✴️ Yếu tố làm tăng khả năng mắc thoái hóa khớp

Nội dung

Yếu tố gây thoái hóa khớp

Có nhiều yếu tố làm tăng khả năng mắc thoái hóa khớp. Việc hiểu rõ về các căn nguyên gây bệnh sẽ giúp chúng ta biết cách phòng ngừa bệnh hiệu quả.

 

Do tuổi tác

Khi tuổi càng cao, quá trình tổng hợp của sụn khớp càng bị suy giảm. Sau độ tuổi trưởng thành tế bào sụn cũng không có khả năng sinh sản và tự tái tạo vì thế dễ bị thoái hóa khớp.

 

Giới tính

Phụ nữ từ 55 tuổi trở lên thường có nguy cơ mắc các bệnh thoái hóa khớp cao hơn nam giới. Lý do là bởi dây chằng trước của khớp gối yếu hơn, và thói quen đi giày cao gót gây áp lực trực tiếp lên sụn tạo cơ hội thoái hóa tiến triển nhanh.

 

Thừa cân hoặc béo phì

Thừa cân sẽ tạo áp lực lên hai khớp gối, sụn khớp nhanh hao mòn và hỏng dần. Theo nghiên cứu, phụ nữ thừa cân béo phì trên tuổi 40 có khả năng bị thoái hóa khớp gối cao gấp 6 lần so với người bình thường.

 

Chấn thương do chơi thể thao hoặc tai nạn

Khi gặp phải những chấn thương dù nhẹ hay nặng cũng ảnh hưởng tới hệ xương khớp. Nếu không điều trị kịp thời và dứt điểm sẽ dễ tiến triển mạn tính, thoái hóa khớp gối nhanh chóng.

 

Di truyền

Một số người bị thoái hóa khớp là do yếu tố di truyền.

 

Vận động quá sức

Lao động nặng hoặc chơi thể thao, tập luyện ở cường độ cao cũng dẫn đến thoái hóa khớp nhanh.

 

Không tập thể dục thường xuyên

Lười tập thể dục có thể khiến các cơ bị lỏng lẻo, các khớp xương thiếu độ linh hoạt, cấu trúc cơ, xương, gân, dây chằng dễ bị sai lệch. Nếu thường xuyên tập luyện tăng sức mạnh cơ có thể giảm đến 30% nguy cơ mắc thoái hóa khớp.

 

Sử dụng thuốc corticoid không đúng cách

Corticoid được sử dụng nhiều trong điều trị chống dị ứng, kháng viêm, ức chế miễn dịch. Nếu quá lạm dụng thuốc corticoid có thể càng làm tăng mức độ thoái hóa khớp.

 

Chế độ ăn uống, sinh hoạt không khoa học

Việc ăn uống thiếu chất khiến túi hoạt dịch tiết ra ít chất nhờn, uống rượu bia quá nhiều khiến sụn khớp bị hủy hoại nghiêm trọng.

 

Mắc các bệnh lý khác

Nhiều bệnh khác cũng có ảnh hưởng xấu đến xương khớp và sụn như béo phì, gút, tiểu đường, viêm khớp dạng thấp, hội chứng rối loạn chuyển hóa…

 

Biện pháp phòng ngừa thoái hóa khớp

Đối với các yếu tố khách quan gây thoái hóa khớp thì có thể phòng ngừa được bằng cách:

  • Thay đổi lối sống, sinh hoạt
  • Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao nhằm tăng cường sự dẻo dai cho các khớp
  • Có chế độ ăn uống giàu canxi, vitamin và khoáng chất…

Áp dụng chế độ ăn uống khoa học và thăm khám sức khỏe định kỳ

  • Điều trị sớm và triệt để các bệnh lý ở cơ xương khớp sẵn có, hoặc do tai nạn, chấn thương tạo thành
  • Sử dụng thuốc điều trị các bệnh lý viêm nhiễm, dị ứng… theo đúng sự hướng dẫn của bác sĩ

Đối với các yếu tố chủ quan gây thoái hóa khớp như di truyền, tuổi tác hoặc giới tính thì khó có thể phòng tránh. Tuy nhiên, chúng ta có thể phát hiện sớm thoái hóa khớp bằng cách thăm khám sức khỏe định kỳ.

Việc chủ động kiểm tra sức khỏe định kỳ sẽ giúp đánh giá tình trạng sức khỏe tổng quan. Bác sĩ sẽ khai thác thêm tiền sử bệnh lý cá nhân và gia đình, đồng thời chỉ định thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán cận lâm sàng phù hợp. Từ đó giúp phát hiện sớm các bệnh lý xương khớp hoặc các bệnh lý khác tiềm ẩn trong cơ thể (nếu có)

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top