✴️ Ngưu bàng tử

Ngưu bàng tử là quả chín của cây ngưu bàng. Dược liệu này có vị cay, đắng, tính hàn, qui vào kinh Phế và Vị, được dùng để chữa bệnh viêm phổi, cảm mạo, phù thận, mụn nhọt và phát dan da.

Ngưu bàng tử

Ngưu bàng tử (Fructus Arctii Lappae) là quả chín của cây ngưu bàng.

  • Tên gọi khác: Quả chín của cây ngưu bàng, á thực, thử niêm tử, hắc phong tử, đại đao tử.

  • Tên dược: Fructus Arctii Lappae

  • Tên thực vật: Arctium lappa

  • Họ: Cúc (danh pháp khoa học: Asteraceae)

 

Mô tả dược liệu

1. Đặc điểm thực vật

Ngưu bàng là cây thân thảo lớn, chiều cao từ 1 – 2m. Cây sống hằng năm, một số cây sống trên 2 năm, thân phía trên phân nhiều cành. Lá hình tim, mọc thành hình hoa thị ở gốc và mọc so le ở trên thân. Phiến lá to, đường kính trong khoảng 45 – 50cm, mặt trên có màu xanh lục, mặt dưới xanh nhạt và có kèm theo lông trắng.

ngưu bàng tử dược liệu

Ngưu bàng là cây thân thảo lớn, chiều cao từ 1 – 2m và có nguồn gốc từ Trung Quốc

Hoa tự mọc ở đầu cành, cánh hoa có màu hơi tím, đường kính khoảng 2 – 4cm. Cây ra hoa vào tháng 6 – 7 và sai quả vào tháng 7 – 8, quả nhỏ, hơi cong và có màu xám nâu.

2. Bộ phận dùng

Quả của cây được thu hái để làm dược liệu. Một số nơi có thể thu hái rễ để làm thuốc, được gọi là ngưu bàng căn.

3. Phân bố

Cây có nguồn gốc từ Trung Quốc. Hiện nay đã được di thực vào nước ta và sinh sống chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc.

4. Thu hái – sơ chế

Thu hái vào tháng 8 – 9 khi quả đã chín. Sơ chế: Sau khi hái về, lấy quả phơi hoặc sấy khô dùng dần.

5. Bảo quản

Nơi khô thoáng.

6. Thành phần hóa học

Ngưu bảng tử có chứa 15 – 20% chất béo, Ancaloit, Arctiin,…

 

Vị thuốc ngưu bàng tử

1. Tính vị

Vị cay, đắng, tính hàn.

2. Qui kinh

Qui vào kinh Phế và Vị.

3. Tác dụng dược lý

Theo y học hiện đại:

  • Điều trị bệnh sởi do có tác dụng giải độc.

  • Hỗ trợ điều trị viêm phổi do quả của cây ngưu bàng có khả năng làm ẩm phổi và loại bỏ đờm.

  • Hỗ trợ chữa lành các vết thương ngoài da.

  • Thành phần Arctiin trong dược liệu có thể ức chế protein niệu và ngăn ngừa các vấn đề về thận.

Theo Đông y:

  • Tác dụng trừ phong, sát trùng, giải độc, tiêu thũng, thông phổi,..

Chủ trị:

  • Cảm cúm, sưng vú, cổ họng sưng đau

  • Viêm tai, viêm phổi, sưng vú, mụn nhọt

4. Cách dùng – liều lượng

Dùng ngưu bàng tử ở dạng thuốc sắc, mỗi ngày chỉ nên dùng từ 4 – 12g.

 

Các bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu ngưu bàng tử

1. Bài thuốc điều trị phong nhiệt nhiễm vào phổi gây hen có đờm và ho

  • Chuẩn bị: Kinh giới và ngưu bàng tử mỗi thứ 12g với cam thảo 4g.

  • Thực hiện: Đem các vị sắc lấy nước uống, ngày dùng 1 thang.

2. Bài thuốc trị phong nhiệt khiến yết hầu viêm và sinh ra viêm hạnh nhân

  • Chuẩn bị: Phòng phong và đại hoàng mỗi thứ 12g, bạc hà 4g, ngưu bàng tử 16g, kinh giới tuệ 8g, cam thảo 4g.

  • Thực hiện: Đem sắc uống, ngày dùng 1 thang.

3. Bài thuốc chữa đậu chẩn mọc trong cổ họng

  • Chuẩn bị: Cam thảo 3g, cát cánh 6g và ngưu bàng tử 8g.

  • Thực hiện: Sắc uống trong ngày.

4. Bài thuốc chữa chân tay phù, thủy thũng và cảm mạo

  • Chuẩn bị: Ngưu bàng tử sao vàng 80g.

  • Thực hiện: Đem dược liệu tán bột, mỗi ngày dùng khoảng 8g bột, chia thành 3 lần dùng.

5. Bài thuốc trị nóng sốt cổ họng tắc và trẻ con lên đậu mọc không thuận

  • Chuẩn bị: Cam thảo 2g, kinh giới tuệ 1g và ngưu bàng tử 5g.

  • Thực hiện: Đem sắc với 200ml nước, còn lại 50ml.

6. Bài thuốc chữa phù thận cấp tính

  • Chuẩn bị: Phù bình sao khô 6g, ngưu bàng tử 6g.

  • Thực hiện: Đem các vị tán nhỏ, mỗi lần dùng 5g chiêu với nước nóng. Ngày dùng 3 lần cho đến khi khỏi bệnh.

7. Bài thuốc trị phát ban, mụn nhọt và bệnh sởi chưa phát ngoài da

  • Bài thuốc 1: Chuẩn bị cát cánh 6g, kinh giới tuệ 6g, ngưu bàng tử 8g và cam thảo 3g. Đem các vị sắc uống, ngày dùng 1 thang.

  • Bài thuốc 2: Dùng kinh giới tuệ 8g, hạnh nhân 12g, ngưu bàng tử 16g, cát cánh 8g, cát căn 12g, tiền hồ 8g, liên kiều 12g với bạc hà 4g. Đem sắc uống.

8. Bài thuốc trị cảm mạo phong nhiệt khiến toàn thân sốt, cổ họng rát, ho, người sợ lạnh

  • Bài thuốc 1: Chuẩn bị kim ngân hoa 40g, bạc hà 24g, đạm đậu xị 20g, ngưu bàng tử 24g, lá tre 4g, hoa kinh giới 16g, cam thảo 20g, cát cánh 24g và liên kiều 40g. Đem các vị tán thành bột, mỗi lần dùng 24g hãm cùng nước sôi. Uống ngày 3 – 4 lần cho đến khi khỏi.

  • Bài thuốc 2: Dùng bạc hà 6g, quả phơi khô của cây ngưu bàng 12g và thuyền thoái 6g. Dùng các vị sắc lấy nước uống.

 

Lưu ý khi dùng dược liệu ngưu bàng tử

Một số thông tin cần chú ý khi sử dụng dược liệu ngưu bàng tử chữa bệnh:

  • Không dùng cho người tâm tỳ hư và tiêu chảy.

  • Người yếu sinh lý cần thận trọng khi dùng.

  • Thành phần Arctiin trong dược liệu có thể gây ra một số tác dụng phụ như thở yếu, co giật, tê liệt, khó khăn khi cử động,…

  • Khi áp dụng bài thuốc từ ngưu bàng tử, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa để tránh tương tác thuốc và một số rủi ro không đáng có.

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Nếu bạn có bất cứ thắc mắc gì về dược liệu này, vui lòng liên hệ trực tiếp với người có chuyên môn để được giải đáp.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top