✴️ Nội soi khớp gối

Khái niệm

Nội soi khớp gối là một kỹ thuật hiện đại với ưu điểm ít xâm lấn, ít làm tổn hại đến các mô. Qua một lỗ rạch nhỏ, bác sĩ sẽ đưa ống kính soi quang học vào bên trong khớp gối để có thể nhìn rõ toàn bộ các cấu trúc bên trong khớp, phát hiện ra các thương tổn nhằm chẩn đoán và điều trị các vấn đề ở khớp.

Hiện nay, phẫu thuật nội soi khớp gối đã trở nên thông dụng vì thời gian phục hồi ngắn hơn. Thủ thuật thường diễn ra khoảng 30-60 phút và hiếm khi xảy ra các biến chứng nghiêm trọng.

Trong bài viết này sẽ giới thiệu thêm về những lợi ích và rủi ro của thủ thuật này.

Lợi ích

Nội soi khớp gối ít xâm lấn hơn so với các phương pháp phẫu thuật mở. Phương pháp này hữu ích trong chẩn đoán một loạt các tình trạng bệnh lý bao gồm:

  • Đau và cứng khớp
  • Tổn thương sụn.
  • Các mảnh xương hoặc sụn bị vỡ trong khớp gối.
  • Tụ dịch khớp cần được dẫn lưu.
  • Rách hoặc tổn thương dây chằng chéo trước hay dây chằng chéo sau
  • Sưng viêm hoặc tổn thương màng bao khớp.
  • Xương bánh chè bị trật khỏi vị trí.
  • Loại bỏ nang Baker (nang bao hoạt dịch vùng khớp gối). 
  • Gãy xương đầu gối.

So với các phương pháp khảo sát khác, nội soi có các ưu điểm như:

  • Tổn thương mô ít hơn.
  • Thời gian lành vết thương nhanh hơn
  • Giảm bớt đau đớn cho bệnh nhân sau thủ thuật
  • Giảm nguy cơ nhiễm trùng vết thương

Tuy nhiên, không phải tất cả trường hợp đều có thể thực hiện nội soi khớp gối. Người mắc bệnh thoái hóa hoặc viêm xương khớp có thể cần cân nhắc giữa rủi ro và lợi ích từ nội soi khớp gối.

     nội soi khớp gối

Chuẩn bị

Trước khi tiến hành nội soi khớp gối, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện một vài thao tác có thể bao gồm các bài tập nhẹ nhàng.

Một số bệnh nhân đang dùng bất kỳ loại thuốc theo toa hoặc thuốc không kê đơn (OTC) cần báo với bác sĩ và có thể phải ngưng dùng một số loại thuốc trước khi tiến hành thủ thuật này.

Bệnh nhân cần phải nhịn ăn từ 8-12h trước khi làm thủ thuật, đặc biệt với các trường hợp cần gây mê toàn thân. 

Nguy cơ

Giống như bất kỳ các phẫu thuật khác, phẫu thuật nội soi khớp gối cũng có một số rủi ro mặc dù các biến chứng nghiêm trọng thường ít xảy ra

Bệnh nhân có nguy cơ nhiễm trùng và chảy máu trong và sau thủ thuật.

Việc sử dụng thuốc mê cũng đi kèm với rủi ro ở một số người với các phản ứng dị ứng hoặc khó thở.

Một số rủi ro cụ thể đối với nội soi khớp gối bao gồm:

  • Cứng khớp gối mãn tính.

  • Tổn thương cho các mô và dây thần kinh.

  • Nhiễm trùng bên trong khớp gối.

  • Chảy máu khớp.

  • Huyết khối.

Những nguy cơ này ít khi xảy ra và hầu hết các trường hợp đều phục hồi mà không có bất kì biến chứng nào.

     nội soi khớp gối

Hồi phục

Phục hồi sau nội soi khớp thường nhanh hơn hồi phục sau phẫu thuật mở. Hầu hết các trường hợp có thể rời bệnh viện trong ngày với các hướng dẫn cụ thể về cách xử lý, tập luyện từ bác sĩ.

Một số biện pháp giúp quá trình phục hồi diễn ra nhanh chóng hơn như:

  • Chườm túi nước đá vùng xung quanh vết thương để giảm sưng và đau.
  • Giữ chân nâng cao trong vài ngày sau phẫu thuật
  • Nghỉ ngơi nhiều hơn.
  • Thay băng thường xuyên
  • Sử dụng nạng để hỗ trợ di chuyển và thực hiện theo khuyến nghị của bác sĩ để giảm áp lực lên đầu gối.

Bác sĩ có thể kê toa thuốc giảm đau hoặc thuốc OTC để kiểm soát cơn đau. Trong một số trường hợp, aspirin được dùng để giảm nguy cơ đông máu.

Hầu hết các trường hợp bệnh nhân có thể quay trở lại hoạt động nhẹ trong 1-3 tuần và thực hiện hầu hết các hoạt động thể chất khác trong 6-8 tuần sau đó.

Luyện tập

Trước và sau phẫu thuật nội soi khớp gối, các bài tập vận động nhẹ có thể giúp ích. Liên hệ tư vấn với các chuyên gia vật lý trị liệu để tăng cường sức mạnh cơ bắp quanh gối có thể giúp phục hồi chức năng khớp hoàn toàn.

Việc lựa chọn bài tập sẽ phụ thuộc vào mức độ bệnh lý và tình trạng sức khỏe chung của một người.

Xem thêm: Các tổn thương khớp gối thường gặp và hướng điều trị

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top