Vách ngăn là bộ phận nằm trong hốc mũi và chia đôi hốc mũi, nó được cấu tạo gồm phần sụn, xương, có chiều dài độ 8 cm, đi từ tiền đình mũi đến vòm mũi họng.
Trường hợp vẹo vách ngăn rất phổ biến. Phần lớn nguyên nhân là do bẩm sinh.
Tuy nhiên, lúc đầu vẹo vách ngăn không có biểu hiện gì rõ. Khi lớn lên, cơ thể phát triển, xương phát triển theo, lúc đó những triệu chứng biểu hiện của vẹo vách ngăn ngày một rõ hơn.
Do vậy, có nhiều trường hợp được bác sĩ chẩn đoán vẹo vách ngăn thì người bệnh thắc mắc rằng: “Tôi đâu có bị té, bị va chạm gì đâu mà lại bị vẹo vách ngăn”.
Cũng như khi được bác sĩ cho biết bệnh do bẩm sinh, thì nhiều người lại thắc mắc: “Bẩm sinh sao lâu nay bệnh không biểu hiện?”.
Ngoài những người mắc bệnh bẩm sinh, thì cũng có những trường hợp vẹo vách ngăn là do chấn thương ở vùng mũi (do té, va chạm, bị đánh…).
Như đã nói ở phần trên, thông thường nhiều trường hợp vách ngăn bị vẹo không có biểu hiện gì nhiều. Nhưng, sau khi mắc phải một đợt cảm cúm kéo dài, dai dẳng không dứt, người bệnh đến bác sĩ chuyên khoa khám hoặc qua kiểm tra sức khỏe tổng quát thì được phát hiện.
Số đông người bệnh phát hiện mình bị vẹo vách ngăn mũi là như thế.
Bị vẹo vách ngăn một bên thường làm cho người bệnh bị nghẹt mũi cùng với bên vách ngăn vẹo (vẹo hình chữ C). Tình trạng nghẹt mũi này thường xuyên diễn ra, nhưng do người bệnh đã ‘quen’ dần với cảm giác này nên không để ý, nhưng nếu lấy ngón tay bịt một bên mũi, còn lại bên mũi phía vách ngăn vẹo thì mới thấy rõ tình trạng mũi không thông. Nếu bị vẹo vách ngăn cả hai bên (vẹo hình chữ S), sẽ gây nghẹt mũi cả hai bên, biểu hiện bệnh cũng không rõ lắm trong giai đoạn mũi bình thường, không bị viêm nhiễm.
Triệu chứng thường gặp người bị vẹo vách ngăn mũi, khiến bệnh nhân phải đến với bác sĩ là tình trạng nhức đầu. Thường nhức một nửa đầu, có thể bên phải hay bên trái, tùy theo bị vẹo bên nào; có thể nhức trong hốc mắt cùng với bên vách ngăn vẹo, có thể nhức cả hai bên và lan ra vùng chẩm phía sau. Triệu chứng nhức đầu này mặc dù không dữ dội, nhưng cứ thường xuyên đau nhức âm ỉ, dai dẳng khiến người bệnh khó chịu suốt cả ngày
Đôi khi tối về ngủ một giấc lại hết, nhưng rồi sau đó lại tái diễn. Tình trạng nhức đầu tăng nhiều khi trời nắng gắt, hoặc khi trời quá lạnh, hay phụ nữ trong những ngày có kinh nguyệt.
Có những trường hợp mũi không bị viêm, nhưng cứ bị nhức đầu hoài, đi khám thì phát hiện vách ngăn vẹo. Triệu chứng nhức đầu thường gây khó chịu, khó làm việc và làm cho người bệnh ‘ưa’ bực bội, ‘thích’ cáu gắt…
Theo các bác sĩ, nếu để tình trạng nghẹt mũi do vẹo vách ngăn kéo dài, thì sẽ dẫn đến bị viêm mũi, viêm xoang.
Tình trạng nghẹt mũi lâu cũng ảnh hưởng lên bệnh lý tim mạch (do đường thở không thông thoáng, lượng ôxy hấp thu không đủ), ảnh hưởng đến trí nhớ, năng suất làm việc.
Ngoài ra, một khi vách ngăn bị vẹo lâu ngày còn có thể tạo ra điểm kích thích trong hốc mũi, làm tăng thêm tình trạng viêm mũi dị ứng và làm nặng thêm bệnh lý hen suyễn đang có trên người bệnh, ngoài ra còn làm giảm khả năng khứu giác…
Ranh giới giữa phẫu thuật và không phẫu thuật ở bệnh vẹo vách ngăn, bác sĩ nói sao người bệnh nghe cũng có lý.
Trên thực tế có nhiều trường hợp, vì lợi ích… gì đó, dẫn đến bác sĩ chỉ định ‘phóng tay’ trong điều trị vẹo vách ngăn: cứ vẹo là cho phẫu thuật để chỉnh sửa vẹo!
Tuy nhiên, tùy theo từng trường hợp mà hướng điều trị sẽ khác nhau, chứ không phải hễ vẹo vách ngăn là phải phẫu thuật. Nếu bị vẹo ở mức độ nhẹ, ít gây ra những triệu chứng, thì bác sĩ chuyên khoa chỉ cần chỉnh, nắn vách ngăn lại tí xíu, không phải phẫu thuật.
Nếu vẹo nhiều, gây ra những triệu chứng nặng, kéo dài, khi đó mới cần thiết phẫu thuật (theo phương pháp cổ điển, hoặc theo phương pháp nội soi) để chỉnh hình vách ngăn.
Khi chỉnh hình vách ngăn, có thể bác sĩ sẽ cắt, gọt một phần, nhưng cũng có thể cắt toàn bộ vách ngăn, tùy trường hợp.
Việc điều trị nội khoa (bằng thuốc) trong vẹo vách ngăn chỉ là điều trị những triệu chứng do vách ngăn vẹo gây nên…
Xem thêm Clip BS tư vấn về vẹo vách ngăn mũi
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh