi xa. Những triệu chứng của huyết khối tĩnh mạch sâu có thể bị nhầm lẫn với các vấn đề liên quan đến thể thao. Hãy gọi cho bác sĩ nếu bạn thấy sưng phù, bầm tím không rõ nguyên nhân, đau chói ở cánh tay, cẳng chân và đặc biệt là ở ngực.

 

Phẫu thuật

Nằm lâu trước hoặc sau bất kì một loại phẫu thuật nào đều làm giảm lưu thông máu trong cơ thể. Những phẫu thuật lớn như phẫu thuật ổ bụng, khung chậu, hoặc cẳng chân làm tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu do các tĩnh mạch lớn sẽ bị sang chấn trong quá trình làm phẫu thuật. Trước khi phẫu thuật, hãy hỏi ý kiến bác sĩ nếu bạn có sử dụng chống đông. Sau khi phẫu thuật, bạn nên vận động ngay khi có thể.

 

Bệnh viêm ruột

Khi bạn bị hội chứng ruột kích thích, bệnh Crohn, viêm loét đại tràng hoặc các bệnh lí về ruột khác, bạn có thể tăng gấp 2-3 lần nguy cơ có cục máu đông so với bình thường. Những người bị các bệnh lí này thường dễ bị mất nước, nằm giường hoặc cần phẫu thuật. Viêm do các bệnh lí về ruột có thể liên quan đến các cục máu đông.

 

Nồng độ vitamin D thấp

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng lượng vitamin D của 82 người bị huyết khối tĩnh mạch sâu không rõ nguyên nhân thấp hơn so với 85 người chưa từng bị bệnh lí này. Người lớn cần khoảng 600-800 UI vitamin D mỗi ngày. Bạn có thể thu được từ cá hồi, cá tuna, phomai, và lòng đỏ trứng; hoặc tắm nắng 30 phút 2 lần mỗi tuần.

 

Các thuốc có chứa hóc-môn giới tính

Thuốc tránh thai và liệu pháp hóc-môn thay thế ở tuổi mãn kinh có estrogen, là một loại hóc-môn nữ có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Nguy cơ này khá nhỏ: chỉ 1/1000 phụ nữ uống thuốc tránh thai hàng năm bị huyết khối tĩnh mạch sâu. Nhưng bạn sẽ có nguy cơ cao hơn nếu sử dụng miếng dán, nó có chứa nhiều hơn 60% estrogen so với viên uống hoặc nếu bạn có thêm các yếu tố nguy cơ khác. Nam giới sử dụng testosteron, một loại hóc-môn nam cũng có nguy cơ cao bị huyết khối.

 

Ung thư

Các khối u có thể gây phá hủy mô và giải phóng các chất hóa học kích thích hình thành cục máu đông. Những loại ung thư ở não, đại tràng, phổi, thận, buồng trứng, tụy và dạ dày có tỉ lệ bị huyết khối tĩnh mạch sâu cao nhất. Các cục máu đông thường là tác dụng phụ của u bạch huyết, bạch cầu cấp và ung thư gan. Một số loại hóa trị cũng làm tăng nguy cơ đông máu. Khi hóa trị, bạn nên sử dụng tất áp lực và vận động khi có thể.

 

Thừa cân

Thừa cân, đặc biệt là béo bụng sẽ đặt áp lực lớn lên các tĩnh mạch ở khung chậu và cẳng chân, làm tăng gấp đôi nguy cơ bị huyết khối tĩnh mạch sâu. Nếu bạn có chỉ số BMI từ 25 trở lên và bạn cũng đang uống thuốc tránh thai, một số nghiên cứu cho thấy nguy cơ của bạn có thể tăng lên 10 lần. Tập thể dục thường xuyên là cách tốt nhất bảo vệ bạn chống lại hình thành cục máu đông, đồng thời nó cũng giúp  bạn giảm cân.

 

Mang thai

Thai nhi cũng làm gia tăng áp lực lên các tĩnh mạch ở khung chậu và cẳng chân của bạn. Và bạn vẫn có nguy cơ này trong vòng 6 tuần sau khi sinh. Cứ 1000 phụ nữ mang thai lại có 2 người bị huyết khối tĩnh mạch sâu. Nguy cơ này sẽ tăng cao nếu bạn béo phì, trên 35 tuổi, mang thai sinh đôi, có tiền sử gia đình bị huyết khối hoặc bị bệnh phải nằm lâu. Bạn có thể giảm nguy cơ này bằng cách duy trì vận động khi mang thai.

 

Sinh non

Bạn có sinh em bé trước 37 tuần không? Càng sinh non thì bạn càng có nguy cơ cao bị huyết khối. Các nhà khoa học vẫn chưa biết chính xác nguyên nhân bởi có rất nhiều khả năng. Nếu bạn đã từng đẻ non, hãy cho bác sĩ biết điều này.

 

Hút thuốc lá

Hút thuốc có ảnh hưởng đến sự hình thành huyết khối cũng như lưu thông máu trong cơ thể. Dù bạn hút ít hay nhiều, thậm chí là thi thoảng mới hút thì nó vẫn gây tổn thương tim và mạch máu. Nếu bạn hút thuốc khi uống thuốc tránh thai, bạn sẽ có nguy cơ bị huyết khối tĩnh mạch sâu cao gấp 9 lần so với bình thường. Bỏ thuốc sẽ làm giảm nguy cơ bị huyết khối và các bệnh lí tim mạch khác.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top