✴️ Vi khuẩn HP gây ra bệnh gì? viêm loét dạ dày không

Có đến 9/10 bệnh nhân bị viêm loét dạ dày mạn tính có chứa vi khuẩn HP. Vậy vi khuẩn HP gây ra bệnh gì? Liệu có phải vi khuẩn HP chỉ gây ra viêm loét dạ dày không? hay chúng còn có thể gây ra các bệnh lý nguy hiểm nào khác mà bạn không biết? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thêm thông tin giúp bạn hiểu hơn về vi khuẩn HP và các bệnh lý nguy hiểm mà chúng có thể gây ra cho con người.

 

Vi khuẩn HP “phổ biến” thế nào tại Việt Nam?

vi khuẩn HP gây bệnh dạ dày

Khoảng 70% dân số Việt Nam nhiễm vi khuẩn HP, tron đó có đến 9/10 bệnh nhân bị viêm loét dạ dày mãn tính có chứa vi khuẩn HP bên trong dạ dày bởi những thói quen ăn uống, sinh hoạt không khoa học (ảnh mình họa).

Theo thống kê tại Việt Nam, hiện có hơn 70% dân số nước ta bị nhiễm vi khuẩn HP. Trong đó có khoảng 26% dân số mắc bệnh viêm loét dạ dày tá tràng (Theo Hội khoa học Tiêu hóa). Có đến 9/10 bệnh nhân bị viêm loét dạ dày chứa vi khuẩn HP. Đây là con số đáng báo động về tình trạng mắc bệnh viêm loét dạ dày cũng như tình hình lây nhiễm vi khuẩn HP ngày càng phổ biến tại Việt Nam hiện nay.

Điều đáng chú ý là tỷ lệ lây nhiễm vi khuẩn HP trong gia đình là rất cao, đặc biệt là trẻ em dưới tám tuổi với tỷ lệ lây nhiễm từ bố mẹ hoặc người thân trong gia đình bị nhiễm vi khuẩn HP lên đến 96,2%. Điều này hoàn toàn ngược lại so với tỷ lệ nhiễm HP ở các nước phát triển (tỷ lệ trẻ em nhiễm HP rất thấp, chỉ chiếm khoảng 20%, người lớn khoảng 80%).

Vi khuẩn HP diễn biến rất lặng lẽ, chúng thường không biểu hiện các triệu chứng rõ rệt nên hàng ngàn người dân vẫn chủ quan không biết rằng mình đang nhiễm vi khuẩn HP, cho đến khi đi có các triệu chứng hay dấu hiệu nhầm tưởng của bệnh tiêu hóa như đầy hơi, ợ chua, rối loạn tiêu hóa,… đi kiểm tra và thăm khám với bác sĩ mới phát hiện ra mình đã bị nhiễm vi khuẩn HP từ lúc nào không hay.

Loại vi khuẩn này không quá “ghê gớm” như nhiều người vẫn nghĩ nhưng chúng cũng là “mầm mống” gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm điển hình là viêm dạ dày, loét dạ dày tá tràng, nguy hiểm hơn là ung thư dạ dày các bệnh lý khác ở đường tiêu hóa.

 

Vi khuẩn HP gây ra bệnh gì?

Viêm cấp tính niêm mạc dạ dày

Viêm dạ dày cấp tính là một trong những tác hại đầu tiên mà vi khuẩn Hp gây ra. Hầu như những bệnh nhân khi mới nhiễm HP không có triệu chứng gì, chỉ có một số ít người trong giai đoạn nhiễm cấp tính có biểu hiện lâm sàng như: Đầy bụng, buồn nôn, chán ăn… Những triệu chứng này thường làm chúng ta dễ nhầm lẫn với những căn bệnh khác, thậm chí có nhiều người chủ quan làm cho bệnh dễ chuyển biến qua giai đoạn nặng.

Viêm mạn tính niêm mạc dạ dày

Sau giai đoạn viêm cấp tính, có hoặc không có triệu chứng gì xảy ra, nếu như không được thăm khám và điều trị, để kéo dài lâu ngày có thể dẫn đến viêm dạ dày mạn tính rất khó chữa và dẫn đến các bệnh lý nguy hiểm tiếp theo đó là loét dạ dày, ung thư dạ dày.

Loét dạ dày tá tràng

Khi vi khuẩn HP vào trong dạ dày, chúng sẽ sống ký sinh trên bề mặt niêm mạc dạ dày, làm tổn thương niêm mạc dạ dày. Khi bề mặt niêm mạc dạ dày bị tổn thương thường tạo ra các vết loét, gây viêm nhiễm ở các hố loét dẫn đến các cơn đau dạ dày, thậm chí là xung huyết dạ dày. Viêm loét dạ dày là bệnh phổ biến nguyên nhân chính là do vi khuẩn HP gây ra.

Ung thư dạ dày

vi khuẩn HP nguy hiểm gây bệnh ung thư dạ dày

Vi khuẩn HP là một trong những nguyên nhân chính gây bệnh ung thư dạ dày nếu bệnh nhân không được phát hiện sớm và điều trị hiệu quả (ảnh minh họa).

Các vết loét trên bề mặt niêm mạc dạ dày lâu lành nếu vi khuẩn HP vẫn còn tồn tại và trú ngụ ở các khu vực đó. Những vết loét này sẽ ngày càng nhân rộng hơn, thức ăn đọng lại tại các vết loét lâu ngày có thể gây nhiễm trùng, hoại tử và thậm chí là ung thư dạ dày.

Theo thống kê, vi khuẩn HP là yếu tố nguy cơ chính ở 65–80% ca ung thư dạ dày, nhưng chỉ có ở 2% số người bị nhiễm vi khuẩn này. Đây không phải là con số nhỏ so với tình trạng số người dân mắc vi khuẩn HP ngày càng ra tăng như tại Việt Nam hiện nay.

Đặc biêt là ung thư dạ dày thường không có triệu chứng bị bệnh hoặc có các triệu chứng không rõ ràng trong giai đoạn đầu và thường nhầm lẫn với các bệnh tiêu hóa thông thường. Khi triệu chứng xuất hiện thì lúc đó ung thư nhìn chung đã di căn đến các bộ phận khác của cơ thể, đó là một trong những lý do chính gây chẩn đoán bệnh khó.

 

Điều trị vi khuẩn HP như thế nào?

Để tiêu diệt vi khuẩn HP trên những đối tượng có nhiễm khuẩn HP được chỉ định đối với các trường hợp: viêm loét dạ dày tá tràng, viêm dạ dày cấp, mạn tính, ung thư dạ dày… cần tuân theo chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa. Các bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng các vết loét, tình trạng viêm nhiễm, mức độ của bệnh để từ đó có phác đồ điều trị tốt nhất nhằm ức chế hoặc tiêu diệt loại vi khuẩn này.

Điều trị dự phòng ung thư dạ dày cho những người nhiễm vi khuẩn HP trong trường hợp: gia đình có người mắc bệnh ung thư dạ dày, có polyp dạ dày, viêm teo niêm mạc dạ dày…

 

Các triệu chứng bạn nên đi khám ngay

Khi có các triệu chứng sau đây, bạn nên đi thăm khám sớm bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để có biện pháp phòng và điều trị vi khuẩn HP tốt nhất:

  • Đau bụng sau khi ăn

  • Buồn nôn

  • Chán ăn

  • Ợ nóng thường xuyên

  • Đầy hơi

  • Hôi miệng

  • Sút cân không rõ nguyên nhân

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top