Những bệnh thường gặp khi bị thiếu canxi

Canxi là một khoáng chất vô cùng thiết yếu của cơ thể. Cơ thể sử dụng canxi để ổn định huyết áp và xây dựng hệ xương cũng như hàm răng chắc khỏe. Khi không cung cấp đủ canxi cho cơ thể, bạn sẽ có nguy cơ cao mắc một số bệnh như loãng xương, xốp xương và một số căn bệnh khác.

Bạn nên nạp đủ lượng canxi khuyến nghị hàng ngày từ chế độ dinh dưỡng. Nếu cần thiết, có thể uống bổ sung canxi.

Các nguyên nhân gây thiếu hụt canxi

Quá trình lão hóa tự nhiên có thể gây ra các bệnh do thiếu canxi. Hầu hết canxi trong cơ thể đều được dự trữ trong xương. Khi bạn già đi, xương sẽ bắt đầu mỏng hơn và xốp hơn, do vậy bạn càng phải bổ sung nhiều canxi hơn.

Phụ nữ tuổi trung niên cần thiết phải bổ sung đủ nhu cầu canxi khuyến nghị hàng ngày, nhất là khi gần bước vào giai đoạn mãn kinh. Sự suy giảm nồng độ hormon estrogen trong thời kỳ mãn kinh là nguyên nhân khiến cho xương của phụ nữ bị mỏng đi nhanh hơn.

Phụ nữ tuổi mãn kinh nên tăng cường hàm lượng canxi trong thực phẩm để giảm thiểu nguy cơ gãy xương và các bệnh do thiếu hụt canxi. Theo Viện y tế quốc gia Hoa Kỳ, trong và sau mãn kinh, phụ nữ trung niên nên bổ sung khoảng 1.500 mg canxi/ngày.

Trẻ sinh non, trẻ sinh ra bởi các bà mẹ bị tiểu đường và những trẻ mà bị thiếu oxy trong giai đoạn bào thai là những đối tượng có nguy cơ cao bị thiếu hụt canxi khi mới sinh.

Những người bị mắc bệnh suy tuyến cận giáp cũng có nguy cơ mắc các bệnh do thiếu canxi. Những đối tượng này không thể sản xuất đủ hormon cận giáp – là một nội tiết tố đóng vai trò điều hòa nồng độ canxi trong máu.

Các nguyên nhân khác có thể gây thiếu canxi bao gồm suy dinh dưỡng và kém hấp thu. Kém hấp thu là tình trạng cơ thể không thể hấp thu đủ các vitamin và khoáng chất cần thiết từ thực phẩm.

 

Các triệu chứng của thiếu hụt canxi

Giai đoạn đầu của thiếu canxi có thể không biểu hiện triệu chứng. Tuy nhiên, các triệu chứng sẽ biểu hiện rõ ràng hơn khi bệnh tiến triển. Các triệu chứng nghiêm trọng của thiếu hụt canxi bao gồm:

  • Mất trí nhớ
  • Co thắt cơ
  • Tê cứng và ngứa ran ở bàn tay, bàn chân và mặt
  • Ủ rũ, chán nản
  • Ảo giác

 

Chẩn đoán thiếu canxi

Hãy đi khám ngay nếu bạn xuất hiện các triệu chứng của thiếu canxi. Các bác sỹ trước hết sẽ điều tra về tiền sử bệnh và tiền sử gia đình có ai bị thiếu canxi hay mắc chứng loãng xương hay không.

Nếu bác sỹ nghi ngờ bạn bị thiếu canxi, bạn sẽ được làm xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ canxi máu. Nồng độ canxi máu thấp kéo dài là triệu chứng cận lâm sàng cho thấy bạn đang bị thiếu canxi.

 

Điều trị thiếu canxi

Thiếu hụt canxi không khó điều trị, bệnh này có thể khắc phục đơn giản bằng cách bổ sung thêm canxi vào chế độ ăn. Trong một số trường hợp, bác sỹ có thể kê thêm viên uống bổ sung canxi.

Bệnh nhân không nên tự ý điều trị bằng cách uống thật nhiều canxi. Cung cấp nhiều canxi hơn liều khuyến nghị mà không được sự chỉ định của bác sỹ có thể dẫn tới các vấn đề về giảm hấp thu, sỏi thận ...

Đôi khi, chỉ thay đổi chế độ ăn và dùng viên uống bổ sung là vẫn chưa đủ để điều trị thiếu hụt canxi. Trong trường hợp này, bác sỹ có thể chỉ định dùng thuốc tiêm canxi để điều hòa nồng độ canxi trong cơ thể.

 

Các biến chứng của thiếu hụt canxi

Các biến chứng của thiếu canxi thường là dễ gẫy xương, tổn thương thị giác và loạn nhịp tim. Nếu không được điều trị, các bệnh do thiếu hụt canxi có thể dẫn tới những vấn đề nghiêm trọng về sức khoẻ, thậm chí tử vong.

Thiếu hụt canxi kéo dài có thể làm gia tăng nguy cơ bị loãng xương. Loãng xương là một căn bệnh khiến xương trở nên dòn, dễ gãy dù chỉ với một lực tác động nhỏ.

Các biến chứng của loãng xương:

  • Tàn tật
  • Gãy xương cột sống
  • Không có khả năng đi lại

 

Phòng ngừa thiếu hụt canxi

Giải pháp hàng đầu là bổ sung thêm canxi và vitamin D vào chế độ dinh dưỡng hàng ngày. Vitamin cũng rất cần thiết bởi nó có tác dụng làm tăng tỷ lệ canxi được hấp thu vào máu. Hãy hỏi ý kiến bác sỹ về liều lượng canxi bạn cần phải bổ sung dựa trên tuổi tác và giới tính của bạn. liều dùng lý tưởng cho việc hấp thu là không quá 500 mg/ lần và không quá 1500 mg/ ngày.

Cần lưu ý rằng các thực phẩm giàu vitamin D và canxi như các sản phẩm từ bơ sữa cũng chứa hàm lượng cao các chất béo bão hòa và chất béo dạng trans. Do vậy, hãy lựa chọn các thực phẩm ít béo hoặc không chứa chất béo để giảm nguy cơ mắc cholesterol máu cao và các bệnh tim mạch. Các thực phẩm giàu canxi lành mạnh khác có thể kể đến như cá bơn và rau bina.

Ngoài ra bạn có thể sử dụng các viên uống bổ sung multivitamin hàng ngày. Multivitamin có thể không cung cấp đủ lượng canxi bạn cần, do vậy cần đảm bảo kết hợp cả với chế độ ăn đủ dinh dưỡng. nếu bạn đang mang thai, hãy sử dụng loại vitamin dành cho bà bầu.

Nếu bạn thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị thiếu hụt canxi, bác sỹ có thể chỉ định sử dụng thực phẩm chức năng bổ sung canxi dưới nhiều dạng bào chế như viên nén, viên nhai hay dung dịch uống.

 

Những điều cần ghi nhớ

  1. Bệnh do thiếu hụt canxi, còn được gọi là “hypocalcemia”, xảy ra khi không cung cấp đủ canxi cho cơ thể dẫn tới nguy cơ mắc một số bệnh như loãng xương.
  2. Tuy nhiên bệnh nhân thiếu hụt canxi không nên tự ý điều trị bằng cách sử dụng canxi liều cao. Uống nhiều canxi hơn liều lượng khuyến nghị hàng ngày có thể gây nên tình trạng giảm hấp thu và sỏi thận.
  3. Các biến chứng thường gặp của thiếu canxi bao gồm xương dễ gãy, tổn thương thị giác và loạn nhịp tim.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top