✴️ Viêm khớp phản ứng: Bệnh lý cấp tính người trẻ dễ mắc phải

Nội dung

1. Viêm khớp phản ứng và những khái niệm

Hiểu về bệnh lý sẽ giúp chúng ta dễ dàng nhận diện và đối phó với chúng hơn.

 

1.1. Định nghĩa căn bệnh của người trẻ

Viêm khớp vô khuẩn hay hội chứng Reiter đều để chỉ bệnh khớp viêm phản ứng. Đây là tình trạng khớp sưng, viêm do nhiễm khuẩn ở một số hệ cơ quan ngoài khớp hệ tiết niệu, tiêu hóa, hệ sinh dục, hay các cơ quan như cầu thận, đại tràng,… Vị trí khớp mắc bệnh chủ yếu ở hai chi dưới, khớp cùng chậu, cột sống.

Đối tượng dễ mắc bệnh phải kể tới những người từ 20 – 40 tuổi, tức trong độ tuổi lao động. Giới tính nam, yếu tố di truyền, người có kháng nguyên bạch cầu HLA-B27 là những khía cạnh làm tăng nguy cơ mắc. Người cao tuổi và trẻ em hiếm gặp hơn.

Người trong độ tuổi lao động có nguy cơ cao mắc hội chứng Reiter

 

1.2. Nguyên nhân dẫn tới bệnh viêm khớp phản ứng

Tác nhân chính gây nên viêm khớp vô khuẩn được xác định là do các loại vi khuẩn, virus, điển hình có thể kể tới:

– Khuẩn đường sinh dục, tiết niệu: Chlamydia, Trachomatis,…

– Khuẩn đường tiêu hóa: Salmonella, Borrelia, Campylobacter, Yersinia, Shigella,…

– Các loại virus: Viêm gan A, HIV, Rubella, Parvovirus,…

Ngoài ra, những người có kháng nguyên HLA-B27 hay bệnh lao hệ thống, mắc bệnh viêm đường ruột mạn tính, viêm loét đại tràng cũng có nguy cơ cao mắc bệnh.

Dù không phải bệnh lây nhiễm, nhưng những vi khuẩn gây khớp viêm phản ứng có thể lây từ người ngày qua người khác qua đường tình dục hay thực phẩm.

 

1.3. Vì sao cần phát hiện và chữa trị sớm bệnh lý?

Cần khẳng định rằng, viêm khớp vô khuẩn khi được phát hiện và điều trị sớm sẽ giảm nhanh triệu chứng, quá trình hồi phục chỉ sau vài tháng, thậm chí là vài tuần. Ngược lại, nếu phát hiện muộn, hay bệnh nhân không tuân thủ phác đồ chữa trị sẽ khiến bệnh nặng hơn. Về lâu dài, bệnh nhân có thể tàn phế.

Đáng nói, căn bệnh này có thể tái phát hay kéo dài thành mạn tính, biến chứng thành viêm cột sống dính khớp.

Vì vậy, các chuyên gia luôn khuyến cáo mọi người chủ động phòng ngừa và xử lý bệnh sớm trước khi tình trạng trở nên tồi tệ hơn.

 

2. Triệu chứng phổ biến của viêm khớp vô khuẩn

Thông thường, trước khi có dấu hiệu viêm khớp, bệnh nhân sẽ có các triệu chứng viêm đường tiết niệu, đường sinh dục hay tiêu hóa. Cũng có trường hợp viêm nhiễm nhẹ mà bệnh nhân không để ý.

 

2.1. Triệu chứng khớp

Trước hết, bệnh nhân sẽ thấy viêm đau tại một hay nhiều vị trí khớp nhưng không đối xứng. Khớp đầu gối, bàn chân, mắt cá là những nơi dễ đau. Cảm giác này có thể lan tới cột sống, cổ tay, ngón tay khiến người bệnh khó khăn trong sinh hoạt và cuộc sống.

Bệnh nhân sẽ thấy viêm đau tại một hay nhiều vị trí khớp nhưng không đối xứng

 

2.2. Triệu chứng mắt

Viêm khớp vô khuẩn sẽ tác động từ một bên mắt tới cả hai bên. Người bệnh sẽ bị đỏ mắt, đau hốc mắt, viêm kết mạc, viêm loét giác mạc,…

 

2.3. Triệu chứng da và niêm mạc

Khi khớp viêm phản ứng, bệnh nhân có thể bị những tổn thương ở da và niêm mạc:

– Lòng bàn tay, bàn chân, da đầu bị đa tăng sừng hóa

– Tổn thương niêm mạc lưỡi, miệng, bao quy đầu

– Viêm niệu đạo, viêm tuyến tiền liệt, viêm bàng quang,…

 

2.4. Triệu chứng viêm ngón chân, ngón tay

Cảm giác sưng phồng, đau đớn ở khớp ngón tay, ngón chân.

 

2.5. Triệu chứng toàn thân

Khi đối mặt với hội chứng Reiter, bệnh nhân sẽ thấy mệt mỏi, suy nhược, sốt nhẹ, chán ăn, sụt cân,…

 

3. Chẩn đoán và điều trị khớp viêm phản ứng

Làm thế nào để phát hiện và chữa trị sớm căn bệnh viêm khớp vô khuẩn ở người trẻ tuổi?

 

3.1. Chuyên gia chẩn đoán bệnh lý như thế nào?

Nhằm chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ thông qua các bước thăm khám lâm sàng, xét nghiệm cận lâm sàng, khai thác tiền sử bệnh lý của người bệnh và gia đình họ. Tới nay, chưa có xét nghiệm chuyên biệt để sàng lọc viêm khớp vô khuẩn. Bệnh nhân sẽ được chỉ định là xét nghiệm ESR – Tốc độ lắng máu. Nếu kết quả tốc độ cao hơn so với mức thường, tức người bệnh có nguy cơ cao mắc hội chứng Reiter.

Ngoài ra, chuyên gia có thể kiểm tra sự tồn tại kháng nguyên HLA-B27 trong cơ thể bệnh nhân nhằm xác định tình trạng bệnh. Để quan sát và kiểm tra các khớp, phương pháp thường dùng là xạ hình xương, chụp X-quang,…

 

3.2. Phòng và chữa bệnh viêm khớp phản ứng

Vì những hệ quả khó lường và nguy cơ tái phát, việc chữa và ngừa viêm khớp vô khuẩn nên được thực hiện song song.

Điều trị bệnh

Nguyên tắc trong điều trị khớp viêm phản ứng bao gồm:

– Điều trị tổn thương hệ cơ xương với thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm không chứa steroid.

– Điều trị các tổn thương gặp phải bên ngoài khớp.

– Điều trị các nguyên nhân gây viêm khớp.

– Vật lý trị liệu, ngăn chặn biến chứng.

Khi dùng thuốc, chuyên gia có thể chỉ định một số loại phổ biến như sau. Để trị viêm hệ cơ xương, Naproxen, Ibuprofen có tác dụng giảm đau sưng, cứng khớp. Khi bệnh nhân có biểu hiện nhiễm trùng tiêu hóa hay tiết niệu, sinh dục sẽ được kê dùng kháng sinh. Đối với các tổn thương ngoài, thuốc chứa Steroid sẽ mang lại hiệu quả.

Tuy nhiên, người bệnh cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ điều trị. Tuyệt đối không tự ý sử dụng, có thể dẫn tới hệ quả nghiêm trọng.

Ngoài dược phẩm, các bài tập vật lý trị liệu sẽ giúp bệnh nhân cải thiện tình trạng viêm, đau sưng khớp. Việc này hỗ trợ tốt trong điều trị và giảm phản ứng miễn dịch làm tổn thương khớp.

Phòng ngừa bệnh

Một số phương pháp giúp chúng ta giảm thiểu nguy cơ mắc viêm khớp vô khuẩn:

– Tránh xa các nguồn vi khuẩn, virus gây bệnh.

– Chế độ dinh dưỡng đảm bảo, ăn chín uống sôi

– Có chế độ vận động, tập luyện hợp lý, tăng độ bền và sức mạnh cho cơ xương khớp.

– Tắm nước ấm, nóng nhằm tránh co cứng, sưng khớp.

– Quan hệ tình dục an toàn, không để bị lây bệnh.

– Thăm khám định kỳ theo chỉ định bác sĩ, đặc biệt với người mang yếu tố di truyền.

Với thông tin trên, hy vọng các bạn đã có thêm kiến thức về bệnh viêm khớp phản ứng. Nếu có những dấu hiệu bất thường hoặc nghi ngờ bị bệnh, cần đi khám và điều trị để tránh những hệ lụy đối với sức khỏe.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top