✴️ Vị thuốc Cốt khí thân tím

Nội dung

Tên tiếng Việt: Cốt khí thân tím, Đoàn kiếm đỏ, Ve ve cái, Sơn thanh

Tên khoa họcTephrosia purpurea (L.) Pers.

Tên đồng nghĩa: Cracca purpurea L.

Họ: Fabaceae (Đậu)

Công dụng: Chữa đầy bụng, khai vị, điều kinh, lợi sữa (Rễ sắc uống).

A. Mô tả:

Cây thảo cứng có gốc hoá gỗ cao 30-60cm. Lá kép lông chim lẻ; lá chét 9-13 (17), hình dài thuôn, thót lại đều đặn đến tận gốc, có lông mềm màu tro ở mặt trên và màu trắng ở mặt dưới, các lá cuối cùng to dần lên. Hoa màu tím tía, có khía dọc xếp thành chùm thưa ở ngọn, đối diện với lá cuối cùng. Quả đậu gần nhẵn, dài cỡ 5cm, hơi cong hình cung, dẹt, xoắn lại giữa các hạt. Hạt 4-7, màu xám, hình bầu dục.

Ra hoa vào tháng 7.

B. Bộ phận dùng:

Rễ, thân, lá – Radix, Caulis et Folium Tephrosiae Purpureae.

C. Nơi sống và thu hái:

Cây mọc ở ruộng hoang hay dọc theo sông. Cũng thường được trồng lấy lá làm phân xanh. Trồng bằng hạt vào mùa xuân. Có thể thu hái rễ, lá quanh năm; rễ rửa sạch, thái phiến phơi khô dùng.

D. Thành phần hóa học:

Rễ chứa tephrosin, degnelin, isotephrosin, rotenon. Lá chứa khoảng 2% glucosid osyritin, 1,4% rutin. Quả chứa purpurin A, purpurin B và maximin có độc đối với cá.

E. Tính vị, tác dụng:

Vị hơi đắng, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt, tiêu viêm, nhuận tràng, lọc máu, trợ tim.

F. Công dụng, chỉ định và phối hợp

  • Đầy bụng trướng hơi, tiêu hóa không bình thường, viêm dạ dày, kiết lỵ mạn tính; dùng rễ khô 12-40g, sắc uống;
  • Cảm sốt (phong nhiệt cảm mạo); dùng toàn cây 20-40g sắc uống;
  • Lở ngứa, viêm da; dùng toàn cây nấu nước rửa.
  • Ở Ấn Độ, cây được xem như là bổ, lọc máu và dùng trị giun cho trẻ em; rễ cũng được dùng trị viêm màng nhĩ; vỏ rễ tươi rang lên, thêm ít hạt tiêu giã làm viên trị cơn đau bụng ngoan cố. Rễ cây và quả cũng được dùng để duốc cá.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

 

return to top