Theo thống kê có khoảng 20% trường hợp gãy ngón tay để lại di chứng vĩnh viễn gây tàn phế cho bệnh nhân.
Có rất nhiều phương pháp điều trị gãy xương bàn tay và ngón tay nhưng phổ biến nhất vẫn là nắn chỉnh và cố định. Nắn chỉnh là đưa xương gãy về đúng vị trí giải phẫu, cố định là làm cho xương luôn giữ ở vị trí nhất định nhằm liền xương. Có 2 phương pháp điều trị chính là bó bột và phẫu thuật nắn chỉnh cố định gãy xương.
Sau khi trải qua giai đoạn bất động tức là thời kỳ xương đã lành, tổn thương đã ổn định, bỏ bột, tháo nẹp, lúc này xương đã liền và có thể chịu đựng một lực tác dụng lên nó. Do vậy, có thể tiến hành luyện tập phục hồi chức năng.
Phục hồi chức năng đốt ngón tay cần phải có sự kiểm tra và hướng dẫn của thầy thuốc. Tùy vào mức độ tổn thương mà sẽ có những phương pháp phục hồi chức năng hợp lý tránh gây tổn hại đến các đốt ngón tay.
Trước tiên là ngâm bàn, ngón tay vào nước ấm để làm mềm cơ, sau đó xoa bóp nhẹ nhàng ngón tay bị gãy. Vuốt dọc hai bên ngón tay để làm giãn mềm các dây chằng hay sẹo co rút nếu có, làm nhiều lần, nhẹ nhàng tránh xây xước. Sau đó cho tập cử động có trợ giúp nhẹ nhàng bàn tay, ngón tay, tập các động tác gấp duỗi; trong đó lưu ý động tác gập nhiều hơn duỗi.
Sau một thời gian được trợ giúp các ngón tay dần dần trở nên linh hoạt hơn. Lúc đó, người bệnh sẽ được người hướng dẫn tập các bài tập cử động khéo léo của bàn tay, ngón tay bằng cách cầm, nắm, nhặt những vật nhỏ.
Lưu ý là trong giai đoạn này cần phải kiên trì luyện tập, tập đều đặn, từ các động tác dễ đến khó.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh