✴️ Tình trạng giãn tĩnh mạch ở tay

Nội dung

Giãn tĩnh mạch ở tay thường gặp ở nhiều người và có thể gây mất thẩm mỹ. Đa phần tình trạng này không có vấn đề nguy hiểm gì đến sức khỏe.Bài viết dưới đây sẽ đưa ra các nguyên nhân gây nên tình trạng giãn tĩnh mạch tay và các lựa chọn điều trị có thể để loại bỏ chúng.

Nguyên nhân nào gây giãn tĩnh mạch ở cánh tay

Nguyên nhân có thể của giãn tĩnh mạch tay bao gồm:

Tuổi tác: Tuổi tác là một yếu tố quan trọng gây nên sự xuất hiện giãn các tĩnh mạch ở tay. Khi đó da bắt đầu mỏng và mất tính đàn hồi. Trong các tĩnh mạch, máu lưu thông chậm hơn do lực bơm từ các van yếu hơn. Máu chậm lưu thông có thể làm cho các tĩnh mạch dày hơn, dẫn đến tình trạng giãn to và xuất hiện rõ rệt hơn.

Thiếu cân:  Lớp mỡ dưới da khiến các tĩnh mạch ít được nhìn thấy hơn. Những người thiếu cân hoặc bàn tay gầy có thể nhìn thấy tĩnh mạch rõ ràng hơn.

Nhiệt độ: Khi trời nóng, cơ thể sẽ bơm thêm máu đến các tĩnh mạch gần bề mặt da nhằm làm mát cơ thể. Điều này có thể làm giãn các tĩnh mạch ở vùng tay. Ngược lại, các tĩnh mạch ít nhìn thấy hơn khi tiếp xúc với môi trường nhiệt độ thấp.

Tập thể dục:  Trong khi tập thể dục, huyết áp tăng cao hơn. Khi huyết áp tăng, tĩnh mạch căng giãn và nổi lên. Trong hầu hết các tình huống, tĩnh mạch  sẽ trở lại bình thường sau khi cơ thể được nghỉ ngơi.

Tuy nhiên nếu một người tập thể dục thường xuyên, tĩnh mạch có thể giãn to vĩnh viễn ở tay và các khu vực khác thường xuyên chịu áp lực trên cơ thể. Tình trạng này đặc biệt có khả năng xuất hiện ở những người thường xuyên nâng tạ nặng.

​     giãn tĩnh mạch ở cánh tay

Di truyền:  Các gen của một cá thể cũng có quyết định trong sự xuất hiện của các tĩnh mạch tay.

Viêm tĩnh mạch:  Trong một số trường hợp, viêm tĩnh mạch có thể là nguyên nhân gây ra nổi tĩnh mạch ở tay. Viêm tĩnh mạch thường có liên quan đến một tình trạng bệnh lý khác như nhiễm trùng, rối loạn tự miễn hoặc chấn thương.

Suy tĩnh mạch:  Giãn tĩnh mạch là phổ biến ở chân, nhưng cũng có thể xảy ra ở tay. Giãn tĩnh mạch hình thành do các van trong các mạch này không hoạt động không hiệu quả. Giãn tĩnh mạch làm cho máu lưu thông khó khăn hơn. Tình trạng này có thể gây ra khó chịu, phì đại và có thể gây đau tĩnh mạch.

Huyết khối tĩnh mạch nông: Huyết khối tĩnh mạch nông xảy ra khi mạch máu nông ở gần bề mặt da bị tắc nghẽn thường là do các huyết khối (cục máu đông).

Huyến khối có thể hình thành sau khi thực hiện truyền tĩnh mạch (IV) kéo dài hoặc chấn thương khác vào tĩnh mạch. Huyết khối tĩnh mạch nông có thể gây đau hoặc khó chịu nhưng  thường không gây nguy hiểm.

Huyết khối tĩnh mạch sâu:

Huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) hình thành tương tự như huyết khối tĩnh mạch nông. Tuy nhiên trong DVT cục máu đông xảy ra trong tĩnh mạch sâu hơn ở cánh tay. Ở những người bị DVT, khi cục máu đông có thể bị vỡ ra và đi đến phổi có thể gây ra tắc mạch phổi.

Điều trị:

Việc điều trị tình trạng nổi các tĩnh mạch tay tùy thuộc vào nguyên nhân. Hầu hết các trường hợp nổi tĩnh mạch tay không cần điều trị gì cả. Trong hầu hết các trường hợp điều trị thường nhằm cải thiện thẩm mỹ.

Các lựa chọn điều trị các tĩnh mạch vì lý do thẩm mỹ tương tự như các lựa chọn cho giãn tĩnh mạch. Bao gồm:

Phẫu thuật cắt bỏ tĩnh mạch: Một vết mổ nhỏ ở tay nhằm loại bỏ phần tĩnh mạch bị giãn.

Điều trị xơ cứng: Là một phương pháp điều trị bằng cách tiêm thuốc gây xơ vào tĩnh mạch để gây ra phản ứng viêm tĩnh mạch do hóa chất, kết hợp với việc ép đè để các thành tĩnh mạch dính vào nhau. Khi đó tĩnh mạch sẽ không còn máu và được loại bỏ.

Liệu pháp laser: Sử dụng sóng radio hoặc sóng cao tần để làm teo hẹp các tĩnh mạch giãn.

Tuốt loại bỏ và nối tĩnh mạch:  Loại bỏ một tĩnh mạch không đặt ra vấn đề gì về lâu dài, vì sẽ có nhiều tĩnh mạch khác đảm nhận tiếp công việc của tĩnh mạch đã bị tuốt bỏ. Thường kỹ thuật này chỉ được sử dụng  cho các tĩnh mạch lớn.

Nếu tĩnh mạch tay giãn lên do bệnh viêm tĩnh mạch, điều trị có thể bao gồm dùng thuốc kháng sinh hoặc thuốc chống viêm, áp dụng chườm ấm và giữ cho bàn tay nâng cao. Nếu có huyết khối, thông thường, cơn đau sẽ biến mất trong vòng 3 đến 4 tuần. Trong thời gian đó, chườm ấm hoặc thuốc giảm đau không kê đơn có thể làm giảm sự khó chịu.

Trong trường hợp DVT, nơi cục máu đông đã hình thành sâu bên trong cánh tay, bác sĩ có thể kê đơn thuốc làm chống đông máu hoặc sử dụng các liệu pháp bổ sung để phá vỡ cục máu đông.

Tóm lược

Đối với hầu hết mọi người, các tĩnh mạch giãn ở tay không có vấn đề sức khỏe gì nghiêm trọng. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ nếu gặp phải các triệu chứng khác hoặc nghi ngờ rằng có vấn đề về sức khỏe khác gây giãn tĩnh mạch. Bác sĩ có thể chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.

Xem thêm: 7 cách giúp tránh khỏi tình trạng suy giãn tĩnh mạch

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top