✴️ Viêm khớp ngón tay cái có triệu chứng gì và cách điều trị

1. Khớp ngón tay cái bị viêm là do đâu?

Với một khớp ngón tay cái bình thường, sẽ có phần sụn trên các đầu của xương – hoạt động như một tấm đệm và cho phép hoạt động của các xương trượt trơn tru với nhau. Nhưng khi ngón tay cái rơi vào tình trạng viêm, sụn ở các đầu xương bị thoái hóa và bề mặt nhẵn của nó bị nhám. Các xương sau đó chà xát vào nhau, dẫn đến ma sát và tổn thương khớp ngón tay.

Dưới đây là những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ viêm khớp tại ngón tay cái bao gồm:

– Ngón tay cái bị tổn thương, chấn thương mà không được điều trị cẩn thận. Điển hình là hệ quả từ bong gân, gãy xương ngón tay cái,..

– Do lão hóa, thường bắt đầu từ độ tuổi 40 trở lên.

– Do làm việc thường xuyên phải sử dụng ngón tay cái. Sự vận động của ngón tay quá mức sẽ dẫn tới đau nhức tại khớp.

Bong gân, gãy xương ngón tay cái có thể bị viêm khớp

 

2. Triệu chứng của viêm khớp ngón tay cái

Người bị viêm khớp ở ngón tay cái sẽ gặp các triệu chứng khác nhau. Mức độ nhẹ ban đầu theo thời gian sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách.

Một số triệu chứng điển hình giúp người bệnh nhận biết đó là:

– Ngón tay cái đau nhức, cơn đau có thể dữ dội hoặc âm ỉ, đau kéo dài nhiều ngày.

– Cơn đau tăng lên khi nắm đồ vật hoặc dùng lực ngón tay cái.

– Ấm, nóng khớp ngón tay cái.

– Giảm sức mạnh và khả năng vận động khi thực hiện các động tác ở ngón tay cái.

– Xuất hiện cục u nổi trên khớp ngón tay cái do gai xương mọc ở các xương cạnh khớp.

– Biến dạng ngón tay cái.

 

3. Điều trị bệnh bằng cách nào?

3.1. Trường hợp viêm khớp ngón tay cái không cần phẫu thuật

Qua thăm khám, quan sát và dựa vào hình ảnh chụp X-quang, bác sĩ sẽ chẩn đoán tình trạng viêm khớp thuộc mức độ nhẹ hay nặng. Nếu bệnh mới khởi phát, các triệu chứng còn nhẹ thì người bệnh sẽ được tư vấn:

– Sử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm để cải thiện triệu chứng bệnh. Liều lượng và sử dụng thuốc cần theo đúng chỉ dẫn mà bác sĩ kê trong đơn thuốc.

– Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu để tái sinh các mô bị hư hại, giúp tế bào trở nên khỏe hơn, có khả năng kháng viêm và giảm đau.

– Vật lý trị liệu để phục hồi chức năng: Gồm các biện pháp như nghỉ ngơi, không để cho ngón tay phải chịu nhiều áp lực, giảm đau bằng nhiệt hoặc dùng các loại thuốc bôi ngoài da, thực hiện các bài tập nhẹ nhàng để cải thiện khả năng vận động của ngón tay.

– Nẹp ngón tay: Giúp ngăn ngừa và giảm bớt nguy cơ khớp ngón tay biến dạng, giảm đau khớp.

3.2. Trường hợp viêm khớp ngón tay cái cần phẫu thuật

Tuy nhiên với trường hợp viêm khớp ở ngón tay cái đã ở giai đoạn nghiêm trọng thì cần tiến hành phẫu thuật. Tùy vào mỗi người, bác sĩ sẽ chỉ định hoặc tư vấn:

– Hàn xương: Giúp giảm đau và ngăn khớp biến dạng do viêm thoái hóa, thường áp dụng cho khớp liên đốt gần và khớp liên đốt xa.

– Thay khớp nhân tạo: Thay thế khớp bị viêm bằng khớp nhựa hoặc khớp kim loại.

Thực hiện phẫu thuật xong, người bệnh cần được bó bột hoặc đeo nẹp ngón tay và cổ tay trong khoảng 6 tuần. Sau khi tháo bột và nẹp, bệnh nhân cần thực hiện các bài tập vật lý trị liệu để ngón tay trở nên linh hoạt hơn.

 

4. Mẹo giảm đau tại nhà đơn giản có thể áp dụng

Một số việc mà người bệnh nên làm để cơn đau tại khớp ngón tay cái cải thiện hơn đó là:

– Nên để để ngón tay được nghỉ ngơi, tránh hoặc ngừng các hoạt động gây ra cơn đau lúc này như: đánh máy, chơi nhạc cụ,…

– Chườm lạnh vào vùng khớp ngón tay bị sưng. Nếu đỡ sưng sau 2-3 ngày thì tiếp tục chườm nóng để làm dịu sưng tấy hoàn toàn.

– Đeo nẹp cố định ngón cái để giúp hỗ trợ và giảm đau.

– Tránh cố gắng dùng sức ở các ngón tay trong việc: mở nắp lọ, cầm vật nặng, chơi thể thao,…

– Tránh bị ngã vì có thể làm tổn thương đến ngón tay trong quá trình va đập, chống tay xuống đất.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top