Nhược cơ là một trong những bệnh lý tự miễn và là rối loạn khá phổ biến của dẫn truyền thần kinh cơ. Do cơ thể sinh ra một loại kháng thể ảnh hưởng tới quá trình truyền đạt thông tin từ thần kinh sang cơ gây nên tình trạng cơ bị nhược. Vậy nguyên nhân và triệu chứng của nhược cơ là gì? Cách điều trị như thế nào?
1. Tìm hiểu về bệnh nhược cơ
Nhược cơ hay myasthenia gravis là bệnh lý thần kinh cơ mạn tính với biểu hiện đặc trưng là yếu cơ xảy ra từng đợt hoặc liên tục với các mức độ khác nhau. Nhóm cơ bình thường bị ảnh hưởng bao gồm các cơ vân, hoạt động theo ý muốn của cơ thể như: Cơ mặt, cơ tứ chi, cơ nhai, có hô hấp,…
Nhược cơ là một bệnh lý tự miễn do tồn tại các tự kháng thể chống lại thụ thể acetylcholin trên màng tế bào cơ tại các vùng tiếp nối thần kinh cơ hậu synap. Tình trạng suy giảm sức cơ là quá trình mãn tính, tiến triển và nặng dần lên về cuối ngày.
Bệnh lý này mặc dù không phải là căn bệnh phổ biến nhưng có thể gặp ở nhiều lứa tuổi. Trong đó, phụ nữ là đối tượng gặp thường xuyên và có khả năng bị ảnh hưởng gấp đôi nam giới. Thường bệnh nhược cơ gặp nhiều ở phụ nữ trẻ dưới 40 tuổi hoặc trên 70 tuổi và nam giới trên 50 tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh trung bình là 0,5/100.000 người.
2. Nguyên nhân và triệu chứng của nhược cơ là gì?
2.1. Nguyên nhân gây nên nhược cơ là gì?
Bệnh nhược cơ có đặc trưng là tình trạng giảm hoặc mất sự liên tục trong việc dẫn truyền các xung động thần kinh đến những cơ tương ứng và gây nên triệu chứng yếu, liệt cơ trên lâm sàng. Nhược cơ có thể gây nên bởi những nguyên nhân sau:
– Sự xuất hiện của những tự kháng thể phá hủy những thụ cảm của acetylcholin trên màng tế bào cơ ở màng sau synap. Do đó, tế bào cơ không tiếp nhận được xung thần kinh dẫn truyền đến.
– Do sự tồn tại của tự kháng thể kháng lại enzyme kinase: Việc này làm cản trở sự hình thành cũng như biệt hóa của các thụ thể của acetylcholin.
– Do các bệnh lý tuyến ức như: U tuyến ức, tăng sản tuyến ức làm sản xuất những tự kháng thể trong cơ thể tấn công các thụ thể của acetylcholin.
2.2. Triệu chứng của nhược cơ là gì?
Triệu chứng điển hình của nhược cơ chính là yếu hoặc liệt các cơ trong cơ thể, biểu hiện của chúng bao gồm:
– Yếu cơ ở vùng đầu và vùng cổ: Người bệnh sẽ xuất hiện dấu hiệu sụp mi, liệt mặt, khó nuốt, khó nhai, thay đổi giọng nói, đầu thường rũ xuống, mệt mỏi,…
– Yếu cơ tay hoặc cơ chân: Có nhiều bệnh nhân thậm chí không thể nhấc được tay lên.
– Yếu các cơ hô hấp: Xuất hiện triệu chứng khó thở hoặc suy hô hấp cấp.
Thông thường những triệu chứng yếu cơ sẽ xuất hiện vào cuối ngày hoặc sau khi đã vận động nhiều. Người bệnh nghỉ ngơi thì bệnh sẽ thuyên giảm. Ngoài ra, các cơ thường bị ảnh hưởng một bên, không đối xứng và có nhiều biểu hiện rối loạn khác nhau. Phản xạ thần kinh cũng như cảm giác của người bệnh thường sẽ không bị tổn thương.
3. Cách điều trị và biện pháp phòng ngừa bệnh nhược cơ
Bệnh nhược cơ hiện chưa có phương pháp điều trị khỏi hoàn toàn và có thể tái phát sau một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, một số biện pháp dưới đây vẫn được áp dụng trong điều trị bệnh lý này:
– Thuốc: Thuốc không có tác dụng chữa khỏi hoàn toàn bệnh nhược cơ nhưng bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh sử dụng thuốc để làm giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh. Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
– Can thiệp ngoại khoa: Phẫu thuật cắt bỏ tuyến ức có thể sẽ giúp người bệnh thuyên giảm những triệu chứng của bệnh nhược cơ. Phương pháp này sẽ được áp dụng trong những trường hợp bất thường tuyến ức hoặc trường hợp mang tính chất cấp cứu. Bác sĩ có thể sẽ chỉ định sử dụng thuốc để điều trị bệnh.
Để phòng ngừa bệnh nhược cơ bạn nên thực hiện một số biện pháp được liệt kê dưới đây:
– Ăn uống khoa học, sử dụng nhiều rau xanh và bổ sung thêm đu đủ, chuối để cung cấp kali cho cơ thể.
– Vận động và luyện tập thể thao điều độ hàng ngày giúp tăng cường sức đề kháng.
– Xây dựng lối sống lành mạnh.
– Luôn giữ tinh thần thoải mái tránh căng thẳng lo âu quá mức.
Nếu thấy cơ thể xuất hiện những dấu hiệu bất thường thì bạn nên tìm đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Ngoài ra, thăm khám sức khỏe định kỳ là cơ hội để giúp bạn phòng tránh nhược cơ và nhiều bệnh lý khác. Do đó hãy chủ động thăm khám sức khỏe từ 1 – 2 lần/năm bạn nhé!
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh