Nguyên nhân của hẹp van hai lá

Hẹp van hai lá là gì?

Van hai lá (còn được gọi là van nhĩ thất trái) là van tim có cấu tạo dạng hai lá, nằm giữa tâm nhĩ trái và tâm thất trái. Bên cạnh van hai lá còn có van ba lá, và chúng được gọi chung là van nhĩ thất do chúng nằm giữa tâm nhĩ và tâm thất. Hai lá hay bá lá là cách chỉ cấu tạo của chúng.

Ở người bình thường, van hai lá mở, tâm nhĩ trái co cho dòng máu chảy qua trong thời kỳ tâm trương, và khi tâm thất trái co trong thời kỳ tâm thu thì van hai lá được đóng lại. Sự đóng và mở van xảy ra do sự chênh lệch áp suất, mở ra khi máu suất ở tâm nhĩ trái lớn hơn ở tâm thất và đóng lại khi áp suất ở tâm thất lớn hơn tâm nhĩ.

Trong hẹp van hai lá, van không mở hết làm giảm lượng máu xuống tâm thất và ứ lại tại nhĩ trái từ đó máu ứ lại phổi gây ra triệu chứng khó thở trên lâm sàng. Máu ứ tại phổi làm tăng áp phổi, gây suy tim phải. Do vậy hẹp van hai lá gây khó thở giống như suy tim trái nhưng thực chất là suy tim phải. Hẹp van hai lá gây biến chứng cấp tính nguy hiểm nhất là phù phổi cấp. Thường xảy ra khi gắng sức, mang thai, nhiễm trùng, truyền dịch nhiều…Biểu hiện khó thở dữ dội, vật vã, kích thích, trào bọt hồng… Cần xử trí cấp cứu nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Các biến chứng khác có thể gặp là suy tim phải, rung nhĩ (loạn nhịp tim, nguy cơ tắc mạch, nhồi máu não).

Có nhiều nguyên nhân bệnh hẹp van hai lá, bao gồm:

  • Do di chứng của thấp tim (bệnh van tim hậu thấp). Đây là nguyên nhân phổ biến nhất
  • Van hai lá hình dù
  • Vòng thắt trên van hai lá
  • Lupus ban đỏ hệ thống
  • U carcinoid

 

Các triệu chứng

Trong bệnh hẹp van hai lá, áp lực máu tích tụ trong tim tác động ngược lại phổi, dẫn đến tích tụ và ứ máu tại phổi, kéo theo tình trạng khó thở. Tình trạng này thường tiến triển chậm theo thời gian. Đôi khi, người bệnh cảm thấy bình thường và sống chung với chứng hẹp van hai lá mà không có khó khăn gì quá nhiều, nhưng cũng có các trường hợp có thể có các triệu chứng nhẹ trong nhiều năm. Các triệu chứng của hẹp van hai lá thường xuất hiện ở độ tuổi từ 15 đến 40, nhưng chúng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi - ngay cả trong thời thơ ấu.

Các dấu hiệu và triệu chứng của hẹp van hai lá bao gồm:

  • Khó thở, đặc biệt là khi hoạt động hoặc khi nằm xuống
  • Mệt mỏi, đặc biệt là khi hoạt động mạnh
  • Phù ở bàn chân
  • Cảm giác tim đập nhanh (đánh trống ngực)
  • Khó chịu ở ngực hoặc đau tức ngực
  • Ho ra máu
  • Chóng mặt hoặc ngất xỉu
  • Tiếng thổi ở van tim
  • Ứ dịch và máu trong phổi
  • Nhịp tim bất thường (loạn nhịp tim)

Các triệu chứng hẹp van hai lá có thể xuất hiện hoặc trầm trọng hơn bất cứ lúc nào nhịp tim tăng lên, chẳng hạn như khi tập thể dục. Trong một số trường hợp, các triệu chứng có thể được kích hoạt do một số yếu tố như mang thai/hoặc những các yếu tố gây căng thẳng hay tác động vào cơ thể, chẳng hạn như tình trạng nhiễm trùng.

 

Nguyên nhân của hẹp van hai lá

Nguyên nhân của hẹp van hai lá bao gồm:

  • Sốt thấp khớp. Một biến chứng của viêm họng hạt, sốt thấp khớp có thể làm hỏng van hai lá. Sốt thấp khớp là nguyên nhân phổ biến nhất của hẹp van hai lá, còn được gọi là do di chứng của thấp tim (bệnh van tim hậu thấp).  Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh có thể không xuất hiện trong nhiều năm.
  • Cặn canxi. Khi tuổi cao đi, cặn canxi có thể tích tụ xung quanh van hai lá (hình khuyên), đôi khi có thể gây hẹp van hai lá.
  • Xạ trị. Điều trị một số loại ung thư cần bức xạ vào vùng ngực đôi khi có thể khiến van hai lá dày lên và xơ cứng lại.
  • Các nguyên khác. Trong một số trường hợp hiếm hoi, trẻ sinh ra bị hẹp van hai lá (khuyết tật bẩm sinh) gây ra các vấn đề theo thời gian phát triển. Một số bệnh tự miễn, chẳng hạn như lupus, cũng có thể hiếm khi gây ra hẹp van hai lá.

 

Các yếu tố nguy cơ gây hẹp van hai lá

Các yếu tố nguy cơ của hẹp van hai lá bao gồm nhiễm trùng liên cầu không được điều trị và tiền sử sốt trong bệnh thấp khớp. Người lớn tuổi có nhiều nguy cơ bị hẹp van hai lá hơn người trẻ tuổi. Hiếm khi, những người được xạ trị vào vùng ngực đối với một số loại ung thư có thể bị hẹp van hai lá.

 

Các biến chứng gặp phải của hẹp van hai lá

Giống như các vấn đề về van tim khác, hẹp van hai lá có thể làm tăng áp lực cho tim cũng như giảm lưu lượng máu. Hẹp van hai lá không được điều trị có thể dẫn đến các biến chứng như:

  • Tăng áp lực động mạch phổi. Tăng áp lực động mạch phổi khiến tim làm việc nhiều hơn, vất vả hơn.
  • Suy tim. Van hai lá bị hẹp làm cản trở dòng chảy của máu. Kết quả là, áp lực máu ứ lại, tích tụ có thể tăng lên trong phổi. Tình trạng này làm tăng áp lực dần dần lên buồng tim phải, dẫn đến suy tim phải.
  • Dịch trong phổi (phù phổi). Trong tình trạng này, máu và chất lỏng sẽ trào ngược vào phổi. Phù phổi có thể gây khó thở và có thể khiến ho ra chất nhầy nhuốm máu.
  • Tim to. Sự tích tụ làm áp lực của chứng hẹp van hai lá dẫn đến việc buồng tâm nhĩ trái của tim bị to ra.
  • Rung nhĩ. Sự giãn nở và to ra của tâm nhĩ trái có thể dẫn đến vấn đề về nhịp tim, trong đó các buồng tâm nhĩ của tim đập một cách hỗn loạn và quá nhanh.
  • Các cục máu đông. Rung nhĩ không được điều trị có thể gây ra hình thành cục máu đông ở tâm nhĩ. Các cục máu đông từ tim có thể vỡ ra và di chuyển đến các bộ phận khác của cơ thể, gây ra các vấn đề nghiêm trọng, chẳng hạn như đột quỵ nếu cục máu đông làm tắc nghẽn mạch máu trong não.

 

Điều trị hẹp van hai lá

Nếu tình trạng hẹp van hai lá ở mức độ nhẹ đến trung bình mà không có triệu chứng nặng nề, người bệnh có thể không cần điều trị ngay lập tức. Thay vào đó, bác sĩ sẽ theo dõi hoạt động của van tim để xem tình trạng có xấu đi hay không.

1. Sử dụng thuốc

Không có loại thuốc nào có thể điều chỉnh được tình trạng bệnh lý này của van hai lá. Tuy nhiên, một số loại thuốc có thể làm giảm các triệu chứng bằng cách giảm bớt áp lực cho tim và kiểm soát nhịp tim.

Bác sĩ có thể kê một hoặc nhiều loại thuốc sau:

  • Thuốc lợi tiểu để giảm tích tụ chất lỏng trong phổi hoặc các vị trí khác trên cơ thể.
  • Thuốc làm loãng máu (thuốc chống đông máu) để giúp ngăn ngừa cục máu đông.
  • Thuốc chẹn beta giao cảm, thuốc chẹn kênh canxi hoặc glycoside digitalis để làm chậm nhịp tim và cho phép tim hoạt động hiệu quả hơn trong việc bơm máu.
  • Thuốc chống loạn nhịp tim để điều trị rung nhĩ hoặc nhịp tim không đều khác liên quan đến hẹp van hai lá.
  • Thuốc kháng sinh để ngăn ngừa sự tái phát của bệnh lý gây ra hẹp van hai lá, như sôt thấp khớp

2. Phẫu thuật hoặc các phương pháp khác

Người bệnh thể cần phẫu thuật hoặc thay thế van để điều trị tình trạng hẹp van hai lá, và chúng bao gồm các lựa chọn phẫu thuật và không phẫu thuật.

  • Nong van hai lá bằng bóng qua da. Còn được gọi là phẫu thuật van tim bằng bóng, trong thủ thuật này bác sĩ sẽ đưa ống thông qua tĩnh mạch đùi vào tâm nhĩ phải rồi chọc qua vách liên nhĩ sang nhĩ trái, đưa xuống van hai lá. Sau đó bóng sẽ được bơm lên để tách hai mép van ra. Chỉ định nong van khi hẹp hai lá khít (diện tích lỗ van dưới 1,5 cm2) và có triệu chứng trên lâm sàng, hình thái van phù hợp, không có huyết khối trong nhĩ trái, không có hở van hai lá kèm theo, hoặc hở hẹp van động mạch chủ mức độ vừa nhiều và chưa ảnh hưởng đến chức năng thất trái. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người bị hẹp van hai lá đều phù hợp với phẫu thuật nong van bằng bóng. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ kỹ càng.

  • Thay van hai lá. Nếu van hai lá không thể sửa chữa được, có thể đề nghị phẫu thuật để thay thế van bị hỏng bằng van cơ học hoặc van làm từ mô tim của bò, lợn hoặc người khác.

Các van từ mô sinh học bị hỏng theo thời gian và có thể cần được thay thế. Nếu bị hở van cơ học, người bệnh sẽ phải dùng các uống thuốc làm loãng máu suốt đời để ngăn ngừa tình trạng hình thành các cục máu đông. 

 

Phòng ngừa tình trạng hẹp van hai lá

Cách tốt nhất để ngăn ngừa hẹp van hai lá là ngăn chặn nguyên nhân phổ biến nhất của nó: sốt thấp khớp. Nhiễm trùng họng do liên cầu không được điều trị có thể phát triển và kéo theo làm tăng nguy cơ gặp phải bệnh. Tuy nhiên, viêm họng do liên cầu khuẩn thường dễ dàng điều trị bằng thuốc kháng sinh. Do vậy, các bậc cha mẹ nên theo dõi sát tình trạng của con em mình để có thể có xử trí chính xác, kịp thời.

Thay đổi lối sống và các thói quen không tốt

  • Hạn chế muối. Muối trong thức ăn và đồ uống có thể làm tăng áp lực cho tim mạch. Do vậy, nên tránh thức ăn có hàm lượng natri cao. Không nên thêm muối vào thức ăn, cũng như sử dụng các thực phẩm ít muối bán sẵn.
  • Duy trì cân nặng hợp lý. 
  • Cắt giảm rượu và các chất kích thích khác. Sử dụng nhiều rượu, caffeine, nicotine và các chất kích thích khác có thể khiến tim đập nhanh hơn và làm rối loạn nhịp tim trầm trọng hơn.
  • Tập thể dục thường xuyên. Tập thể dục chăm chỉ trong bao lâu có thể phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh và cường độ của bài tập luyện. Tuy nhiên, nên tập thể dục ít nhất ở mức độ thấp và duy trì chúng thường xuyên. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn trước khi bắt đầu tập thể dục, đặc biệt nếu đang xem xét các môn thể thao mang tính đối kháng hay cạnh tranh.
  • Từ bỏ hút thuốc. Nếu là người hút thuốc, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về các phương pháp từ bỏ thuốc.
  • Đi khám bác sĩ thường xuyên. Kiểm tra sức khỏe thường xuyên bằng cách đi khám thường xuyên. Nếu thường xuyên gặp tình trạng đánh trống ngực hoặc cảm thấy tim đập nhanh, hãy đi khám càng sớm càng tốt. Tình trạng nhịp tim nhanh không được điều trị có thể khiến bệnh trở nên tồi tệ một cách nhanh chóng ở những người bị hẹp van hai lá.

Đối với phụ nữ bị hẹp van hai lá, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về kế hoạch hóa gia đình trước khi mang thai. Mang thai là một quá trình với nhiều thay đổi, và nó cũng khiến tim phải làm việc nhiều hơn. Phụ nữ mang thai gặp phải tình trạng hẹp van hai lá cần được theo dõi chặt chẽ.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top