✴️ Kim vàng

Nội dung

Cây Kim vàng hay còn gọi là Gai kim bóng vị cay, tính ấm. Vị thuốc thường được sử dụng trong y học cổ truyền để chữa ho, cảm mạo, hen suyễn, nhức mỏi tê tay và trị rắn cắn sưng đau.

cây kim vàng chữa bệnh gì

Hình ảnh cây Kim vàng

  • Tên gọi khác: Trâm vàng, Gai kim vàng, Gai kim bóng, Sơn đông

  • Tên khoa học: Barlerialupulina Lindl

  • Họ: Ô rô – Acanthaceae

Mô tả dược liệu cây Kim vàng

1. Đặc điểm sinh thái

Kim vàng là cây nhỏ, nhánh vuông, mọc thẳng đứng, không có lông lá. Lá nguyên, mọc đơn, không chứa lông. Lá kèm nhỏ bên dưới thường phát triển thành gai nhọn, kích thước dài khoảng 1 – 3 cm.

Hoa dược liệu màu vàng, tràng hoa có một môi và 4 thùy. Học mọc thành cụm ở ngọn mỗi cành cây. Mỗi cụm hoa thường chứ 18 – 20 hoa nhỏ nhưng hoa thường không nở đồng loạt. Mỗi ngày chỉ nở 2 hoa, sau 7 ngày mới nở hết một cụm hoa.

Quả nang, chứa các hạt dẹt, hạt được bao bọc bởi nhiều làm vỏ cứng màu đen. Khi chín quả sẽ phát ra tiếng nổ nhỏ, từ đó, hạt sẽ phân tán ra xung quanh.

2. Bộ phận sử dụng dược liệu

Lá cây Trâm vàng chứa nhiều dược tính, được ứng dụng để làm dược liệu điều trị bệnh.

3. Phân bố

Trâm vàng có nguồn gốc từ đảo Mauritius. Ngoài ra, cây cũng được tìm thấy ở Ấn Độ và Malaysia.

Tại Việt Nam, Kim vàng thường mọc hoang ở các tỉnh phía Nam và được trồng để làm cây cảnh hoặc hàng rào vì cây có nhiều gai nhọn. Ở các tỉnh miền Bắc ít khi tìm thấy cây Kim vàng.

4. Thu hái – Sơ chế

Lá cây Kim vàng có thể thu hái quanh năm. Thu hái về rửa sạch, để ráo nước, thường được dùng tươi. Chưa thấy nhiều trường hợp dùng khô.

5. Bảo quản dược liệu

Lá Trâm vàng có thể thu hái quanh năm. Do đó lá thu hái nên sử dụng trong ngày hoặc có thể bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh.

6. Thành phần hóa học

Trong cây Kim vàng có chứa hàm lượng Scutellarein – 7 – Rhamnosyl Glucoside cao. Khi nếm, hoa có vị ngọt, lá có vị đắng.

Vị thuốc Kim vàng

cây kim vàng trị bệnh gì

Dược liệu Kim vàng vị đắng, không chứa độc tố

1. Tính vị

Kim vàng tính ấm, vị cay, đắng, không chứa độc.

2. Tác dụng dược lý

Theo y học cổ truyền, cây Kim vàng có tác dụng tiêu thũng, giảm đau, giải độc, thông kinh hoạt lạc.

Chỉ định điều trị của Kim vàng:

  • Chữa rắn cắn

  • Chữa các vết côn trùng cắn, các vết sưng, vết đốt của sâu bọ

  • Giảm đau đầu, đau nửa đầu

  • Điều trị tê mỏi tay chân, đau nhức xương khớp

  • Hỗ trợ trị đau răng, chảy máu răng, viêm lợi

  • Chữa bệnh ho kéo dài, viêm họng và hen suyễn

  • Điều trị tiểu ra máu

  • Chữa các vết nứt da, nứt chân, mụn nhọt và các bệnh ngoài da khác.

3. Cách dùng – Liều lượng

Kim vàng có thể dùng sắc nước uống hoặc giã nát dùng đắp ngoài đều được.

Liều lượng sử dụng khuyến cáo: 10 – 20 g mỗi ngày.

Bài thuốc sử dụng cây Kim vàng

công dụng của cây kim vàng

Cây Kim vàng thường được sử dụng để chữa vết cắn của rắn và côn trùng

1. Chữa lở loét da, mụn nhọt

Sử dụng 1 – 2 nắm lá Trâm vàng tươi, rửa sạch, giã nát, trộn với một ít muối, dùng đắp lên vùng da bệnh.

2. Chữa đau răng, chảy máu răng, viêm lợi

Sử dụng 1 nắm lá cây Kim vàng, thêm một ít muối rồi về lại như hạt đậu, nhét vào chỗ răng đau. Ngoài ra có thể sử dụng 1/3 lá rửa sạch, nhai nhuyễn rồi nhét vào chỗ răng đau. Nếu đau nghiêm trọng, có thể giã nát lá với muối rồi để vào chỗ đau.

3. Điều trị viêm họng, ho hen

Sử dụng 1 nắm lá cây Kim vàng, rửa sạch với nước lạnh hoặc nước muối pha loãng, để ráo nước, giã nát lá cây để thu chất dịch. Mỗi lần sử dụng một lượng nhỏ để ngậm rồi nuốt từ từ để chất dịch thấm vào thành họng.

4. Chữa đau ngang hông và đau thắt lưng

Sử dụng 2 – 3 nắm lá cây Trâm vàng, giã nát sao với một ít rượu trắng, dùng đắp lên vị trí đau, sau đó dùng băng sạch để băng lại. Để yên trong 10 – 15 phút sau đó tháo băng và rửa lại với nước sạch.

5. Giảm sưng đau do sâu bọ, côn trùng cắn đốt

Dùng 25 – 30 g lá cây Kim vàng, chọn lá tươi, bỏ lá héo úa, rửa sạch, giã nát rồi dùng đắp lên khu vực bị tổn thương.

6. Chữa rắn độc cắn, sưng đau

Dùng 20 – 30 g lá cây Kim vàng tươi, giã nát. Chắc lấy phần nước lọc cho người bệnh uống, phần bã dùng đắp lên vị trí vết thương. Cứ 30 phút thì cho bệnh nhân uống thuốc 1 lần.

Ngoài ra, có thể sử dụng 30 g lá cây Kim vàng kết hợp với 5 g phèn chua thành hỗn hợp sền sệt. Dùng đắp lên vết thương.

7. Điều trị da chân nứt nẻ

Sử dụng 2- 3 nắm lá Trâm vàng giã nát, lấy phần nước cốt, dùng thoa lên vùng da nứt nẻ kèm massage nhẹ nhàng.

8. Trị đau nhức khắp cơ thể

Sử dụng một nắm lá cây Kim vàng rửa sạch rồi sắc lấy nước dùng uống, liên tục trong 1 tuần.

Hoặc có thể ngâm rượu cây Kim vàng để đắp, xoa ngoài kết hợp điều trị bệnh. Dùng một nắm lá Trâm vàng, rửa sạch, ngâm vào rượu, dùng uống có thể cải thiện tình trạng đau nhức cơ thể và chữa bệnh viêm ruột. Ngoài ra, có thể dùng một nắm lá cây Kim vàng sao với rượu nóng, đắp vào vị tri nhức mỏi cơ thể. Để yên cho đến khi hỗn hợp nguội dần.

9. Chữa viêm gan

Sử dụng 30 g lá cây Kim vàng, rau Dừa kiểng, Bạch hoa xà thiệt thảo, Bán chi liên, Diệp hạ châu, mỗi loại 20 g, sắc với nước dùng uống thay trà hàng ngày.

Lưu ý, người bệnh vàng da có thể cho thêm rễ Chanh, Thủy xương bồ và Ô rô để cải thiện các triệu chứng. Người có tỳ hư có thể cho thêm Hương phụ vào thang thuốc.

10. Chữa tiêu ra máu, huyết áp cao, cải thiện tình trạng say rượu

Dùng 1 – 2 nắm lá cây Kim vàng, rửa sạch, giã nhuyễn, chắc lấy phần nước cốt, dùng uống để cải thiện tình trạng.

11. Điều trị viêm xoang

Sử dụng Lá cây Kim vàng, Cỏ hôi, mỗi vị 30 g, Bòng bong, Cỏ nhọ nồi, Kinh giới, mỗi vị 20 gm cùng với 8 g Thủy xương bồ, (nếu người bệnh thường xuyên chảy máu cam có thể cho thêm 15 g Gương sen). Mang các vị thuốc trên sắc thành thuốc cô đặc, chia thành 2 phần bằng nhau, dùng uống trong ngày, liên tục trong 3 – 5 ngày.

Ngoài ra, người bệnh có thể sử dụng nước dịch lá cây Trâm vàng để nhỏ mũi, mỗi ngày 2 lần.

Cây Kim vàng là dược liệu được sử dụng phổ biến để điều trị rắn cắn, côn trùng và một số bệnh lý khác. Tuy nhiên, trước khi sử dụng dược liệu, người bệnh nên trao đổi với thầy thuốc để được hướng dẫn cụ thể về cách dùng và liều lượng phù hợp.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top