✴️ Dậy thì sớm do sữa bò

Nội dung

Dậy thì là gì

Dậy thì là quá trình thay đổi thể chất qua đó cơ thể của một đứa trẻ phát triển thành một cơ thể trưởng thành có khả năng sinh sản hữu tính được bắt đầu bởi các tín hiệu nội tiết tố từ  não đến tuyến sinh dục. Tăng trưởng thể chất - chiều cao và khối lượng cơ thể tăng mạnh trong nửa đầu tuổi dậy thì và được hoàn thành khi cơ thể trưởng thành được phát triển hoàn toàn. Cho đến khi hoàn toàn trưởng thành về khả năng sinh sản, sự khác biệt về thể chất trước tuổi dậy thì giữa bé trai và bé gái là cơ quan sinh dục bên ngoài.

Trung bình, các bé gái bắt đầu dậy thì vào khoảng 10 - 11 tuổi và kết thúc dậy thì vào khoảng 15-17 tuổi; các cậu bé bắt đầu khoảng 11-12 tuổi và kết thúc vào khoảng 16-17 tuổi

Dậy thì sớm là gì?

Dậy thì sớm là quá trình biến đổi cơ thể của trẻ diễn ra sớm hơn bình thường. Hiện nay, mốc của dậy thì sớm là:

  • Trước 8 tuổi ở trẻ gái

  • Trước 9 tuổi ở trẻ nam

Nguyên nhân

Cơ thể trẻ đến thời điểm đủ để dậy thì (đủ lớn) thì trẻ sẽ dậy thì. Đây là lí do giải thích cho tỉ lệ trẻ dậy thì sớm nhiều hơn theo thời đại: lớn nhanh quá, to cân quá, nhiều trẻ béo phì hơn. Lúc này thì dậy thì sớm không phải bệnh lý.
Có vấn đề bất thường: khối u tiết hóc môn giới tính ở não, buồng trứng, tinh hoàn (u tiết nhiều và sớm hơn bình thường).
Trẻ dùng các sản phẩm bôi lên da của người lớn mà có hóc môn giới tính trong đó.
Hiện chưa có công bố nào cho thấy sữa bò cùng các chất có trong đó trực tiếp làm dậy thì sớm.

dậy thì sớm ở trẻ
 

Dấu hiệu của dậy thì sớm

Ta sẽ nghĩ đến con em mình dậy thì sớm mà có thể cần đi khám là khi có các dấu hiệu của dậy thì trước mốc 8, 9 tuổi (lớp 2, lớp 3):

Ở bé gái

  • Ngực lớn hơn (có thể do béo)

  • Bắt đầu có lông vùng kín hoặc lông nách. Ở trẻ gái, đây có thể là dấu hiệu đầu tiên.

  • Có kinh nguyệt (thường sau khi có dấu hiệu đầu tiên 1 - 2 năm)

Ở bé trai

  • Tinh hoàn to dần

  • Có lông vùng kín

  • Dương vật dần to hơn

  • Vỡ giọng

  • Xuất hiện mộng tinh

Thăm khám

  • Bác sĩ sẽ khám, đo đạc và hỏi thêm trẻ với quy trình tiếp xúc với trẻ vị thành niên.

  • Có thể sẽ cần chụp XQ xương để đánh giá tuổi xương (tốc độ lớn của trẻ thực sự). Từ đó sẽ quyết định làm thêm các thăm dò khác (siêu âm bụng, CT bụng, não, xét nghiệm máu).

  • Lặp lại nghiệm pháp trên nếu cần thiết.

Điều trị và theo dõi

Không phải bé nào cũng phải dùng thuốc. Tuỳ đánh giá mà bác sĩ chuyên khoa sẽ tư vấn thêm, chúng ta không cần bàn ở đây. Dậy thì sớm ảnh hưởng đến phát triển tâm sinh lý của trẻ. Trẻ thường không cao như trẻ cùng tuổi.

 Quan điểm dậy thì sớm do sữa bò

Vào năm 1997, một nghiên cứu lớn công bố tỉ lệ trẻ gái dậy thì sớm càng ngày càng cao. Ngay lập tức, người Mỹ bắt đầu nghi ngờ sữa bò - thứ được tiêu thụ rất lớn, quảng cáo mạnh mẽ và đã có nhiều chất kích thích được sử dụng.

20 năm qua, nhiều nghiên cứu đã được thực hiện, nhưng không tìm được mối liên quan rõ ràng nào. Người ta chỉ thấy béo phì mới làm cho trẻ gái dậy thì sớm. Chứ không phải sữa bò. Nghiên cứu năm 2011 của TS. Kaplowitz chỉ ra trẻ gái dậy thì sớm có BMI (chỉ số khối cơ thể) cao hơn (béo hơn).

Ban đầu, rBGH - hormon tăng trưởng tái tổ hợp cho bò (recombinant bovine growth hormon) (dùng để kích sữa thêm 10%) được coi là tội đồ.
Tiến sĩ Paul Kaplowitz - người viết sách “Dậy thì sớm ở trẻ gái” nói rõ: rBGH nếu còn dư trong sữa thì cũng KHÔNG còn hoạt tính. Chất này phải tiêm mới có hoạt tính, còn nuốt vào bụng thì không.


IGF-I trong sữa bò

Trong các nghiên cứu tìm hiểu về sữa bò, người ta ghi nhận chất IGF-I với cấu trúc na ná insulin có trong sữa bò. Tất nhiên sinh ra với mục đích để bê con lớn nhanh lên đến cỡ trăm cân (tốc độ cao hơn hẳn em bé). Với suy nghĩ đó, IGF-I được coi là tội đồ tiếp theo.

Tuy nhiên, FDA Mỹ đã kết luận lượng IGF-I này được tiêu hoá do đó không bị hấp thu trực tiếp. Và lượng IGF-I này như nhau ở sữa bò có kích thích hormon, sữa bò organic và trẻ ăn sữa mẹ.

Các chuyên gia bên nông nghiệp cũng khẳng định, các dư lượng chất kích thích đều mất hoạt tính khi qua qua trình tiêu hoá ác liệt của con người.
     dậy thì sớm do sữa bò

 

Thực phẩm khiến trẻ dậy thì sớm

Các bác sĩ và nhà nghiên cứu qua một vài nghiên cứu đã chỉ ra các yếu tố có thể liên quan đến tỉ lệ dậy thì sớm (ảnh hưởng tới hormon và ảnh hưởng đến BMI):

  • Ăn nhiều, không điều độ và bị béo.

  • Ăn nhiều thịt, ít rau củ quả.

  • Phơi nhiễm đồ nhựa chứa BPA, PVC: lật chai nước, kí hiệu tam giác tái chế đánh số 3 và 7.

  • Uống nhiều nước ngọt có ga.

  • Ăn nhiều đồ ăn nhanh.

Tổng kết

Sữa bò & các chất bị nghi ngờ đều bị phân giải ở đường tiêu hoá người và mất hoạt tính (không còn tác dụng). Sữa bò vẫn là nguồn năng lượng, calci, sắt quan trọng cho trẻ em. Béo phì, chế độ ăn không lành mạnh và một số chất độc có trong đồ plastic mới góp phần gây dậy thì sớm.
Sữa bò (nếu dùng điều độ) không gây dậy thì sớm và có lợi cho tăng chiều cao. Sữa hạt với giá trị dinh dưỡng thấp, không thể thay thế cho sữa bò trong khẩu phần ăn hàng ngày.


Lời khuyên dành cho phụ huynh

  • Cho trẻ ăn uống cân đối (vừa đủ đạm động vật).
  • Uống vừa đủ sữa bò, không lạm dụng.
  • Khuyến khích tập thể dục
  • Giảm đồ ăn nhanh, chế biến sẵn.
  • Xây dựng thói quen ăn nhiều rau củ quả để đủ vi chất.
  • Ưu tiên dùng các sản phẩm hữu cơ.
  • Tránh đồ có BPA (đồ nhựa có tam giác tái chế ♻ số 7).
  • Tránh đồ có phtalate (đồ nhựa có tam giác tái chế ♻ số 3).
  • Đi khám và tư vấn sớm nếu có các dấu hiệu của dậy thì sớm ở cả trẻ nam và nữ.

 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top