✴️ Các tổn thương khớp gối thường gặp và một số hướng điều trị

Nội dung

Các tổn thương khớp gối thường gặp.

Khớp gối là một khớp phức tạp giúp thực hiện động tác gập và duỗi thẳng chân để ngồi, ngồi xổm, nhảy và chạy… Khớp gối được tạo thành từ 4 phần:

  • Xương;

  • Sụn;

  • Dây chằng;

  • Gân cơ;

Xương đùi, nằm trên cùng. Xương ống chân, hay xương chày, tạo nên phần dưới của khớp gối. Xương bánh chè bao phủ điểm gặp nhau giữa xương đùi và xương chày.

Sụn là mô đệm cho xương, giúp dây chằng trượt dễ dàng qua xương và bảo vệ xương khi va đập.

Có 4 dây chằng ở khớp gối giữ các xương lại với nhau và ổn định chúng. Gân cơ kết nối các cơ với xương.

Có nhiều dạng chấn thương gối khác nhau. Dưới đây là các chấn thương thường gặp vùng gối.

Gãy xương.

Bất kỳ xương nào đều có thể bị gãy. Xương thường bị gãy nhất ở khớp gối là xương bánh chè.

Chấn thương do va đập mạnh, ngã hoặc tai nạn giao thông, là nguyên nhân thường gây gãy xương. Những người bị loãng xương có nguy cơ gãy xương cao hơn.

Tổn thương dây chằng chéo trước.

Dây chằng chéo trước (ACL) là dây chằng chịu lực lớn nhất ở gối. Các chấn thương ACL có thể nghiêm trọng và cần phải phẫu thuật.

Tổn thương ACL được phân loại theo thang điểm từ một đến ba. Bong dây chằng là cấp độ 1, trong khi cấp độ 3 là rách hoàn toàn.

Các vận động viên tham gia các môn thể thao như bóng đá thường bị tổn thương ACL. Tuy nhiên, các môn thể thao không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra chấn thương này.

Tiếp đất không đúng cách từ một cú nhảy hoặc thay đổi đột ngột hướng chuyển động có thể dẫn đến rách ACL.

gãy xương bánh chè

Trật khớp

Trật khớp xảy ra khi xương ở gối không đúng vị trí bình thường. Trong trật khớp gối, một hoặc nhiều xương có thể bị trượt ra khỏi vị trí. Chấn thương do tai nạn giao thông, ngã và các môn thể thao tiếp xúc.

Rách sụn chêm

Các sụn chêm chêm giữa xương đùi và xương cẳng chân. Sụn chêm có thể bị rách trong các hoạt động thể thao. Cũng có thể bị rách từ từ do lão hóa.

Khi sụn chêm bị rách do quá trình lão hóa tự nhiên, nó được gọi là thoái hóa sụn chêm.

Khi bị rách sụn chêm, có thể nghe hoặc cảm thấy tiếng bật ở gối. Sau chấn thương sẽ đau, sưng và căng tức, có thể tăng dần trong vài ngày sau đó.

Viêm bao hoạt dịch

Bao hoạt dịch là những túi nhỏ chứa dịch giúp các gân và dây chằng trượt dễ dàng trên khớp.

Những túi này bị viêm khi hoạt động quá mức hoặc chịu áp lực nặng liên tục lên khớp gối.

Hầu hết các trường hợp viêm bao hoạt dịch không nghiêm trọng và có thể điều trị bằng cách tự chăm sóc. Tuy nhiên, một số trường hợp cần điều trị kháng sinh hoặc chọc hút.

Viêm gân cơ

Viêm gân cơ thường do chấn thương hoặc tác nhân khác gây tổn thương phần nối cơ với xương.

Viêm gân thường gặp ở các vận động viên thường xuyên tập luyện các hoạt động chạy, nhảy. Tuy nhiên, bất kỳ người hoạt động thể chất nào cũng có thể có nguy cơ mắc bệnh.

Rách gân cơ

Gân là mô mềm kết nối các cơ với xương. Ở gối, gân thường bị thương là gân bánh chè.

Vận động viên hoặc người độ tuổi trung niên tham gia vào các hoạt động thể thao dễ bị rách hoặc giãn gân. Tác động trực tiếp do ngã hoặc va đập cũng có thể gây rách gân.

Tổn thương dây chằng bên hai bên

Các dây chằng bên nối xương đùi với xương cẳng chân. Chấn thương dây chằng bên thường gặp ở các vận động viên.

Rách dây chằng bên thường xảy ra do va đập. Tổn thương dây chằng chéo sau.

Dây chằng chéo sau nằm ở phía sau của đầu gối là một trong các dây chằng kết nối xương đùi với xương cẳng chân. Dây chằng này giữ cho xương cẳng chân không di chuyển quá xa về phía sau.

Chấn thương dây chằng chéo sau cần một lực mạnh khi đầu gối ở tư thế gập. Xảy ra khi ngã mạnh hoặc va đập khi gập gối.

Khi nào nên đi khám

Nếu đau gối trở thành mãn tính, tình trạng đay ngày càng nặng hơn hoặc kéo dài hơn một tuần, người bệnh nên nhập viện.

Trong trường hợp bị va đập mạnh hoặc chấn thương kín, cần nhập viện ngay sau khi chấn thương xảy ra.

Các hướng điều trị

Điều trị sẽ khác nhau dựa trên nguyên nhân. Trong trường hợp hoạt động quá mức, nghỉ ngơi và chườm đá thường sẽ giúp đầu gối hồi phục dần.

Dùng thuốc, nghỉ ngơi trong một khoảng thời gian sau chấn thương.

Các chấn thương nặng như rách dây chằng, sụn chêm, gãy xương cần phẫu thuật. Cần bất động khớp gối sau khi phẫu thuật nên cần có nạng hoặc xe lăn để hỗ trợ di chuyển. Ngoài ra, tập vật lý trị liệu có thể giúp hỗ trợ điều trị.

Phòng ngừa

Không phải lúc nào cũng có thể ngăn ngừa chấn thương gối tuy nhiên có thể chú ý một số điều để giảm nguy cơ ví dụ, khi chạy bộ hoặc chơi thể thao nên mang giày và đồ bảo hộ thích hợp.

Một số bài tập cũng giúp cơ khỏe hơn để giảm nguy cơ chấn thương. Khởi động kĩ trước tập và dãn cơ sau khi tập có thể giúp ngừa chấn thương cho gối.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý, đặc biệt đối với các vận động viên cũng rất quan trọng. Protein, canxi và vitamin D cần thiết để duy trì xương, cơ và dây chằng khỏe mạnh.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top