Các bệnh như lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp, viêm da cơ, xơ cứng bì... là những bệnh khớp tự miễn rất thường gặp. Vấn đề điều trị các bệnh lý này hiện nay tuy đã có nhiều loại thuốc nhưng chúng đều có những tác dụng phụ đáng kể. Các thuốc này chủ yếu là nhóm thuốc ức chế miễn dịch như corticoid, cyclophosphomid, methotrexat...
Hiện nay, một loại thuốc được đưa vào sử dụng trong các bệnh lý khớp tự miễn, hứa hẹn khắc phục một phần nhược điểm của các thuốc trên, đó là mycophenolat mophetil (MM).
M không phải là thuốc xa lạ, bởi nó đã được dùng tương đối phổ biến trong điều trị chống thải ghép tạng. Gần đây trong các nghiên cứu, các nhà khoa học lại phát hiện thêm vai trò của nó trong bệnh lý khớp tự miễn.
Trong các bệnh tự miễn dịch, các tế bào lympho T và B đóng vai trò rất quan trọng trong sinh bệnh học. MM có tác dụng lên các tế bào lympho T, B qua đó ức chế sự hình thành các kháng thể và các tế bào lympho T gây độc. Thuốc cũng đồng thời làm giảm sự trình diện của các phân tử kết dính, do đó gây ức chế sự gắn kết của các tế bào lympho với các tế bào nội mô, làm hạn chế vai trò các tế bào này trong các bệnh tự miễn.
Có hai dạng dùng của MM là đường uống và đường tiêm với sinh khả dụng đường uống bằng khoảng 94% so với đường tiêm tĩnh mạch. Dùng thuốc cùng thức ăn không làm giảm độ hấp thu thuốc nhưng làm giảm nồng độ tối đa của thuốc trong huyết tương từ 20- 40%.
Sau khi vào máu, thuốc được chuyển hóa nhanh thông qua quá trình thủy phân hầu như hoàn toàn thành dạng hoạt tính là acid mycophenolic. Phần lớn MM (> 90%) được bài tiết qua nước tiểu, khoảng 5,5% đào thải qua phân.
MM là loại thuốc điều trị bệnh lý khớp tự miễn, hạn chế được các tác dụng phụ.
Trong chống thải ghép tạng, MM là một chỉ định sớm nhất và phổ biến nhất, dùng cho những bệnh nhân ghép gan, thận, tim... Thuốc được dùng phối hợp với cyclosporin và corticoid. Tuy nhiên, trong phạm vi bài này chúng tôi chủ yếu đề cập tới chỉ định của thuốc trong một số bệnh lý khớp tự miễn dịch.
Lupus ban đỏ hệ thống: đây là một bệnh ảnh hưởng tới rất nhiều cơ quan, đặc biệt khi thận bị tổn thương (viêm cầu thận do lupus) thì có tiên lượng xấu. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, MM có tác dụng tốt trong một số trường hợp bệnh viêm cầu thận lupus (với các typ III: viêm cầu thận tăng sinh ổ, IV: viêm cầu thận tăng sinh lan tỏa, V: viêm cầu thận màng theo phân loại của tổ chức y tế thế giới). Thuốc MM được dùng trong điều trị duy trì sau khi bệnh nhân đạt được sự lui bệnh do dùng các thuốc miễn dịch tấn công (phổ biến là cyclophosphomide).
Khi đó, MM được dùng phối hợp với corticoid nhằm làm giảm liều cũng như tác dụng phụ của corticoid. So với một số thuốc ức chế miễn dịch khác thường dùng phối hợp với corticoid như cyclosporin, azathioprin, methotrexate thì MM có ưu điểm là ít tác dụng phụ hơn. Một số nghiên cứu cho thấy, MM còn được sử dụng cả trong điều trị tấn công đợt nặng của bệnh thận. Ngoài ra, một số tổn thương khác ngoài thận như da, khớp cũng có thể điều trị tốt với MM.
Viêm khớp dạng thấp: là một bệnh thường gặp, thường được điều trị bằng các thuốc chống khớp tác dụng chậm (dùng đơn độc hay phối hợp) như methotrexat, thuốc chống sốt rét tổng hợp chloroquin, sulphasalazin...
Tuy nhiên, trong một số trường hợp bệnh viêm khớp dạng thấp không đáp ứng (kháng) với các thuốc trên thì sử dụng MM cho hiệu quả tốt. Liều thường dùng là 1g hai lần trong ngày. Một nghiên cứu trên 153 bệnh nhân viêm khớp dạng thấp dùng MM cho thấy, liều 2g/ngày cũng có hiệu quả trong khi tác dụng phụ trên dạ dày lại ít hơn. Hiệu quả rõ sau 4 tuần điều trị với đỉnh tác dụng vào tuần thứ 6-12.
Một số bệnh cơ xương khớp tự miễn khác như nhược cơ, viêm da cơ, xơ cứng bì, vảy nến... được điều trị bằng MM cũng cho kết quả khả quan, tuy nhiên số lượng nghiên cứu cũng như số lượng bệnh nhân chưa nhiều nên cần nghiên cứu thêm.
Ngoài ra, MM còn được sử dụng trong điều trị một số bệnh khác như pemphygus vulgaris, các bệnh lý viêm mạch (viêm động mạch Takayasu, u hạt Wengener), bệnh Crohn, xơ gan đường mật tự miễn, nhiễm trùng HIV...
Thuốc có tác dụng trên đường tiêu hóa như tiêu chảy, nôn mửa.
Nguy cơ mắc các bệnh lý nhiễm trùng do ức chế hệ thống miễn dịch quá mức. Do vậy, khi dùng thuốc này, bệnh nhân cần phải được theo dõi lượng bạch cầu trung tính, nếu giảm dưới 1.500 bạch cầu/ml phải ngừng thuốc.
Nguy cơ bị u lympho bào và các loại u ác tính khác, đặc biệt ở da khi dùng MM kéo dài.
Thận trọng khi dùng thuốc ở phụ nữ có thai, cho con bú vì có thể gây sảy thai trong 3 tháng đầu, gia tăng nguy cơ sinh con dị dạng... Phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ cần sử dụng thuốc ngừa thai khi dùng thuốc MM, tuy nhiên cần lưu ý là dùng thuốc MM kéo dài có thể làm giảm nồng độ thuốc ngừa thai trong máu, dẫn đến mất tác dụng của thuốc ngừa thai.
Thuốc chống chỉ định với bệnh nhân dị ứng với MM hoặc acid mycophenolic.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh