Uống nước như thế nào là đúng cách?

Nội dung

1. Vì sao nắng nóng dẫn đến đột quỵ?

Đột quỵ do nhiệt có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng nhóm người dễ bị tổn thương nhất là người lớn tuổi, trẻ em, người có sẵn bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, người thường xuyên vận động, lao động ở môi trường nóng bức. Cơ thể chúng ta được ví như bộ máy kỳ diệu, có hệ thống điều hòa thân nhiệt hoạt động nhịp nhàng để tăng tiết mồ hôi, thải nhiệt ra ngoài.

Nhưng trong một số trường hợp hoạt động thể lực quá lâu trong môi trường nóng bức thì cơ chế điều hòa sẽ bị tổn thương, mất sự cân bằng và khả năng bù trừ, đặc biệt là khi chúng ta uống ít nước, không tạo ra đủ mồ hôi để thải nhiệt sẽ làm nhiệt độ cơ thể càng tăng cao. Khi thân nhiệt vượt quá 40 độ và kéo dài sẽ gây ra đột quỵ do sốc nhiệt.

Đột quỵ đang là nguyên nhân gây tử vong và tàn phế hàng đầu ở nước ta. Sinh mạng một người đột quỵ được tính bằng giây, phút. Vì vậy, phòng ngừa là ưu tiên hàng đầu.

 

2. Uống nước bao nhiêu là đủ?

Bên cạnh việc điều trị các bệnh lý nền sẵn có theo hướng dẫn, tập thể dục đúng cách, tránh thay đổi môi trường nóng - lạnh đột ngột thì lời khuyên quan trọng nhất của các chuyên gia trong thời tiết nắng nóng hiện nay để phòng ngừa đột quỵ là uống nhiều nước.

Trong điều kiện bình thường, mỗi ngày cần cung cấp khoảng 40ml nước cho mỗi kg cơ thể. Như vậy tùy thể trọng, trung bình một ngày một người cần khoảng 2 lít nước. Ngoài ra, lượng nước thực tế một người cần uống trong ngày còn phụ thuộc vào các yếu tố: Cường độ vận động, môi trường làm việc, khí hậu.

Với những lao động chân tay nặng nhọc nên uống 4 ly/cốc nước lọc mỗi giờ. Ở người già, các phản xạ đều giảm nên không phải ai cũng có cảm giác khát nước nên cần định sẵn một lượng nước cần uống trong ngày và uống hết để bảo vệ sức khỏe. Đối với bệnh nhân mạch vành, huyết áp, đái tháo đường vẫn uống nước như bình thường, nhưng người suy tim nên khống chế lượng nước đầu vào theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Chúng ta thường có thói quen để khát mới uống nước nhưng điều này là không đúng. Tốt nhất là uống thường xuyên, ngay cả khi không khát để bù đắp cho quá trình bài tiết làm mất nước và đảm bảo sự cân bằng cho chức năng hoạt động của cơ thể, điều hòa thân nhiệt.

Không nên uống nước quá nhanh, uống từng ngụm nhỏ để nước ngấm dần, chảy đều vào từng tế bào của bạn. Nên chia nhỏ các lần uống. Kể cả khi khát bạn cũng chỉ nên uống một cách từ từ. Uống nước quá nhanh trong khi khát có thể gây ra những ảnh hưởng không tốt cho tim mạch.

Không nên uống nước khi đứng, vì khi đó nước sẽ nhanh chóng đi xuống ruột, các dưỡng chất không được hấp thụ vào các cơ quan vì nước giúp vận chuyển vitamin và dưỡng chất đến từng tế bào trong cơ thể, giúp thải trừ các độc tố gây hại.

Do vậy, khi uống nước không đúng tư thế sẽ dẫn đến đau bụng, hội chứng trào ngược, đau khớp, không tốt cho chức năng của thận. Lý tưởng nhất là bạn nên ngồi uống nước, với tư thế này nước sẽ được giữ lại trong cơ thể lâu hơn. Ngồi uống nước cũng giúp cơ thể được hấp thụ các dưỡng chất hiệu quả hơn.

 

3. Lưu ý gì khi uống nước?

Uống nước đủ, đúng thời điểm là điều nên làm, nhưng chưa đủ, điều tối quan trọng đó là nguồn nước vào cơ thể phải chất lượng, đảm bảo loại bỏ hoàn toàn các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn - virus - nấm - kim loại nặng, dư lượng hoá chất cũng như các chất khử trùng (Clo, Flo…) để tránh nhiễm thêm bệnh khi uống nước mỗi ngày.

Tuy nhiên, nếu chỉ đun nước sôi để nguội như thông thường, dù có đạt đến 100 độ C thì cũng chỉ loại được vi khuẩn và ký sinh trùng, một số hóa chất độc hại nhưng không thể xử lý kim loại nặng (asen, chì, thủy ngân…). Vì vậy, ngày nay máy lọc nước dần trở thành xu hướng được ưa chuộng.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top