✴️ Quy trình kỹ thuật tiêm gân gấp ngón tay dưới hướng dẫn của siêu âm

ĐẠI CƯƠNG

Viêm gân gấp ngón tay hay còn gọi là ngón tay lò xo là tình trạng viêm gân, bao gân gấp ngón tay. Trên thế giới tỷ lệ bệnh gặp khoảng 2,6% dân số và khoảng 10% ở các bệnh nhân đái tháo đường. Tại Việt Nam, theo thống kê tại khoa Cơ Xương Khớp tỷ lệ gặp ngón tay lò xo trong các bệnh lý phần mềm quanh khớp là 17,8%.

Điều trị bao gồm: giảm vận động ngón tay, thuốc CVKS, thuốc giảm đau và tiêm corticoid tại chỗ.

Tiêm cortioid dưới hướng dẫn của siêu âm trong điều trị viêm gân gấp ngón tay cho phép đưa thuốc chính xác vào bao gân, tránh các tổn thương vào thần kinh và mạch máu do vậy em lại hiệu quả điều trị cao hơn so với phương pháp tiêm kinh điển trước đây.

 

CHỈ ĐỊNH

Viêm gân gấp ngón tay.

 

CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Nhiễm khuẩn ngoài da vùng tiêm khớp, nhiễm nấm.

Cơ địa suy giảm miễn dịch.

Lưu ý: thận trọng với bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh máu- cần theo dõi sau tiêm ít nhất 60 phút. Chỉ thực hiện thủ thuật khi các bệnh lý trên đã được kiểm soát tốt. 

 

CHUẨN BỊ

Cán bộ chuyên khoa

01 Bác sỹ đã được đào tạo và cấp chứng chỉ chuyên ngành cơ xương khớp và chứng chỉ tiêm khớp; chứng chỉ siêu âm.

01 Điều dưỡng.

Phương tiện

01 máy siêu âm có đầu dò Linear 5-9MHz.

Túi bọc đầu dò siêu âm.

Găng vô khuẩn.

Kim tiêm, bơm tiêm 5 ml.

Bông, cồn iod sát trùng, panh, băng dính .

Chuẩn bị bệnh nhân.

Người bệnh được giải thích trước khi làm thủ thuật.

Có chỉ định của bác sỹ chuyên khoa.

Hồ sơ bệnh án, đơn thuốc

Theo mẫu quy định.

 

CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

Thực hiện tại phòng thủ thuật xương khớp vô khuẩn theo quy định

Kiểm tra hồ sơ bệnh án hoặc đơn về chỉ định, chống chỉ định.

Chuẩn bị bệnh nhân: hướng dẫn tư thế bệnh nhân ngồi để ngửa bàn tay.

Chuẩn bị dụng cụ: thuốc 0,2 ml Depomedrol, bơm tiêm, kim tiêm, găng tay vô khuẩn, săng, bông băng cồn sát khuẩn, băng dán.

Kiểm tra máy siêu âm và đầu dò.

Kiểm tra vị trí tiêm: mặt gan tay của khớp bàn ngón

Sát trùng tay, đi găng vô khuẩn.

Bọc đầu dò bằng găng vô khuẩn - Sát khuẩn bằng cồn iod tại vị trí tiêm.

Siêu âm xác định vị trí cần tiêm:

Đặt đầu dò ở lát cắt ngang qua khớp bàn ngón tay, vị trí tiêm là đưa kim vào được chính xác vùng tam giác ngay dưới ròng rọc A1. Vùng tam giác này được giới hạn bởi gân gấp chung các ngón, nền xương bàn ngón tay và khoảng cách từ khớp bàn ngón đến ròng rọc.

Tiến hành chọc kim qua da, hướng kim tạo một góc 70 độ so với mặt phẳng nằm ngang và đồng thời quan sát trên màn hình. Khi kim vào đúng vị trí tam giác ở phía bên trái của trung tâm màn hình thì tiến hành tiêm thuốc.

Sát khuẩn, băng tại chỗ.

Dặn dò bệnh nhân sau làm thủ thuật: bệnh nhân không cho nước tiếp xúc với vị trí tiêm và hạn chế vận động khớp trong vòng 24h. Sau 24h mới bỏ băng dính và rửa nước bình thường vào chỗ tiêm

 

THEO DÕI

Chỉ số theo dõi: mạch, huyết áp, tình trạng chảy máu tại chỗ, tình trạng viêm trong 24 h Theo dõi các tai biến và tác dụng phụ có thể xảy ra (bên dưới) sau 24 h.

Theo dõi hiệu quả điều trị.

 

TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ

Đau tăng sau khi tiêm 12-24 giờ: do phản ứng viêm màng hoạt dịch với thuốc depo-medrol, thường khi sau một ngày, không phải can thiệp, có thể bổ sung giảm đau paracetamol.

Nhiễm khuẩn khớp, phần mềm quanh khớp do thủ thuật tiêm (viêm mủ): biểu hiện bằng sốt, sưng đau tại chỗ, tràn dịch => điều trị kháng sinh.

Biến chứng hiếm gặp: tai biến do bệnh nhân quá sợ hãi- biểu hiện kích thích hệ phó giao cảm: bệnh nhân choáng váng, vã mồ hôi, ho khan, có cảm giác tức ngực khó thở, rối loạn cơ tròn...

Xử trí: đặt bệnh nhân nằm đầu thấp, giơ cao chân, theo dõi mạch, huyết áp để có các biện pháp xử trí cấp cứu khi cần thiết.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bộ Y tế, quy trình kỹ thuật bệnh viện.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top