Thoát vị đĩa đệm ở người trẻ tuổi và những điều cần biết

Thoát vị đĩa đệm ở người trẻ tuổi nguyên nhân do đâu?

Thoát vị đĩa đệm ở người trẻ tuổi là hiện tượng khối nhân nhầy thoát ra ngoài do bao xơ bị nứt, rách khiến các rễ dây thần kinh dọc cột sống bị chèn ép dẫn đến rối loạn cảm giác và đau nhức lan tỏa.

Thoát vị đĩa đệm có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trên cột sống. Tuy nhiên, thường gặp nhất là thoát vị đĩa đệm cột sống cổ và thắt lưng. Đây là 2 vị trí đĩa đệm phải chịu áp lực lớn nên dễ bị tổn thương nhất.

Nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm ở người trẻ tuổi thường là do:

- Chấn thương: Đây là nguyên nhân thường gặp nhất của thoát vị đĩa đệm ở người trẻ tuổi. Chấn thương khi lao động hay chơi thể thao có thể gây nứt, rách bao xơ, làm nhân nhầy nhanh chóng thoát ra khỏi vị trí ban đầu, chèn ép vào rễ và dây thần kinh.

- Thiếu hụt dưỡng chất cần thiết cho đĩa đệm: Không cung cấp đủ vitamin, khoáng chất, nước cho cột sống lâu ngày khiến đĩa đệm bị suy yếu, dễ tổn thương.

- Tính chất công việc: Ở những người trẻ tuổi thường xuyên làm những công việc nặng nhọc như mang vác vật nặng, ngồi hoặc đứng lâu một chỗ, ít vận động khiến đĩa đệm bị thoái hóa, xơ cứng, mất nước, dễ nứt vỡ dẫn đến thoát vị.

- Duy trì tư thế xấu trong sinh hoạt: Ngồi/đứng sai tư thế, cong vẹo cột sống, gù lưng, đeo túi nặng lệch vai lâu ngày… khiến đĩa đệm bị tổn thương, gây phồng hoặc thoát vị đĩa đệm.

 

Các dấu hiệu nhận biết thoát vị đĩa đệm ở người trẻ tuổi

Thoát vị đĩa đệm ở người trẻ tuổi thường có một số dấu hiệu nhận biết như sau:

- Đau nhức ở vị trí bị tổn thương, có thể xuất hiện cơn đau âm ỉ hoặc dữ dội.

- Nếu bị thoát vị đĩa đệm cổ, cơn đau thường lan tỏa đến vai, vùng lưng trên, lên đầu và xuống hai cánh tay. Nếu thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, cơn đau có xu hướng lan xuống mông, đùi và hai cẳng chân, có thể xuống bàn chân nếu dây thần kinh tọa bị chèn ép.

- Cơn đau giảm khi nghỉ ngơi hoặc nằm.

- Tê cứng thường xuyên tái phát và mức độ nặng tăng dần.

Thoát vị đĩa đệm ở người trẻ tuổi dễ hồi phục hơn người cao tuổi, tuy nhiên, đây vẫn là căn bệnh được đánh giá là nguy hiểm nếu không phát hiện sớm và có biện pháp điều trị kịp thời. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như teo cơ không phục hồi, rối loạn cơ vòng, bại liệt…

 

Cách điều trị thoát vị đĩa đệm tại nhà

Có nhiều phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm tại nhà, người mắc có thể áp dụng khi bệnh ở giai đoạn nhẹ hoặc kết hợp với các phương pháp điều trị khác với trường hợp nặng hơn. Một số phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm tại nhà có thể kể đến như sau:

Nghỉ ngơi

Nếu đau nhức nghiêm trọng, nên nghỉ ngơi nhiều hơn trong 1 đến 2 ngày đầu. Chỉ nên thực hiện những động tác nhẹ nhàng, tránh mang vác nặng hay vận động gắng sức để cột sống có thời gian phục hồi.

Chườm nóng/lạnh

Giúp xoa dịu cơn đau nhức, giảm viêm hiệu quả. Chườm nóng còn giúp tăng cường lưu thông máu nuôi dưỡng cột sống, thư giãn các đốt sống, tăng tính đàn hồi cho đĩa đệm, giúp quá trình vận động nhẹ nhàng hơn.

Duy trì vận động

Khi cơn đau giảm dần, người bệnh nên duy trì thói quen vận động, luyện tập khoảng 30 phút mỗi ngày giúp tăng tính linh hoạt của xương khớp. Những hoạt động thể thao tốt cho người bệnh có thể kể đến như đi bộ, đạp xe, tập yoga…

Chế độ ăn uống lành mạnh

Nên bổ sung các thực phẩm chứa nhiều dưỡng chất cho xương khớp như omega-3, protein, calci… giúp đĩa đệm chắc khỏe, đàn hồi tốt, làm chậm quá trình thoái hóa.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top