Lợi ích của Niacin (vitamin B3)

Khi được bổ sung, vitamin B3 sẽ có tác dụng giảm cholesterol máu, giảm tình trạng viêm khớp và tăng cường chức năng não bộ. Tuy nhiên, sử dụng quá nhiều vitamin B3 cũng có thể gây ra những tác dụng phụ vô cùng nghiêm trọng. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn tất cả những gì bạn cần biết về niacin.

 

Niacin là gì?

Niacin là một trong số 8 loại vitamin nhóm B, còn được gọi với tên gọi là vitamin B3.

Có 2 dạng niacin có tác động khác nhau đến cơ thể, và cả 2 dạng này đều có thể tìm thấy trong thực phẩm cũng như trong các loại viên uống.

  • Axit nicotinic: Dưới dạng viên uống bổ sung, axit nicotinic là một dạng niacin có thể được sử dụng để điều trị tăng cholesterol và bệnh tim mạch
  • Niacinamide hoặc nicotinamide: Không giống như nicotinic axit, niacinamide không có tác dụng làm giảm cholesterol máu. Tuy nhiên, nó lại có thể giúp điều trị bệnh tiểu đường typ 1, một số bệnh da liễu và bệnh tâm thần phân liệt.

Niacin là một loại vitamin tan trong nước, do vậy, cơ thể không thể dự trữ được. Điều này cũng có nghĩa là cơ thể sẽ thải ra lượng niacin thừa, nếu không cần thiết.

Cơ thể có thể hấp thu niacin từ thực phẩm, nhưng cũng có thể tạo ra niacin từ amino axit tryptophan.

 

 

Tác dụng của niacin

Cũng như các loại vitamin nhóm B khác, niacin giúp chuyển thức ăn thành năng lượng bằng việc hỗ trợ công việc của các enzym. Niacin cũng là thành phần chính của 2 loại coenzyme tham gia vào quá trình trao đổi chất ở tế bào. Ngoài ra, niacin cũng đóng một vai trò nhất định trong việc gửi tín hiệu đến các tế bào, tạo ra và sữa chữa DNA và hoạt động như một chất chống oxy hóa.

Thiếu niacin, có thể sẽ có các triệu chứng như mệt mỏi, giảm trí nhớ, lú lẫn, trầm cảm, đau đầu, tiêu chảy và các vấn đề về da. Thiếu niacin ở mức độ nặng thường chỉ xảy ra ở các nước rất nghèo và không đảm bảo được chế độ ăn.

 

Bạn cần bao nhiêu niacin?

Dưới đây là lượng niacin khuyến nghị một ngày:

Trẻ sơ sinh:

  • 0-6 tháng: 2mg/ngày
  • 7-12 tháng: 4 mg/ngày

Trẻ nhỏ

  • 1-3 tuổi: 6mg/ngày
  • 4-8 tuổi: 8mg/ngày
  • 9-13 tuổi: 12mg/ngày

Thanh thiếu niên và người trưởng thành:

  • Nam giới trên 14 tuổi: 16mg/ngày
  • Nữ giới trên 14 tuổi: 14mg/ngày
  • Phụ nữ mang thai: 18mg/ngày
  • Phụ nữ cho con bú: 17mg/ngày

 

9 lợi ích về sức khỏe của Niacin

Giảm lượng cholesterol xấu LDL

Niacin đã được sử dụng từ những năm 1950 để điều trị tăng cholesterol. Trên thực tế, niacin có thể làm giảm lượng cholesterol xấu đi khoảng 5-20%. Tuy nhiên, niacin không phải là biện pháp chính trong điều trị tăng cholesterol bởi sử dụng niacin có thể sẽ có tác dụng phụ. Với những người không dung nạp được statin, thì sử dụng niacin vẫn có thể được coi là một phương pháp giúp làm hạ cholesterol.

 

Tăng lượng cholesterol tốt HDL

Ngoài việc làm giảm LDL, niacin cũng có thể làm tăng lượng cholesterol tốt HDL. Niacin có khả năng này là do nó ngăn chặn sự giáng hóa của apolipoprotein A1 – một loại protein giúp tạo ra HDL. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng niacin có thể làm tăng lượng cholesterol tốt HLD lên từ 15-35%.

 

Hạ tryglicerid

Lợi ích thứ 3 của niacin với mỡ máu đó là niacin có thể làm giảm lượng tryglicerid đi khoảng 20-50%, do có thể làm ngừng hoạt động của một loại enzyme tham gia vào quá trình tổng hợp tryglicerid. Và do vậy, kết quả là niacin cũng có thể làm giảm việc sản xuất ra cholesterol tỷ trọng thấp LDL và cholesterol tỷ trọng rất thấp (VLDL).

 

 

Dự phòng bệnh tim mạch

Tác dụng của niacin lên lượng cholesterol có thể giúp dự phòng các bệnh tim mạch. Niacin có thể làm giảm tình trạng stress oxy hóa và tình trạng viêm – hai tình trạng có thể dẫn đến xơ cứng thành mạch. Một số nghiên cứu còn gợi ý rằng, việc sử dụng niacin (một mình hoặc phối hợp với statin) có thể làm giảm nguy cơ các vấn đề về tim mạch. Tuy nhiên, những kết quả này vẫn còn đang gây tranh cãi bởi gần đây, có một nghiên cứu chỉ ra rằng, nicain không thực sự giúp làm giảm nguy cơ nhồi máu cơ tìm, đột quỵ hoặc tử vong vì bệnh tim mạch ở những người có bệnh hoặc có nguy cơ cao bị bệnh.

 

Hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường typ 1

Bệnh tiểu đường typ 1 là một bệnh tự miễn mà cơ thể sẽ tự tấn công và tiêu diệt các tế bào tạo ra insulin ở tụy. Đã có những nghiên cứu chứng minh rằng, niacin có thể giúp bảo vệ những tế bào này và do vậy, có thể làm giảm nguy cơ bị tiểu đường typ 1 ở trẻ em có nguy cơ cao. Tuy nhiên, với người bị tiểu đường typ 2, vai trò của niacin phức tạp hơn nhiều. Một mặt, niacin có thể làm giảm lượng cholesterol – một bệnh cũng thường đi kèm với bệnh tiểu đường typ 2, nhưng mặt khác, niacin cũng có thể làm tăng lượng đường huyết của cơ thể. Do vậy, những người bị tiểu đường sử dụng niacin để điều trị tăng cholesterol sẽ cần kiểm soát lượng đường huyết chặt chẽ hơn.

 

Tăng cường chức năng não bộ

Não bộ cần có niacin để có năng lượng và hoạt động hiệu quả. Trên thực tế, các triệu chứng về tâm lý hoặc tình trạng suy nghĩ không rõ ràng thường có liên quan với việc thiếu niacin. Một số dạng tâm thần phân liệt có thể được điều trị với niacin vì niacin có thể giúp hồi phục những tổn thương tại các tế bào não xảy ra do thiếu niacin. Một vài nghiên cứu sơ bộ ban đầu cũng cho thấy, niacin có thể giúp não bộ khỏe mạnh trong trường hợp bệnh Alzheimer.

 

Cải thiện tình trạng da liễu

Niacin giúp bảo vệ các tế bào da khỏi sự phá hủy của ánh nắng mặt trời, và có thể được sử dụng đường uống hoặc bôi ngoài da. Một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, niacin có thể giúp dự phòng một số loại ung thư da. Một nghiên cứu năm 205 chỉ ra rằng, bổ sung 500mg nicotinamide (một dạng niacin) 2 lần/ngày có thể giúp làm giảm nguy cơ ung thư da không liên quan đến tế bào hắc sắc tố ở những người có nguy cơ ung thư da cao.

 

Giảm triệu chứng viêm khớp.

Một nghiên cứu sơ bộ cho thấy rằng niacin có thể làm giảm một số triệu chứng của tình trạng viêm xương khớp, cải thiện khả năng chuyển động của các khớp và giảm nhu cầu sử dụng các thuốc giảm đau NSAIDs. Một nghiên cứu khác trên chuột chỉ ra rằng, tiêm niacin có thể làm giảm tình trạng viêm liên quan đến khớp. Đây đều là những kết quả vô cùng hứa hẹn.

 

Điều trị bệnh Pellagra

Thiếu niacin trầm trọng sẽ gây ra bệnh Pellagra. Do vậy, bổ sung niacin là phương pháp điều trị chính khi mắc bệnh Pellagra. Thiếu niacin là một bệnh tương đối hiếm gặp ở các nước công nghiệp. Tuy nhiên, bệnh thường đi kèm với một số tình trạng bệnh khác như nghiện rượu, rối loạn ăn uống hoặc bệnh Hartnup.

 

Các loại thực phẩm giàu niacin

Niacin được tìm thấy trong rất nhiều loại thực phẩm khác nhau, đặc biệt là thịt, cá, bánh mỳ và ngũ cốc. Dưới đây là lượng niacin bạn có thể thu được khi ăn một khầu phần mỗi loại thực phẩm dưới đây:

  • Ức gà: 59% nhu cầu khuyến nghị một ngày
  • Thịt bò: 33% nhu cầu khuyến nghị một ngày
  • Cá hồi hun khói: 32% nhu cầu khuyến nghị một ngày
  • Các loại hạt, đậu: 10-19% nhu cầu khuyến nghị một ngày
  • Đậu lăng: 10% nhu cầu khuyến nghị một ngày
  • Bánh mỳ trắng: 9% nhu cầu khuyến nghị một ngày

 

Có nên bổ sung niacin dưới dạng viên uống?

Tất cả mọi người đều cần niacin nhưng đa số chúng ta đều có thể bổ sung đủ niacin thông qua thực phẩm. Tuy nhiên, nếu bạn thiếu niacin nặng hoặc mắc một bệnh nào đó cần sử dụng niacin liều cao, thì bác sỹ có thể sẽ kê đơn thực phẩm chức năng cho bạn, ví dụ như những người có nguy cơ tăng cholesterol hoặc có nguy cơ mắc bệnh tim mạch nhưng lại không thể sử dụng statin.

Thực phẩm chức năng có chứa niacin thường sẽ chứa niacin liều cao hơn so với lượng niacin có trong thực phẩm. Vì sử dụng niacin liều cao thường đem lại nhiều tác dụng phụ, nên việc thông báo cho bác sỹ biết bạn đang sử dụng niacin là vô cùng quan trọng.

Các phản ứng phụ của việc quá liều niacin bao gồm:

  • Đỏ mặt do niacin: là phản ứng phụ thường gặp nhất do các mạch máu bị giãn ra. Ngoài việc bị đỏ và nóng bừng trên mặt, ngực và cổ, bạn cũng có thể sẽ có cảm giác ngứa râm ran, nóng rát hoặc đau.
  • Buồn nôn và kích ứng dạ dày: buồn nôn, nôn mửa và kích ứng dạ dày cũng có thể xảy ra, đặc biệt là nếu sử dụng axit nicotinic giải phóng chậm.
  • Tổn thương gan: đây là một trong số những mối nguy lớn nhất khi sử dụng niacin liều cao trong thời gian dài để điều trị tăng cholesterol. Tổn thương gan thường liên quan đến việc sử dụng axit nicotinic giải phóng chậm, nhưng cũng có thể có liên quan đến các dạng niacin có tác dụng nhanh khác.
  • Kiểm soát đường huyết: niacin liều cao (3-9g/ngày) có ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát đường huyết, cả khi sử dụng ngắn ngày hoặc lâu dài.
  • Các vấn đề về mắt: ngoài các phản ứng tiêu cực khác lên mắt thì một phản ứng phụ hiếm gặp khác do quá liều niacin là nhìn mờ
  • Bệnh gout: niacin có thể làm tăng lượng axit uric trong cơ thể, và có thể dẫn đến bệnh gout.

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top